Thu nhập bấp bênh chính là vấn đề khiến ai cũng phải suy nghĩ rất nhiều trước mỗi quyết định chi tiêu. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi nguồn thu của bạn có những tháng nhiều hơn tháng trước đó gấp vài lần. Bởi đó chính là lý do chúng ta khó kiểm soát được các khoản chi, dẫn tới tình trạng thiếu trước hụt sau, thậm chí đối mặt với nợ nần - đặc biệt trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.
Tuy nhiên, bài toán này đã được Tạ Hồng (mẹ của em bé 1 tuổi), hiện đang công tác trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, chủ yếu là tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp cho các bà mẹ trẻ và huấn luyện đội ngũ chuyên viên tư vấn nội bộ giải quyết khéo léo; giúp cô vẫn tiết kiệm được 30% thu nhập mỗi tháng trong khi phải lo chi tiêu cho cả gia đình.
Theo Tạ Hồng, thu nhập của cô có những tháng hơn 100 triệu, nhưng cũng có tháng chỉ 5-6 triệu. Và ở thời điểm hiện tại, đây là nguồn thu nhập chính để lo cho cả gia đình 3 người.
"Hiện tại, trung bình thu nhập của mình là 40 triệu/tháng. Có tháng mình thu về hơn 100 triệu nhưng có tháng chỉ 5, 6 triệu thôi. Trong khi đó, chồng đang khởi nghiệp nên không có nhiều thu nhập. Vậy nên mình phải tính rất kĩ chi phí sinh hoạt trung bình hàng tháng để tạo lập quỹ chi tiêu cho ít nhất 3 tháng, đề phòng tháng nào đó thu không đủ chi." - Tạ Hồng chia sẻ.
Và nếu mọi người thấy con số thu nhập trung bình 40 triệu/tháng có vẻ như là không có gì để buộc chúng ta phải lo lắng về việc chi tiêu sinh hoạt cho 1 gia đình 3 người thì thực tế lại chứng minh điều ngược lại như thế này: Khoản thu nhập giữa các tháng bị chênh lệch càng lớn thì chúng ta càng dễ rơi vào "bẫy" mất kiểm soát chi tiêu.
Để giải quyết vấn đề này, Tạ Hồng đã cho biết: "Gia đình mình ăn ở nhà nhiều hơn, giảm các bữa ăn hàng và nếu có ăn hàng thì sẽ có ngân sách "xả hơi" của từng tháng. Sắp tới em bé sẽ cho đi lớp nên sẽ phải chuẩn bị thêm 1 khoản chi phí cho việc học của con. Bên cạnh đó thì mình cũng tìm cách gia tăng thu nhập bằng các kênh khác nữa thì mới có thể tiết kiệm được thêm.
Nếu nói hoàn toàn không lo lắng thì không phải. Nhưng may mắn hơn, việc quản lý chi tiêu của gia đình mình trở thành 1 thói quen rồi nên cũng không quá khó để thích nghi với tình trạng giá cả tăng cao như bây giờ."
Khi có tiền Hồng chuyển ngay phần tiền tiết kiệm sang 1 tài khoản khác, hoặc gửi tiết kiệm online.
Ngoài cách trên, Tạ Hồng cũng nghiêm ngặt tuân thủ theo các quy định của riêng mình:
- Nếu không nhận được thu nhập đều đặn hàng tháng thì cần phải có kế hoạch tài chính cho cả năm thay vì chỉ nhìn từng tháng, ví dụ như: Tiền dự phòng, tiết kiệm, đầu tư phải để riêng ra các tài khoản khác nhau để dễ kiểm soát.
- Ngoài ra, Tạ Hồng cũng đặt ra quy định tiết kiệm tối thiểu 10%/tháng. Tháng nào thu nhập cao, Hồng sẽ tiết kiệm nhiều hơn.
"Nguyên tắc luôn là ngắt ngọn, tiết kiệm trước chi tiêu sau. Mình phải chuyển ngay phần tiền tiết kiệm sang 1 tài khoản khác, hoặc gửi tiết kiệm online ngay hoặc gửi sang tài khoản đầu tư để mình quên nó đi. Lâu dần nhìn lại sẽ thấy thành quả của mình cũng có tấm có món." - Tạ Hồng chia sẻ.