Ở đất Việt, ngoài Trung Bộ - cái nôi của nền văn minh Champa, thì Nam Bộ cũng là nơi có đông đảo người Chăm sinh sống, góp phần vào công cuộc khai hoang và kiến tạo một nền văn hóa đặc sắc tại vùng đất này. Người Chăm cư trú, tập trung cụ thể ở một số tỉnh như An Giang, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh và một số ít ở Ðồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang… Trong đó, tỉnh An Giang - nơi đầu nguồn châu thổ sông Cửu Long là có đông người Chăm nhất.
Khác với cư dân các làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận sinh sống dọc ven biển Trung Bộ, làng Chăm ở miền biên viễn đầu nguồn sông Hậu chủ yếu theo đạo Islam (Hồi giáo).
Trải qua nhiều thế hệ, người Chăm hiện tại sử dụng tiếng Việt, sinh hoạt, ăn uống không khác nhiều so với người Việt nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc và tôn giáo. Cùng với người Việt, Hoa, Khmer, đồng bào người Chăm đã góp phần tạo nên diện mạo văn hóa đa dạng ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Một làng Chăm ở xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang
Đàn ông hành lễ, đàn bà đi chợ
Huyện An Phú nằm ở đỉnh Tây Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp Campuchia, là nơi tiếp nhận dòng chảy đầu tiên của dòng Mekong vào Việt Nam. Dòng chảy thong dong của mùa nước nổi kéo thêm phù sa về khiến cho đất nơi này thêm tươi tốt. Ngoài lý do nghe bài ca ngợi về sự trù phú của kinh tế địa phương, người ta còn đến Châu Đốc, về An Phú là vì những điều thú vị từ văn hóa bản địa.
Đặc biệt, đây là nơi hiếm hoi mà bạn có cơ hội chứng kiến sự giao thoa của 4 dân tộc: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer.
Lên cầu Cồn Tiên nhìn xuống, ngoài những chiếc ghe, xuồng ôm sát mé sông người ta còn thấy bên triền bờ bên kia cả một tập quán của người Chăm. Và chính điều đó đã thu hút sự hiếu kỳ của chúng tôi ngay từ lần đầu tiên biết đến.
So với ngày trước, hiện tại làng Chăm ở xã Đa Phước, huyện An Phú đã thay đổi rất nhiều. Những căn nhà sàn được xây thêm tường kiên cố, những người đầu đội khăn Mat'ra không còn ngồi mãi bên khung dệt hay ôm lấy gian bếp hun khói hằng ngày mà hòa nhập với công cuộc kinh doanh, buôn bán.
Đường vào làng Chăm
"Đó, cái đó là Tung lamaow (đọc là Tung Lò Mò) - món của người Chăm, sau này thành đặc sản ở An Giang, người Kinh gọi là "lạp xưởng bò" luôn. Người Chăm họ không dùng thịt heo, mỡ heo, mỡ bò gì đâu, lạp xưởng bò chỉ có thịt bò thôi", một người dẫn đoàn tham quan mách nước khi nhìn thấy một phụ nữ Chăm rao bán món lạp xưởng mang tên "Tung Lò Mò" trước những ánh mắt hiếu kỳ.
Sau khi những người đàn ông lên thánh đường, phụ nữ Chăm ra chợ với công cuộc mưu sinh
Từ 5 giờ sáng, những người đàn ông Chăm trong trang phục xà rông kẻ sọc ca rô dài qua mắt cá chân kèm áo chvéa, đầu đội một chiếc nón kapeak bằng vải, sau khi rửa sạch tay chân, họ đi đến thánh đường để hành lễ. Riêng những người phụ nữ mặc bộ đồ vải lụa có hoa văn, màu sắc nhẹ nhàng, quấn những chiếc khăn mat'ra rực rỡ, cùng lúc cũng rời khỏi nhà để ra chợ hoặc dọn hàng quán.
Những người đàn ông Chăm dậy rất sớm, sau khi cần mẫn đi hành lễ vào buổi sáng họ trở về với gia đình
Những người phụ nữ Chăm giờ đây ngoài thêu thùa, may vá, nội trợ, họ đã bắt đầu buôn bán
Đi bộ theo con lộ chạy qua làng Chăm Đa Phước, chúng tôi nghe được tiếng kinh cầu vang vọng từ thánh đường Masjid Al-Ehsan. Bên ngoài, làng Chăm hối hả, bận rộn không khác gì một thị xã thu bé lại. Bức tranh về tôn giáo và đời sống của người Chăm như hiện lên rõ rệt ngay trước mắt chúng tôi, vào khoảnh khắc ấy. Người ta từ khắp nơi tìm đến đây, có lẽ cũng là vì bức tranh này đây.
"Theo giáo luật Islam, nữ ở đây phải choàng khăn che kín mặt và phủ cả hai tay và tóc, chỉ chừa đôi mắt. Nhưng hiện tại, để linh động cũng như dễ sinh hoạt, phụ nữ chỉ cần quấn khăn che tóc mà không cần che kín mặt nữa", người hướng dẫn nói với chúng tôi.
Chợ ở làng Chăm mở phiên 3 tiếng, từ 5 đến 8 giờ sáng. Phụ nữ Chăm lại tất tả trở về nhà, lo việc nhà và nội chợ. Cũng vừa lúc, những người đàn ông trở về từ thánh đường.
Độc đáo những căn nhà sàn có tuổi bằng "đời người" của người Chăm
Đi theo dọc lộ nhựa nối dài làng Chăm ở Đa Phước, chúng tôi liên tục bị hút mắt đến những ngôi nhà sàn có độ cao khoảng hơn 3 mét so với mặt đất. Theo lẽ thường, ở miền Tây, đặc biệt là vùng nước nổi hoặc có lũ, việc nhìn thấy nhà sàn là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nhà sàn "mặt phố" như ở đây thì quả là lạ mắt.
Nhà sàn của người Chăm
Nếu ở vùng núi, nhà sàn được dựng để tránh thú dữ thì ở miền Tây Nam Bộ, nhà sàn là phương tiện tránh ngập mỗi khi mùa nước nổi về.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy điểm đặc sắc là ở chỗ, vào mùa khô, gầm nhà sàn liền trở thành nơi người ta rào lại nuôi vịt gà, hoặc cũng có khi nơi chủ nhà mắc võng nghỉ trưa. Đến mùa lũ, mọi sinh hoạt sẽ chuyển lên nhà và xuồng ghe là phương tiện di chuyển chủ yếu. Sàn được dựng cao bằng hệ thống cột bằng gỗ trụ làm từ các loại danh mộc, gỗ cẩm, sồi, gõ đỏ, gõ đen, thao lao, giáng hương... Nên nói về độ chắc chắn, "phải tính bằng đời người".
Mặt tiền nhà nào cũng có một cái thang bằng cũng được làm từ gỗ, có nhà phải 2 - 3 cái tính cả nhà trước và nhà sau.
"Kiến trúc nhà sàn của bà con làng Chăm bây giờ thay đổi, hiện đại và tiện nghi hơn nhiều, họ dựng trụ nhà bằng xi măng, thang lên cũng đổ xi măng sao cho chắc mà lâu bền", một người trong đoàn nói.
Một góc nhà sàn ở làng Chăm, phần sàn nhà được rào lại thành nơi nuôi trồng
Nếu như điểm đặc biệt của căn nhà 3 gian mà người Kinh ngày xưa hay cất là thường không có cửa thì trong nhà sàn của người Chăm ngày nay lại có một đặc điểm đặc biệt khác là hầu như không có bàn ghế. Khách đến nhà sẽ được thiết đãi trên một tấm chiếu manh mới toanh luôn được chủ nhà xếp gọn vào trong góc.
"Họ thường ngăn vách và chia gian nhà thành các buồng và dùng rèm để phân biệt, nữ thường ở buồng này nam thường ở buồng kia. Theo giới đạo, phụ nữ thường không được lên nhà trên hoặc khách không được vào trong buồng của phụ nữ nhưng ngày nay người ta đã thoáng hơn, người phụ nữ Chăm có thể đi lại, sản xuất, buôn bán", người hướng dẫn chúng tôi nói tiếp.
Những căn nhà sàn có "điệu bộ" của người dân vùng Tây Nam Bộ bởi vì nó đã ở đây hàng trăm năm có lẻ. Chúng tồn tại chỉ vì con người muốn thích nghi với điều kiện tự nhiên và chính những căn nhà sàn ấy cũng khắc họa rõ cách người Chăm gắn bó và gây dựng nên một nếp sống đặc trưng ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.
Cả làng làm du lịch, đón đoàn phim bạc tỷ
So với trước, làng Chăm và đồng bào người Chăm đã cởi mở hơn nhiều, họ quan tâm đến việc phát triển du lịch cộng đồng, mạnh dạn chia sẻ văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình.
Được địa phương hỗ trợ các chương trình kích cầu du lịch, những người phụ nữ Chăm sẵn sàng trở lại bên khung cui, dệt những sản phẩm thổ cẩm truyền thống thành hình dạng rồi bán chúng lại cho khách du lịch mang về làm quà.
Người Chăm ưu tiên tính cộng đồng, sống có tình làng nghĩa xóm
Họ nhiệt tình nói lời chào bất kỳ đoàn khách nào đi qua, thậm chí còn buông lời mời bằng một câu tiếng Việt thật sõi: "Ăn bún cà ri thử đi em, món này chỉ ở đây mới có, ngon như ở nhà" - Giọng hào sảng đậm chất miền Tây.
Tinh thần làng xóm cũng được nhìn thấy rõ ở làng Chăm thuộc xã Đa Phước. Sau bữa ăn sáng, họ ríu rít nói cười, buông những câu chuyện phím vui tai nhưng không làm mất đi những giới luật truyền thống.
Được một người phụ nữ Chăm giới thiệu, chúng tôi mới có dịp được biết, làng Chăm ở xã Đa Phước từng là nơi Lý Hải đã bấm máy quay bộ phim Lật Mặt 5 - bộ phim thành công vang đội được công chiếu trên nhiều quốc gia một thời.
"Họ thuê cả dãy hơn 10 nhà sàn rồi gia cố lại nhà sau đó quay với cả trăm diễn viên quần chúng, hàng trăm người ở đây nhiều ngày liền. Họ còn mua ủng hộ những túi dệt vải của người dân nữa", một người dân ở làng Chăm niềm nở kể lại.
Một góc làng Chăm xuất hiện trên phim của Lý Hải
Cuộc sống ở làng Chăm không sôi nổi như một điểm đến du lịch, kinh tế thực thụ, ở đây người ta chỉ có thể nhìn thấy sự bình dị trong đời sống, sinh hoạt, những công việc diễn ra hằng ngày của đồng bào người Chăm. Nhưng trong câu chuyện của họ, thành thật ai cũng nghe ra sự tự hào. Có thể trong tương lai, nơi này sẽ lại nhộn nhịp khách du lịch trong nước và cả quốc tế, tuy nhiên trong tinh thần của từng người dân Chăm, văn hóa chính là nền tảng cơ bản của mọi sự phát triển.