Nhạc sĩ Dương Cầm - chủ nhân của cú đúp Nhạc sĩ của năm và Nhà sản xuất âm nhạc của năm tại giải Âm nhạc Cống hiến 2018 có cuộc trao đổi thẳng thắn với Zing.vn về hiện trạng thị trường nhạc Việt hiện nay.

Nam nhạc sĩ tự nhận bản thân là người cực đoan, nhưng khẳng định "cực đoan" là thái độ cần có của người làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Tác giả Mong anh về cực kỳ lên án ca khúc Như lời đồn vì quan niệm "âm nhạc giải trí cũng cần đẹp".

IMG_0738.jpg
Dương Cầm là một trong nhà sản xuất âm nhạc có tiếng tại thị trường Hà Nội. Năm 2017, anh tham gia Sao đại chiến và gây bão khi chê Miu Lê hát không hay.

MV đôi khi  là một cách để ca sĩ 'lấp liếm'

- Thời gian gần đây, music video (MV) như “nấm mọc sau mưa”, đỉnh điểm là có ngày tới 2-3 ca sĩ ra MV. Sự sôi động này mang đến cho anh những cảm nghĩ gì?

- Đôi khi, MV cũng là một cách để lấp liếm. Ai cũng biết MV đẹp có thể cứu cả bài hát. Tôi thấy MV giống như một cái áo khoác, để mặc bên ngoài. Khi bài hát không xuất sắc, không hay cho lắm, người ta có nhu cầu xem hình ảnh đẹp. MV mang lại điều ấy với hình ảnh, diễn viên, diễn xuất, do vậy, đã không còn thuần túy âm nhạc nữa.

Cá nhân tôi vẫn thích cảm giác nhắm mắt và nghe nhạc. Cảm giác đó thích hơn nhiều. Tôi thích lắng nghe từng hơi thở của người hát, của âm nhạc. Nhưng nếu khán giả thích xem MV hơn thì đó cũng là điều bình thường.

- Thử nhắm mắt và nghe, anh có bị thuyết phục bởi chất lượng âm nhạc của các MV đang “hot” hiện nay?

- Trước hết, sự sôi động là không thể phủ nhận rồi. Trước dịp 20/10, tôi thấy khoảng trên dưới 10 ca khúc, MV được ra mắt, có lẽ đó là thời điểm tốt, phù hợp để ra sản phẩm. Nhưng chất lượng âm nhạc lại là câu chuyện khác.

Tôi không nghe kỹ, nghe kiểu nghiền ngẫm, thưởng thức. Tôi thường chỉ vô tình nghe trên đài khi chạy xe, hoặc qua các đường link chia sẻ trên mạng xã hội. Nhìn chung, tôi thấy các bài hát đó dễ nghe, dễ thuộc, có chút đáng yêu, phù hợp với số đông.

Nhưng xét mặt bằng chung, tính đầu tư về âm nhạc, nghệ thuật và chiều sâu của tác phẩm chưa đầy đủ.

- Anh nhiều lần nhấn mạnh yếu tố “chiều sâu của tác phẩm”, trong khi đó là khái niệm khá mông lung trong âm nhạc, và có thể bị coi là “cực đoan”?

- Tôi cực đoan mà, nhưng làm nghệ thuật cần phải có sự cực đoan. Cực đoan nghe thì to tát nhưng thực chất đó là sự kiên định, kiên định với giá trị cao nhất của âm nhạc.

Tôi là người học nhạc bài bản, có lẽ tôi bị ảnh hưởng bởi những thứ mình được học. Âm nhạc phải có những sản phẩm giải trí, nhưng giải trí vẫn phải có chất lượng. Quan trọng là chúng ta phải biết dấn thân, đi vào con đường đi khó.

Hiện tượng mạng và tài năng âm nhạc là chuyện khác nhau

- "Hongkong1" đang là ca khúc “làm mưa làm gió” trên thị trường, anh có thể đưa ra những bình luận?

- Hongkong1 tôi có nghe qua. Bài hát này giống nhiều bài hát khác, không có nhiều mới mẻ, sáng tạo. Vòng hòa thanh quen thuộc, tuyến giai điệu không mới. Ca khúc này, tôi thấy đầu tư rất sơ sài về âm nhạc, nghe rất nghiệp dư, do vậy, ca khúc không thể chạm đến trái tim tôi.

IMG_0731_1.jpg
Dương Cầm cho rằng Hongkong1 làm nhạc khá nghiệp dư.

Hongkong1 là thể loại nhạc lofi, nhưng cần phải rạch ròi giữa việc cố tình thu trong môi trường âm thanh đơn giản, như một ngụ ý với việc làm nhạc cẩu thả. Sau này, hình như ca khúc đã có bản hoàn chỉnh hơn, nhưng thời điểm tôi nghe thì bản thu ấy thực sự không thuyết phục.

Nhưng Hongkong1 cũng cho thấy một khía cạnh khác của âm nhạc, đó là mạng xã hội giờ là một kênh đã phát hiện ra các cá nhân âm nhạc.

Nhưng cũng không vì vậy mà chúng ta đánh đồng giữa hiện tượng với tài năng âm nhạc. Không phải cứ hiện tượng là có đột phá. Đã là sản phẩm âm nhạc thường phải có sự đầu tư và tâm huyết của cả một ê-kíp sáng tạo.

- “Thằng điên” có thể coi là ví dụ cho một sản phẩm âm nhạc có đầu tư và tâm huyết của cả một ê-kíp. "Thằng điên" cũng đang là ca khúc gây bão, anh có ấn tượng?

- Thằng điên là ca khúc có nhiều tính giải trí. Tôi không quá thích nhưng tôi biết tại sao ca khúc gây bão. Trước hết, đó là ca khúc của giới underground, với lượng fan rất đông, và thường rất được ủng hộ. Thứ hai, MV của ca khúc khá thú vị.

Nếu nói về ấn tượng, gần đây, tôi ấn tượng nhất với giọng hát của Bùi Lan Hương trong Ngày chưa giông bão. Đó thực sự là một giọng hát hay và đặc biệt.

Người có ăn có học không ai thích ca khúc 'Như lời đồn'

- Một câu chuyện khác của làng nhạc là cách đặt tên ca khúc. Gần đây có ca khúc "Như lời đồn" (Khắc Hưng sáng tác, Bảo Anh thể hiện) khiến không ít người phải đặt câu hỏi “Tên bài hát đây sao?”. Là người trong nghề, anh bình luận thế nào?

- Tôi chỉ là một người dân bình thường. Nhưng nếu tôi có quyền tôi sẽ cấm ca khúc đó. Chúng ta nói nhiều đến bản sắc văn hóa, giữ gìn văn hóa. Văn hóa Việt Nam rất đẹp, nghệ thuật là để tôn vinh cái đẹp.

Sự sáng tạo, phá cách nên trong phạm vi cho phép. Đặt tiêu đề là “Như lời đồn”, tất cả chúng ta đều hiểu là có ngụ ý như thế nào, rõ ràng nó không đẹp. Đây cũng không phải là lần đầu tiên của Khắc Hưng. Tôi không bao giờ đồng tình với kiểu đặt tên kích động như vậy. Nó làm mất đi sự đẹp đẽ, trong sáng của âm nhạc.

IMG_0728.jpg
Dương Cầm phản đối cách đặt nhan đề bài hát kiểu "câu khách".

- Anh có điều gì muốn nhắn gửi đến đồng nghiệp trẻ Khắc Hưng?

- Tôi nghĩ bạn ấy cũng chẳng cần tôi góp ý đâu. Bây giờ các bạn ấy còn sung sức, còn tuổi trẻ nên sẽ vẫn làm như vậy. Nhưng khi đến 40-50 tuổi, khi thời trẻ trâu qua đi, khi đã về già, sẽ có những suy nghĩ lớn hơn.

Tôi không muốn ai phải hối tiếc về tuổi trẻ của mình, nên tôi mong các đồng nghiệp đừng làm gì để sau này lại hối hận. Xung quanh tôi cũng còn rất nhiều đồng nghiệp chỉn chu và nghiêm túc trong âm nhạc.

Và cũng nên nhớ một điều không phải tất cả khán giả đều ủng hộ, yêu thích bài hát đó đâu. Số đông nghe ca khúc như vậy, đôi khi chỉ là cộng đồng mạng thôi. Người trí thức, có ăn có học, nghiêm túc trong đời sống họ sẽ có lựa chọn âm nhạc khác.

- Vậy theo anh, thị trường âm nhạc hiện nay đang sôi động hay hỗn loạn?

- Sôi động là phải mang đến nhiều sản phẩm chất lượng, trong khi hiện nay chúng ta đang mất cân bằng, có sản phẩm âm nhạc đầu tư hàng tỷ đồng của ca sĩ chất lượng, thực lực lại không thể hot bằng bài hát vớ va vớ vẩn.

Tất nhiên thị trường âm nhạc nào cũng vậy, không riêng gì Việt Nam. Và tôi tin sự hỗn loạn sẽ sớm thoái trào. Tôi là người rất tin vào tương lai. Trẻ em Việt hiện nay đã được tiếp cận với âm nhạc nhiều hơn, đã được học âm nhạc nghiêm túc từ rất sớm. Tôi tin các em sẽ có tư duy tiến bộ, và là diện mạo của âm nhạc trong thời gian không xa.

  • Nguyễn Hoài Bảo Anh

    baoanh.JPG

    Bảo Anh, tên đầy đủ là Nguyễn Hoài Bảo Anh, là nữ ca sĩ trẻ được khán giả biết đến khi tham gia chương trình "Giọng Hát Việt" mùa đầu tiên năm 2012. Cô thành công với các ca khúc mang đậm chất pop ballad như "Anh muốn em sống sao", "Trái tim em cũng biết đau", "Sống xa anh chẳng dễ dàng". Ngoài vai trò ca sĩ, Bảo Anh còn tham gia diễn xuất trong các bộ phim: Nhà Có 5 Nàng Tiên, Vừa Đi Vừa Khóc...

    • Ngày sinh: 03/09/1992
    • Chiều cao: 1.65 m
    • Ca khúc tiêu biểu: Và em đã biết mình yêu, Yêu một người vô tâm, Anh muốn em sống sao, Mình yêu nhau bao lâu (ft. Hoàng Tôn) Nhớ nhung,...

    FacebookZing Mp3Youtube

  • Đỗ Ngọc Cầm

    photofacefun_com_1513308554.jpg

    Nhạc sĩ Dương Cầm tên thật Đỗ Ngọc Cầm là một trong những nghệ sĩ vừa có thể sáng tác, biểu diễn vừa hòa âm phối khí. Âm nhạc của Dương Cầm chủ yếu theo phong cách Pop Ballad và Semi classic. Dương Cầm từng tham gia vòng loại "Sao Mai điểm hẹn 2008", sau cuộc thi anh công tác giảng dạy tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đồng thời sáng tác, biên tập, sản xuất âm nhạc. Dương Cầm là tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng như: Ngây ngô, Phía cuối chân trời, Mong anh về, Biển và ánh trăng...

    Bạn có biết: Dương Cầm từng đạt giải Bài hát Việt năm 2005 với ca khúc "Mong anh về".

    • Ngày sinh: 07/04/1987
    • Quê quán: Đắk Lắk
    • Sáng tác tiêu biểu: Ngây ngô, Phía cuối chân trời, Phụ nữ Việt, Trả lại cho em, Mong anh về, Ngày tình yêu, Biển và ánh trăng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022