01
Bạn Phương lúc nào cũng vui tươi bởi vì cô ấy không trông đợi vào bất cứ ai khác, điều gì khác.
Phương thì sao?
Con ốm Phương tự đưa con đi khám. Đi du lịch 2 mẹ con xách nhau đi nếu muốn, chồng cô thường nói bận hoặc ở nhà thú vị hơn. Các ngày lễ chồng Phương không bao giờ tặng quà. "8/3 là một ngày mà người ta dựng lên nó để lừa phỉnh phụ nữ", còn tặng quà là chuyện phù phiếm vô bổ, anh ấy không phải tuýp lãng mạn. Đi về quê, đi họp lớp, tiệc tùng chồng Phương đều từ chối vì anh không thích những cuộc gặp xã giao.
Vậy còn ở nhà thì chồng Phương có phải là một người chồng, một người cha tốt? Phương nói rằng: “Anh ấy thường thích ở một mình, với anh sự riêng tư là quan trọng. Anh ấy sợ tiếng trẻ con khóc và tiếng chân vợ luẩn quẩn đi bên cạnh”.
Phương nhận thấy mình có chồng nhưng người đàn ông ấy không xuất hiện trong đời sống cô dù ngày nào cũng nhìn thấy mặt nhau. Có lúc cô định nói lời tình cảm, nhắn tin nhớ nhung nhưng lại nhớ tới gương mặt của chồng bữa trước: "Có chuyện gì về nhà nói. Vừa mới sáng gặp nhau, nhớ cái gì mà nhớ".
Vì sao Phương lại chấp nhận một mối quan hệ như vậy? Câu trả lời chỉ có là thứ duy nhất anh mang về cho cô là tiền. Một số cô vợ khác có thể cười hỉ hả và nói rằng như vậy là đủ rồi, nhưng nếu có ở trong hoàn cảnh của Phương mới thấy tủi thân ghê gớm. Vì sao Phương không bỏ chồng? Cô tự nghĩ: “Giờ cũng đâu khác gì là bỏ chồng rồi đâu. Chẳng qua là nếu vẫn còn chồng thì vẫn còn hình bóng một gia đình và con cô vẫn còn có cha”.
02
Nghĩ là như thế, nhưng Phương có thực sự thoải mái không khi có chồng mà cũng như không? Nếu là mẹ đơn thân người ta sẽ xác định được tư tưởng nghiễm nhiên rằng mình không cần trông đợi vào ai và có thể thênh thang với việc 1 mình mà người phụ nữ ấy lựa chọn. Nhưng Phương thì biết rõ mình có chồng và người đàn ông ấy hàng ngày cô vẫn gặp mặt, thậm chí tối vẫn chung chăn, nhưng cuối cùng lúc nào vẫn thấy chỉ có một mình. Cảm giác ở trong giữa đám đông nhưng lại cô đơn nó cay đắng hơn người thực sự ở một mình.
Đã từ lâu Phương không bao giờ “phù phiếm” mong đợi quà cáp, ngày 8/3 năm nay cũng thế. Tuy nhiên, nếu chỉ cần tự nhận mình khô khan và không thích những ngày lễ phù phiếm, không biết hoặc không thích nói những lời ngọt ngào và chẳng cần cố gắng làm gì thì cô thực sự có nghĩa lý gì với chồng? Có phải cô đang sống một cuộc đời bên ngoài thì tưởng yên bình, bên trong lại là bão tố.
Nếu cố như thế, nó cũng qua, người ta vẫn đi qua 1 cuộc hôn nhân với mái nhà có thể người ta nghĩ là êm ấm vì không có tiếng cãi vã nhưng sống như thế liệu có phí không?
Năm nay, Phương đi tới một quyết định táo bạo. Cô cẩn thận gói một món quà và để lại rồi book vé cho 2 mẹ con đi Phú Quốc dịp 8/3. Chồng Phương về nhà và thấy một món quà trên bàn ăn mà mọi khi luôn cơm ngon canh ngọt, bên trong là một tờ giấy: “Em không vùng lên đâu, chỉ là em sẽ thử làm mẹ đơn thân thực sự xem cảm giác như nào. 15 ngày tới mẹ con em sẽ “sống thử” một cuộc sống vẫn giống trước chỉ là thôi không nghĩ đến anh. Chúc 8/3 vui vẻ”.
03
Lần đầu chồng Phương thấy một hành động lạ như vậy, trước đây anh vẫn hành động như vậy đâu có sao, giờ tự dưng... Anh không cảm thấy đây là một vấn đề, bao nhiêu năm vẫn thế, cuộc "dọa cho vui" này sẽ không làm anh nao núng đâu.
Lần đầu 2 mẹ con có một chuyến du lịch xa như thế, cả hai cùng nhau đi chỗ này chỗ kia, ăn những món ngon, nhưng Phương vẫn đôi lúc nhìn vào màn hình điện thoại, tịnh không có dấu hiệu sự liên lạc nào của chồng.
Đến ngày thứ 4 cô bắt đầu cảm thấy quen với sự im lặng này. Làm mẹ đơn thân không đáng sợ, nhưng sợ hơn cả là có chồng mà không khác gì mẹ đơn thân. Ở trong một mối quan hệ lứa đôi mà lúc nào cũng chỉ có một mình thì thà danh chính ngôn thuận mà sống 1 đời tự do.
Phương thôi không nhìn vào màn hình điện thoại nữa, cô hưởng trọn khoảnh khắc bên con và nghĩ sau chuyến đi chơi 8/3 này đã đưa ra được quyết định cho riêng mình. Cô nhớ lời của bạn: "Đừng ở trong một mối quan hệ mà lúc nào cũng cảm thấy chỉ có một mình".