Chiều 26/7, phường Nhật Tân, phường Bưởi (quận Tây Hồ) bắt đầu phát phiếu đi chợ cho người dân theo ngày chẵn - lẻ, và bắt đầu áp dụng từ hôm nay (27/7).

Mỗi hộ dân được nhận phiếu đi chợ trong 15 ngày giãn cách xã hội, trên phiếu ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ. Mỗi tuần, mỗi hộ có thể đi chợ 4 lần, luân phiên vào một khung giờ nhất định theo ngày chẵn hoặc lẻ và Chủ nhật. Thời gian đi chợ được khống chế một giờ một ngày.

Chị Thuỳ (Nhật Tân, Tây Hồ) cho biết, khá bất ngờ khi nhận phiếu đi chợ do tổ dân phố phát tận nhà vào chiều 26/7. "Mấy hôm nay đi chợ vẫn đông người, tôi lo nơm nớp dù có ý thức đứng cách xa những người xung quanh. Đi chợ theo ngày chẵn - lẻ, lượng người vào chợ giảm, yên tâm hơn nhiều", chị chia sẻ.

the-di-cho-Nhat-Tan2-jpeg-9630-1627316306.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TTRdDpuVINKEcqeVNgrmEA

Thẻ đi chợ luân phiên được phường Nhật Tân phát tận hộ gia đình, áp dụng từ 27/7. Ảnh: Linh Thuỳ

Ông Đặng Hữu Tiến, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biết, từ ngày 27/7 người dân trên địa bàn phương bắt đầu đi chợ bằng thẻ đi chợ này. Mục đích là giảm thiểu tối đa lượng người đến chợ, tránh tập trung đông người, phòng dịch. Khi triển khai thực tế, nếu có vấn đề chưa hợp lý phường sẽ điều chỉnh.

Ngoài phát phiếu đi chợ để hạn chế tập trung đông người, phường Nhật Tân còn phát thẻ lao động cho các hộ gia đình, mỗi hộ một người, được phép ra vào bãi đào phường Nhật Tân lao động trong thời gian giãn cách xã hội.

Tại quận Tây Hồ, hiện ngoài phường Nhật Tân đã hoàn thành phát phiếu đi chợ luân phiên cho người dân, phường Bưởi cũng đang thực hiện. Việc triển khai đi chợ bằng "tem phiếu" sẽ được triển khai tại tất cả phường thuộc quận Tây Hồ.

Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 24/7 trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm ngày một tăng và tiềm ẩn các ổ dịch trong cộng đồng.

Ngoài hệ thống siêu thị, các chợ truyền thống tại Hà Nội đều siết chặt quy định phòng dịch, như duy trì chốt ngoài cổng kiểm soát, đo thân nhiệt với khách vào chợ; tạm ngưng hoạt động với các mặt hàng, ngành hàng bán hàng không thiết yếu, nhằm giảm bớt số lượng người dân vào chợ.

Chính quyền một số phường còn yêu cầu các tiểu thương ghi nhật ký bán hàng tại chợ với đầy đủ các thông tin (họ tên, số điện thoại liên lạc của khách hàng, thời điểm giao dịch trong ngày...), phục vụ công tác cách ly, truy vết khi cần thiết. Đây là một trong những biện pháp để bảo vệ chợ truyền thống, chợ dân sinh an toàn trước Covid-19.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ với VnExpress, phương án đảm bảo an toàn cho chợ truyền thống, chợ dân sinh đã được kích hoạt. Trường hợp có chợ truyền thống phát hiện ca nhiễm, phải đóng cửa tạm thời, sẽ xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Chợ đảm bảo an toàn thì cho mở lại, và nếu chưa thể mở lại, thành phố sẽ bố trí các điểm bán lưu động. Các kênh phân phối khác hoạt động bình thường, nên lưu chuyển hàng hoá không ảnh hưởng, bảo đảm đủ hàng cho nhu cầu người dân.

Hiện Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa... Thành phố cũng bố trí 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Đến tối 26/7, Hà Nội ghi nhận 981 ca nhiễm Covid-19 từ cuối tháng 4, trong đó riêng ngày 26/7 có 81 ca.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022