Ngày 18/11, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam và Ngân hàng Á Châu (ACB) đã ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm trong 15 năm. Đây là hợp tác độc quyền bán chéo bảo hiểm đầu tiên của ACB. Trước đó, ngân hàng là đối tác toàn diện của ba hãng bảo hiểm gồm AIA, Manulife, FWD.

Trong báo cáo cập nhật giữa tháng 11, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính ACB đã leo lên vị trí thứ ba về thị phần phân phối bảo hiểm nhân thọ trong chín tháng đầu năm nay. Cuối năm ngoái, ngân hàng chỉ đứng thứ năm với 6,1% thị phần.

Chuyên gia của BVSC cho rằng, việc cải thiện kết quả kinh doanh mảng bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) trước khi ký hợp tác độc quyền giúp ACB tăng năng lực thương thảo với đối tác. Nhờ đó, khoản phí trả trước mà ngân hàng kiếm được từ thương vụ sẽ khoảng 90 triệu USD và còn có thêm nguồn thu nhập ổn định sau này.

Hay mới đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng chứng kiến một thương vụ đình đám giữa Vietcombank và FWD.

Ðây được coi là thương vụ hợp tác "khủng" nhất từ trước đến nay, không chỉ về giá trị của giao dịch được tính bởi con số tỷ USD (trả trước 400 triệu USD), mà còn là độ bao phủ của thị trường. Bởi sau khi giao dịch hoàn tất, FWD sẽ hợp nhất Liên doanh Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank-Cardif (VCLI) vào hoạt động kinh doanh hiện có tại Việt Nam.

Muon-kieu-moi-mua-bao-hiem-nha-6332-8005-1605687439.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=K3tnHRYBo7DC74Rl08hcOA

Một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán qua kênh ngân hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngoài ra, nhiều thương vụ hợp tác ngân hàng - bảo hiểm khác đáng chú ý như Generali hợp tác độc quyền với OCB, hay Prudential hợp tác độc quyền với MSB, Standard Chartered Việt Nam...

Thực tế, việc ký kết độc quyền với một ngân hàng để bán các sản phẩm bảo hiểm được các chuyên gia nhận định là xu thế tất yếu. Bởi nếu không áp dụng cơ chế phân phối độc quyền, một ngân hàng có thể được bán rất nhiều sản phẩm của các công ty bảo hiểm khác nhau và dễ dẫn đến tình trạng mua bán lộn xộn.

Trong khi đó, khách hàng mua bảo hiểm cũng sẽ không được tư vấn kỹ, đúng nhu cầu và khả năng tài chính của mình, còn công ty bảo hiểm cũng không đầu tư kỹ cho các ngân hàng này, nên mô hình bán bảo hiểm như vậy rất dễ thất bại.

Bên cạnh đó, còn một lý do khác khiến các công ty bảo hiểm muốn hợp tác độc quyền với ngân hàng, đó là để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu thị trường bảo hiểm nhân thọ tính đến cuối tháng 9 ước đạt 89.900 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ. Tổng số hợp đồng khai thác mới trong giai đoạn này đạt trên 2,19 triệu.

Đại diện Sun Life đánh giá, thị trường bảo hiểm còn nhiều dư địa tăng trưởng bởi tỷ lệ người tham gia bảo hiểm khiêm tốn, trong khi tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đang đóng góp 30% tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2019 là 30%, còn từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên còn khoảng 16%.

Giới chuyên gia cũng kỳ vọng mảng bancassurance sẽ là động lực chính cho tăng trưởng thu nhập dịch vụ của ngân hàng trong thời gian tới do thị trường bảo hiểm phát triển và xu hướng đẩy mạnh bán chéo tại các nhà băng.

Tuy nhiên, việc tăng "nóng" của kênh này cũng sẽ kéo theo nhiều lo ngại như sự biến động mạnh về nhân sự hay là tình trạng méo mó của thị trường bảo hiểm khi ngân hàng ép khách vay tiền mua bảo hiểm...

Phương Đông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022