Chị Phương kết hôn cùng chồng có quốc tịch Pháp. Cả hai đều là tiến sĩ ngành sinh thái học môi trường. Anh hiện là giám đốc nghiên cứu và phát triển sản phẩm của một công ty về vật tư nông nghiệp còn chị nghiên cứu về tái chế rác thải hữu cơ.

photo-1-16077461431351162958006.jpg
Luôn quan tâm về vấn đề nông nghiệp sạch và phát triển bền vững, anh chị lại may mắn được thừa hưởng một trang trại rộng lớn từ ông bà nội chồng. Làm nông nghiệp có nhiều vất vả, bởi vậy, dù mê trang trại nhưng cặp đôi không đủ can đảm "bỏ phố về quê". Gia đình chị thường tranh thủ những kỳ nghỉ dài hoặc dịp lễ Tết để về đây, tận hưởng không khí trong lành, yên bình.
photo-1-16077461458334972984.jpg
Khu trang trại của gia đình chị Phương gồm khoảng 60ha đất nông nghiệp và 20ha đất lâm nghiệp, nằm ở vùng Champagne của nước Pháp - nơi nổi tiếng với việc sản xuất sâm panh. Bố mẹ chồng chị ở gần trang trại hơn nên cuối tuần thường về chăm sóc khu nhà vườn .
photo-2-16077461458371893997810.jpg
Chuồng trại, cánh đồng cỏ và lúa mì của gia đình chị cho nông dân thuê dài hạn. Phần đất rừng thì trồng cây lấy gỗ, 20 năm mới thu hoạch một lần.
photo-3-1607746145838682719558.jpg
Đến mùa thu, bố chồng chị thường hay vào rừng hái nấm và hạt dẻ. Mỗi lần, ông lại thu hoạch cả mấy giỏ đầy mang về.
photo-4-1607746145839801964489.jpg
Chị Phương chia sẻ, công việc làm nông ở Pháp không quá vất vả vì chủ yếu được cơ giới hóa. Từ cày bừa, gieo hạt, tưới nước, bón phân cho tới thu hoạch, người nông dân có thể làm hết chỉ với máy móc mà thôi. Tuy nhiên, giá thành của những loại máy này rất đắt đỏ. Với những hộ dân có diện tích nông nghiệp vừa phải, họ thường thuê máy về dùng để tiết kiệm chi phí.
photo-5-1607746145840225037529.jpg
Khu nhà vườn của gia đình chị rộng khoảng 1ha, được trồng rất nhiều cây ăn quả lâu năm phổ biến của nước Pháp như táo, mận, cherry,...
photo-6-1607746145841560550076.jpg
Nhờ chất lượng đất tốt, khí hậu ôn hòa mà việc trồng trọt cũng thuận lợi hơn. Mùa đông, thời tiết lạnh, có tuyết kéo dài góp phần tiêu diệt mầm bệnh trong đất nên hạn chế được sâu bệnh cho cây. Khi xuân sang, tuyết tan sẽ trở thành nguồn nước cung cấp để cây đâm chồi nảy lộc.
photo-7-1607746145842161666952.jpg
Để cây cối phát triển tốt, vào mùa thu, gia đình anh chị thường cào lá và quả rụng, làm sạch gốc cây, tránh sâu bệnh. Cuối đông, cây sẽ được cắt tỉa cành để kích thích ra hoa vào mùa xuân. Các loại cây được trồng cách xa nhau để tránh lây bệnh chéo và đón được nhiều nắng. Cây trồng nơi nhiều nắng sẽ ra trái sum suê hơn, quả sẽ ngọt hơn.
photo-8-1607746145843601687552.jpg
Gia đình chị trồng cây theo kiểu thuận tự nhiên, không sử dụng chất hóa học, chỉ dùng phân ủ từ cành lá và rác hữu cơ. Nhờ thế, trong vườn luôn có nhiều các loài côn trùng như ong, bướm giúp cây thụ phấn, đơm hoa, kết quả hay chim và bọ cánh cứng diệt sâu bọ trên cây. Bố chồng chị còn treo thêm nhà gỗ trên cây và bỏ hạt hướng dương để bầy chim có chỗ trú. Đôi khi, cả sóc và một số động vật trong rừng cũng xuất hiện, tới ăn hạt dẻ, nhặt nhạnh lương thực để dự trữ qua mùa đông.
photo-9-1607746145844842208156.jpg

Lượng trái cây thu hoạch được mỗi mùa khá nhiều, gia đình anh chị thường ăn ngay hay làm nguyên liệu cho các món bánh. Ngoài ra, những loại quả màu đỏ như dâu tây, phúc bồn tử, nho chuỗi ngọc, nhà chị Phương để làm mứt hoặc cấp đông làm kem, smoothie.

photo-10-1607746145845186621840.jpg
Với cherry và các loại mận, mẹ chồng chị ngâm nước đường hoặc làm bánh tarte rồi cấp đông. Khi ăn, chỉ cần lấy ra cho vào lò nướng, không cần rã đông vẫn dùng được ngay.
photo-11-16077461458471715423122.jpg

Đặc biệt, nhà chị trồng nhiều giống táo khác nhau, mỗi loại lại cho thu hoạch vào từng thời điểm, kéo dài từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 12. Bởi vậy, gia đình chị bảo quản táo ở tầng hầm khô thoáng, không có ánh nắng. Các trái táo không được xếp chồng, xếp sát nhau và thường xuyên được kiểm tra để loại bỏ quả hỏng.

photo-12-16077461458481534057379.jpg
"Có giống táo có thể bảo quản tới 6-9 tháng nhưng tất nhiên nó sẽ không còn tươi bóng như lúc mới hái nữa. Vỏ sẽ nhăn nheo, ăn bớt giòn hơn nhưng để làm bánh hay táo nghiền thì chất lượng không khác gì táo tươi cả", chị Phương nói.
photo-13-16077461458491108543296.jpg

Không chỉ vợ chồng chị mà các con khi được về thăm trang trại đều rất hào hứng, thích thú. 

photo-14-16077461458501868203990.jpg
Dù bận rộn với công việc ở thành phố nhưng anh chị vẫn cố gắng thu xếp thời gian để có thể về trang trại, thư giãn tinh thần, tận hưởng không khí trong lành, yên bình của vùng "hương đồng gió nội".

Theo Dân Trí

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022