Độc giả: Minh Hòa
Hiện tượng nền nhà đổ mồ hôi hay còn gọi là nồm xảy ra khi độ ẩm trong không khí cao, từ 95-98%. Thời điểm này, không khí mang nhiều hơi nước, trong khi nhiệt độ sàn nhà thấp hơn nhiệt độ không khí. Sàn nhà lại không có khả năng hút ẩm, dẫn nhiệt kém khiến cho lớp không khí chứa hơi nước sát bề mặt bị lạnh, tới điểm sương (nhiệt độ mà tại đó hơi nước ngưng tụ thành sương), đọng lại thành giọt trên sàn.
Một nguyên nhân khác là hơi nước bốc lên từ dưới sàn nhà, nếu như nền nhà không được xử lý tốt cũng có thể gây ra hiện tượng nồm ẩm.
Hiện tượng này đem tới sự khó chịu trong sinh hoạt, mất thẩm mỹ, nguy hiểm với người già và trẻ nhỏ bởi nếu không cẩn thận có thể trượt ngã, thậm chí xuất hiện nguy cơ chập điện trong ổ cắm.
Khi trời nồm ẩm, gạch đá hoa "đổ mồ hôi", chỗ nào cũng có hơi nước bám vào, thậm chí nước đọng trên trần nhà còn rớt xuống tí tách. Ảnh minh họa: Phan Dương
Theo kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T), nên xử lý hiện tượng sàn bị đổ mồ hôi ngay từ thời điểm xây nhà.
Khi xây, gia chủ nên chọn loại gạch lát nền có độ hút ẩm tốt, ngoài ra có thể sử dụng cát vàng đầm chặt, sau đó dùng một lớp xỉ than dày 10-15 cm lót dưới nền nhà trước khi dùng gạch lát nền hoàn thiện. Cách làm này nhằm giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa không khí vào sàn nhà, hạn chế nước đọng trên sàn.
Kỹ thuật này được các kỹ sư người Pháp sử dụng chống nồm rất hiệu quả cho các công trình ở miền Bắc Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Bởi vậy các công trình của người Pháp như biệt thự cổ không xuất hiện hiện tượng này.
Cách lót gạch sàn để chống hiện tượng đọng nước trên sàn nhà khi trời nồm ẩm. Ảnh: KTS Trương Thành Trung
Ngoài ra khi thiết kế sàn, nên chọn các loại vật liệu phù hợp, chống ngưng đọng nước như gạch men sứ, gỗ hoặc tấm lát bằng nhựa composit, vật liệu cách nhiệt nhẹ, gốm bọt... với kích cỡ phù hợp. Kết hợp trải các loại thảm len, thảm đay, thảm cói để tăng khả năng hút ẩm.
Với những ngôi nhà đã hoàn thiện mà xảy ra hiện tượng này, nên khắc phục theo nguyên tắc: Hạ thấp nhiệt độ không khí, giảm độ ẩm không khí trong nhà, nâng nhiệt độ bề mặt kết cấu cao hơn nhiệt độ điểm sương.
Theo đó, vào những tháng giao mùa, bắt đầu tử tháng 2 đến tháng 4 dương lịch, độ ẩm không khí tăng cao, sương mù nhiều, nên đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Một số người cho rằng, mở cửa mới thoáng nhưng càng mở cửa những ngày thời tiết độ ẩm cao thì độ ẩm trong nhà càng nhiều. Nền nhà và tường khi đó sẽ càng đọng mồ hôi trên bề mặt.
Không bật quạt mà bật điều hòa chế độ hút ẩm, dùng khăn giẻ khô lau sàn.
Ngoài ra bạn cần lưu ý các thiết bị điện tử trong nhà nên để cao hơn mặt đất 50 cm-1 m và cách tường 10-15 cm. Tránh kê trực tiếp đồ điện như tivi, điện thoại, máy tính... xuống nền nhà hoặc kê sát tường để tránh hiện tượng rò rỉ điện.
Trang Vy