Ảnh minh họa.
Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) mới đây đề xuất Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cho người mua nhà để ở dưới 1,8 tỷ đồng được vay với lãi suất hợp lý. Theo HoREA, những năm qua hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm.
Đề xuất này gây liên tưởng tới gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp vay mua nhà cách đây 10 năm. Khi đó, lãi suất chỉ khoảng 5-6%.
PGS. TS. Phạm Thị Hoàng Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cũng cho rằng hai biện pháp giống nhau ở chỗ cùng cho vay ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại diện tích nhỏ tầm giá vừa phải. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng nhất là vấn đề lãi suất.
“ Cách đây 10 năm lãi suất chỉ có 5-6%. Thời điểm hiện nay, tôi cho rằng tính khả thi trong hỗ trợ lãi suất chưa cao ”, bà nêu quan điểm trong chương trình Landshow số 33 của VTV Money với chủ đề “Gỡ khó cho thị trường bất động sản”.
Theo Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP, việc cho vay đối với nhà ở xã hội được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội và một số tổ chức tín dụng được chỉ định. Bà Hoàng Anh cho biết doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội là hơn 10.000 tỷ, nhưng các tổ chức tín dụng được chỉ định cho vay lại chưa giải ngân được, bởi phần bù lãi suất gặp rất nhiều khó khăn.
“ Do đó, kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, để đưa giải pháp vào thực tế phụ thuộc rất nhiều yếu tố ”, vị PGS. TS. nhận định.
Vấn đề đầu tiên bà Hoàng Anh đặt ra là cơ sở để xác định mức giá 1,8 tỷ đồng là phù hợp. “Có phải dựa theo lạm phát không? Tuy nhiên, lạm phát cũng không thể bằng mức tăng giá của thị trường bất động sản thời gian qua, cũng như tăng thu nhập”, bà đặt câu hỏi. Vấn đề thứ hai là nguồn hỗ trợ lãi suất lấy từ đâu như đã nêu.
“ Do đó, những ai có nhu cầu vay mua nhà nên đến Ngân hàng Chính sách xã hội để tìm hiểu các điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi, đồng thời đến các ngân hàng thương mại khi room tín dụng đã nới ra. Nếu dự án của chúng ta tốt, nguồn vốn tự có khoảng 30-40%, chứng minh được thu nhập tốt, tôi nghĩ hoàn toàn có thể đáp ứng được ”, bà đưa ra lời khuyên.
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Đại học Luật Hà Nội có cùng băn khoăn với PGS. TS. Hoàng Anh. Ông cũng thắc mắc phải dựa vào tiêu chí nào để xác định một căn hộ nhà ở xã hội có giá 1,8 tỷ đồng.
“ Với số tiền đó, các nhà đầu tư nhà ở xã hội có lãi chưa? Có rất nhiều chi phí trong vấn đề tiếp cận đất đai, giải quyết thủ tục. Từng địa phương lại có đặc điểm khác nhau, tiếp cận đất đai khác nhau, nên không thể đánh đồng tất cả các dự án nhà ở xã hội đều là 1,8 tỷ đồng ”, ông Tuyến nêu ý kiến.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam thừa nhận nhà ở xã hội là nhu cầu thực tế, thị trường cũng đang bị “lệch pha”. Tuy nhiên, ông cho biết đầu tư vào nhà ở xã hội hiệu quả rất thấp.
“ Lý do nhà phân khúc cao nhiều đến thế là vì làm phân khúc đó mới có lãi. Đấy là thực tế. Doanh nghiệp nào cũng phải tính đến lợi nhuận ”, ông nói thẳng.
“ Chúng tôi cho rằng để có 1 triệu m2 nhà ở xã hội, cần có những chính sách, biện pháp khuyến khích cụ thể, chẳng hạn như quy hoạch đầu ra. Trước đây, Hà Nội từng có những quỹ nhà ở sinh viên, nhưng không khai thác, sử dụng được vì dự án bị đặt vào những vị trí không phù hợp ”.
“ Vì thế, với quỹ nhà ở xã hội, đầu tiên phải xem quy hoạch ở chỗ nào, làm như thế nào, có người mua không, quy hoạch mới thành hiện thực ”, ông Hiệp đề xuất.