Nhà rường cổ Bao Vinh nói riêng và phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, TP. Huế nói chung là tài sản quý góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế, có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển gắn với quá trình đô thị hóa. Hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh là việc làm cấp bách nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Nhà rường cổ… “kêu cứu”
Một góc phố cổ Bao Vinh
Nằm dọc bên khu phố cổ Bao Vinh, theo thời gian, những ngôi nhà rường cổ Bao Vinh đã và đang xuống cấp nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ làm mất đi một trong những giá trị văn hóa, lịch sử riêng có, ghi dấu một giai đoạn lịch sử của mảnh đất Thừa Thiên. Chủ nhân của những ngôi nhà cổ này cũng đang mong mỏi từng ngày được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo, trả lại nguyên trạng cho ngôi nhà rường cổ Huế.
Xuống cấp, dột nát
Dừng chân bên ngôi nhà rường cổ có tuổi đời hơn 150 năm có số nhà 77B Bao Vinh, trước mắt tôi là ngôi nhà 2 tầng 2 gian không còn giữ nguyên hiện trạng khi dường như tất cả các hạng mục công trình đều xuống cấp, hư hỏng. Đây được xem là ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng nhất trong hệ thống nhà cổ tại Bao Vinh. Trong đó, tầng 2 đang trong tình trạng không sử dụng được và để hoang; toàn bộ ngôi nhà đã xuống cấp do chưa được tu bổ một cách triệt để, bộ khung gỗ tầng 2 đã bị mối mục, hệ xương đỡ mái cong võng, mất liên kết; hệ thống đà, sàn tầng 2 đã hư hỏng nặng. Không chỉ bên trong ngôi nhà, phía mặt tiền cũng lộ rõ sự xuống cấp, hư hỏng khi mái nhà oằn xuống, mái ngói được chắp vá và nhiều vật dụng chống dột được trưng dụng khắp nơi, tạo nên khung cảnh nhếch nhác, ngổn ngang.
Mặt tiền 2 ngôi nhà rường cổ Bao Vinh với mái nhà xiêu vẹo, bên trong thấm dột và hư hỏng
Bà Phan Thị Diệu Liên, chủ nhà rường cho biết, do không có kinh phí để tu sửa nên nhiều năm qua, ngôi nhà ngày càng bệ rạc, thấm dột khắp nơi, khó khăn lắm mới tìm được một nơi “lành lặn” để trú ẩn qua ngày. Song, do kinh phí tu sửa nhà khá lớn trong khi gia đình không có điều kiện nên mọi việc đều trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Là ngôi nhà rường nằm trong hệ thống nhà rường cổ tại Bao Vinh, ngôi nhà của ông Nguyễn Thanh Hà được xây dựng từ những năm 1945. Nhà có đặc trưng kiến trúc nhà rường truyền thống Huế với 3 gian thu hồi bít đốc. Theo thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết, hiện nhà đã xuống cấp do chưa được tu bổ một cách triệt để. Trong đó, bộ khung gỗ đã bị mối mục, hệ xương đỡ mái cong võng, mất liên kết; mái ngói liệt trôi tụt, hỏng vỡ thấm dột nhiều chỗ; nền nhà láng xi măng bong bộp, thủng; hệ thống liên ba, vách ván đã hư hỏng.
Theo thông tin từ UBND TP. Huế, đến nay khu phố cổ Bao Vinh còn 14 ngôi nhà rường cổ và 7 nhà tứ giác có kiến trúc đặc thù và đều trong tình trạng mục nát, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà tuy vẫn còn giữ được dáng dấp của nhà cổ, nhưng hầu hết những hàng cột, tường chịu lực chính của căn nhà đã bị mối mọt gặm gần hết, cá biệt có một số nhà phải dùng tre, gỗ tạp để gia cố thêm. Có nhiều nhà phải dùng bạt nilong, tôn… để che mưa che nắng. Tất cả đều đang trong tình trạng hư hỏng nặng như lún nền, nứt nẻ, mốc meo, mục nát, bị cơi nới, bị thay thế vật liệu mới.
Ngôi nhà rường cổ số 77B Bao Vinh xuống cấp và dột nát, các bức tường bong tróc toàn bộ
Chỉnh trang đồng bộ hạ tầng
Qua thời gian, phố cổ Bao Vinh vẫn còn bảo lưu nhiều ngôi nhà rường truyền thống được xây dựng cách đây hơn trăm năm. Nhà rường có kiến trúc ba gian, mái lợp ngói liệt, có đắp các chi tiết trang trí bằng vôi vữa. Bộ khung sườn bằng gỗ với những bộ vì kèo được chạm trổ các họa tiết trang trí tinh xảo, cùng với những bức hoành phi, đối liễn chạm khắc chữ Hán trang hoàng khắp ba gian nhà. Hiện, các thế hệ con cháu đời sau vẫn tiếp tục sống, giữ gìn nề nếp gia phong nối tiếp các thế hệ ông cha của họ mặc dù các ngôi nhà rường đã xuống cấp, thấm dột. Cùng với nhà rường cổ, hạ tầng ở phố cổ Bao Vinh cũng trong tình trạng xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách khi số lượng khách du lịch về đây tham quan, mua sắm ngày càng đông. Vì vậy, cùng với việc trùng tu nhà rường, hoàn thiện hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị ở khu phố này cũng là bước tiếp theo trong chiến lược “thay áo mới” cho khu phố cổ.
Ông Nguyễn Thanh Hà, chủ ngôi nhà rường cổ số 79 Bao Vinh cho biết, từ khi bộ phim Mắt Biếc công chiếu, phố cổ Bao Vinh nói chung, các ngôi nhà cổ nói riêng cùng các địa danh ở Bao Vinh trở nên nổi tiếng và thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Từ đó, khu phố cổ khá đông đúc nên nhiều quán cà phê, dịch vụ ẩm thực mọc lên đáp ứng nhu cầu của khách. Có nhiều đoàn khách quốc tế đã đến phố cổ, dạo quanh các nhà rường để chuyện trò, chụp ảnh lưu niệm. Vì vậy, cùng với việc trùng tu, tôn tạo nhà rường cổ, tỉnh và thành phố nên bố trí kinh phí để chỉnh trang đồng bộ hạ tầng ở khu phố cổ, như chỉnh trang các bến sông, chợ, đình làng, hạ tầng giao thông… nhằm đồng bộ hạ tầng, phát triển du lịch - dịch vụ.
Theo Bí thư Đảng ủy phường Hương Vinh, ông Trần Quốc Thắng, cùng với các dự án chỉnh trang đô thị của tỉnh, TP. Huế nhằm đưa phố cổ Bao Vinh trở thành địa điểm tham quan, du lịch phục vụ người dân và du khách, thời gian qua phường đã huy động nguồn lực cùng với công tác xã hội hóa đầu tư hệ thống thoát nước các tuyến đường kiệt, chỉnh trang hạ tầng chợ, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên địa bàn. Đối với 2 dãy nhà mặt tiền khu vực phố cổ, phường đã vận động bà con cũng như huy động các mạnh thường quân lắp đặt đèn lồng treo ở 2 dãy nhà. Đồng thời, vận động bà con, đặc biệt là bà con sinh sống hai bên khu phố Bao Vinh giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang mặt tiền các ngôi nhà nhằm tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách.
Tuy nhiên, do các ngôi nhà cổ xuống cấp nên hiện tại bộ mặt của phố cổ Bao Vinh khá nhếch nhác, người dân và chính quyền địa phương mong chờ triển khai đề án trùng tu, tôn tạo các ngôi nhà rường cổ nhằm hoàn thiện hạ tầng, tạo bộ mặt cho phố cổ Bao Vinh ngày càng khang trang, sạch đẹp để đưa phố cổ Bao Vinh trở thành một địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của Huế.
Kỳ vọng từ một đề án
Trước thực trạng xuống cấp của hệ thống nhà rường cổ Bao Vinh, UBND TP. Huế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, nghiên cứu và lập Đề án chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh trình UBND tỉnh phê duyệt để sớm triển khai đề án.
Phố cổ Bao Vinh cần được chỉnh trang, đồng bộ hạ tầng để thu hút khách
Triển vọng từ đề án
Từ năm 2003, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3032 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh, xã Hương Vinh (Hương Trà), nay là phường Hương Vinh, TP. Huế. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, đến nay quyết định hầu như chưa thực hiện được do chưa có các chính sách hỗ trợ đầu tư cụ thể, việc triển khai còn nhiều lúng túng, không có nguồn lực, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn nhiều bất cập. Vì vậy, hệ thống nhà rường cổ Bao Vinh trong một thời gian dài không được trùng tu, sửa chữa dẫn đến tình trạng xuống cấp trầm trọng, có một số nhà có nguy cơ sụp đổ, cá biệt có trường hợp vì không có khả năng trùng tu nên đã chuyển nhượng, số thì phá dỡ hoàn toàn để xây mới theo lối hiện đại.
Tháng 2/2020, UBND tỉnh đã có thông báo kết luận về việc đồng ý chủ trương bổ sung danh mục các nhà rường cổ ở khu vực Bao Vinh vào danh mục các công trình được hưởng chính sách của Đề án phát huy giá trị nhà vườn Huế. Đồng thời, căn cứ Nghị quyết số 26 ngày 8/12/2022 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh và các đơn đăng ký tham gia đề án của các đại diện hợp pháp nhà rường cổ Bao Vinh, UBND TP. Huế và các sở, ban, ngành liên quan đã khảo sát, trực tiếp làm việc với các chủ nhà rường để vận động tham gia đề án. Sau thời gian triển khai, hiện Đề án hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh đã hoàn thiện và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để sớm triển khai, mở ra triển vọng mới cho phố cổ Bao Vinh nói chung và các ngôi nhà rường cổ Bao Vinh nói riêng, góp phần tạo diện mạo mới cho khu phố cổ.
Trên cơ sở khảo sát thống kê của đoàn công tác, căn cứ tiêu chuẩn phân loại và giá trị nhà rường cổ Bao Vinh, thống kê được 21 nhà còn có giá trị. Từ danh mục 21 nhà rường cổ được khảo sát, thống kê, thành phố và địa phương đã tiến hành phối hợp kiểm kê, làm việc với các hộ dân là đại diện hợp pháp nhà rường cổ Bao Vinh có điều kiện phù hợp tiêu chí theo phạm vi, đối tượng áp dụng, tiêu chí phân loại và điều kiện được tham gia chính sách phù hợp và theo nguyện vọng, nhu cầu đăng ký tham gia đề án. Đồng thời, đáp ứng tổ chức sử dụng, khai thác phát triển dịch vụ du lịch; theo đơn đăng ký các hạng mục hỗ trợ và tham gia dịch vụ, khai thác phát triển dịch vụ du lịch của nhà rường cổ và theo danh mục đề xuất tham gia đề án, đã lựa chọn được 11 nhà rường cổ, trong đó có 4 nhà tứ giác có kiến trúc đặc thù khu vực tiếp giáp bờ sông tự nguyện đăng ký tham gia đề án giai đoạn 2023 – 2026 và phù hợp điều kiện tiêu chí.
Tuy nhiên, UBND TP. Huế nhận thấy việc đưa 4 nhà tứ giác có kiến trúc đặc thù (khu vực tiếp giáp bờ sông) tham gia đề án là không còn phù hợp, sẽ gây khó khăn cho công tác đền bù, giải tỏa khi triển khai thực hiện dự án sau này. Vì vậy, thành phố đã lựa chọn danh mục 7 nhà rường cổ tự nguyện đăng ký tham gia đề án giai đoạn 2023 – 2026 và phù hợp điều kiện tiêu chí, bao gồm nhà ông Nguyễn Ngọc Trác, số 55 Bao Vinh; bà Nguyễn Thị Thu Cúc, số 61; Trần Thị Tằm, số 75; Phan Thị Diệu Liên, số 77B; Nguyễn Thanh Hà, số 79; Hoàng Phước, số 89 và Nguyễn Văn Uẩn, 99 Bao Vinh.
Phát huy giá trị đô thị cổ
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng của phố cổ Bao Vinh, đặc biệt là hệ thống nhà rường cổ, làm nền tảng dần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương. Trong đó, việc phát huy giá trị nhà rường cổ để phát triển KT-XH, nhất là khai thác giá trị nhà cổ kết hợp với phố cổ Bao Vinh phục vụ phát triển du lịch - dịch vụ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong tiến trình cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Mục tiêu cụ thể của đề án là định hướng cải tạo và mở rộng theo nhu cầu ở, sinh hoạt, kinh doanh của người dân; lập danh mục nhà cổ bao gồm danh mục ưu tiên và phân kỳ đầu tư; xây dựng tiêu chí phân loại, điều kiện tham gia hỗ trợ; xây dựng các tiêu chí hỗ trợ trùng tu, tôn tạo; xây dựng tiêu chí hỗ trợ kinh doanh, hoạt động khai thác dịch vụ, xây dựng các chính sách về thuế, quản lý môi trường, quy hoạch, xây dựng…
Theo chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh; các chính sách hỗ trợ thực hiện đề án, kinh phí hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà chính, bao gồm hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu nhà chính tối đa không quá 50 triệu đồng/nhà; hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà rường cổ tối đa 1 tỷ đồng/nhà (nhà loại 1), tối đa 800 triệu đồng/nhà (nhà loại 2) và tối đa 600 triệu đồng/nhà (nhà loại 3)… Ngoài ra, đề án cũng đưa ra một số chính sách hỗ trợ khác, như hỗ trợ tổ chức kinh doanh khai thác, phát triển dịch vụ, du lịch tại nhà rường cổ; hỗ trợ xây mới, cải tạo nâng cấp nhà vệ sinh, thiết bị thu gom và xử lý rác thải, nước thải; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, truyền nghề; hỗ trợ quy hoạch xây dựng và đầu tư hạ tầng…
Theo kế hoạch phân kỳ thực hiện đề án, năm 2024 triển khai hỗ trợ trùng tu 2 nhà rường cổ (loại 1); năm 2025 hỗ trợ trùng tu 3 nhà rường cổ (loại 1); năm 2026 hỗ trợ trùng tu 2 nhà rường cổ (1 nhà loại 2 và 1 nhà loại 1).
Thanh Hương
(Báo Thừa Thiên Huế)