Bep-nho-4050-1616475461.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VJopFS3D3BsQLpfKkgJr0A

Ảnh minh họa: Design Chapterz.

Không có đủ chỗ chứa dụng cụ cồng kềnh

Không có đủ không gian chứa những dụng cụ nấu nướng cồng kềnh như xoong, nồi... thường là vấn đề nan giải.

Hãy nhìn vào gian bếp hoặc sơ đồ mặt bằng để tìm ra những không gian có thể tận dụng, ví dụ như mảng tường không sử dụng có thể gắn thanh kim loại, móc, đinh... để treo xoong nồi. Bạn cũng có thể tận dụng cạnh tủ lạnh, hoặc treo chảo, nồi lên một chiếc giá phù hợp để tiết kiệm không gian.

Bàn bếp quá chật chội

Trong một không gian bếp nhỏ, diện tích mặt bàn bếp sẽ rất hạn chế nên nếu bạn càng bày lên đó nhiều đồ, bạn sẽ càng khó sắp đặt. Cách tốt nhất là đừng bày biện, hãy cất gọn chúng vào tủ chứa. Nếu diện tích tủ chứa hạn chế, bạn nên sử dụng các khoang trống theo chiều dọc để sắp xếp các đồ đó.

Thêm vào đó, bạn cũng không nên mua quá nhiều dụng cụ nấu bếp như những nhà nấu ăn chuyên nghiệp. Nếu bạn đã có lò nướng, đừng mua thêm nồi chiên không dầu. Nếu bạn đã có nồi thường, có thể không nhất thiết dùng nồi hấp riêng... , nhất là khi bếp nhà bạn quá nhỏ.

Ngoài ra, bạn nên giảm kích thước của bếp và bồn rửa. Không nhất thiết lắp một bồn rửa đôi lớn hoặc một bếp 90 cm với 4 bếp nấu, chúng sẽ chiếm rất nhiều không gian. Bạn nên mua chậu rửa bát đơn và bếp 60 cm phù hợp với căn bếp nhỏ.

Có một số cách mà bạn có thể áp dụng để tăng diện tích mặt bàn bếp. Đầu tiên, bạn có thể lắp mặt bàn kéo ra, đóng lại như một ngăn kéo mỏng sau khi sử dụng.

Bạn có thể sử dụng xe đẩy nhà bếp nhỏ và di động. Điều này đặc biệt hữu ích cho không gian nhỏ vì bạn có thể đẩy chúng ra khỏi bếp sau khi sử dụng.

Bếp có quá nhiều thứ lộn xộn

Sự bừa bộn làm những căn bếp nhỏ trở nên chật chội hơn. Gia chủ cần xử lý ngay từ khâu thiết kế như giảm thiểu các màu sắc trội, nên dùng gam màu trung tính. Các thiết bị nội thất bếp cũng nên có sự đồng bộ màu sắc.

Ngoài ra, việc thiết kế tủ bếp không có tay cầm cũng là cách giảm thiểu sự lộn xộn. Do lối đi hẹp, thiết kế này giúp bạn không va vào chúng khi đi lại.

Khi sắp xếp đồ đạc (bát đĩa, nồi niêu), cần đảm bảo mọi thứ được ngăn nắp, không lộn xộn.

Đối với những thứ như nắp (vung) nồi và khay, nên lắp những giá đỡ để đặt chúng theo hướng thẳng đứng để chúng không chiếm không gian, đồng thời cho phép bạn lấy dễ dàng.

Không kê được bàn ăn/đảo bếp

Trong một không gian quá nhỏ khiến việc kê bàn ăn hay thiết kế đảo bếp trở thành bất khả thi, bạn có thể sử dụng quầy gấp hoặc bàn gấp... có thể gập lại sát tường hoặc đẩy vào dưới mặt bàn bếp sau khi sử dụng. Điều này giúp bạn dễ dàng sinh hoạt ngay trong gian bếp.

Không có ánh sáng trực tiếp hoặc bị tối

Đừng quên rằng phối màu rất quan trọng trong việc tác động đến cảm nhận thị giác của bạn trong một không gian. Bếp gam màu sáng và bề mặt phản chiếu ánh sáng tốt sẽ giúp phản xạ ánh sáng xung quanh và tăng cảm giác không gian trong căn bếp nhỏ của bạn.

Đương nhiên bạn không nhất thiết phải làm bếp màu trắng; gỗ màu trung tính và các thiết bị thép không gỉ là những lựa chọn tuyệt vời cho một căn bếp nhỏ.

Trong trường hợp bếp nhỏ, bạn cũng có thể loại bỏ các tủ bếp trên cao và thay thế bằng giá, kệ mở... tạo cảm giác thoáng mát, nhẹ nhàng.

Về phân bổ ánh sáng trong bếp, nếu bếp có nguồn ánh sáng trực tiếp chiếu vào, cần đảm bảo phần cửa sổ đón ánh sáng không bị che khuất. Bạn cũng cần có nguồn sáng nhân tạo (đèn hắt, đèn điểm, đèn gầm tủ, đèn kệ... ) tại các vị trí cần thiết.

Thùy Linh (Theo Renonation)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022