Tình nguyện đến trực ở chốt phong tỏa
Đức Duy sinh ra và lớn lên ở H.Long Thành (tỉnh Đồng Nai), sống ở TP.HCM được 8 năm. Anh làm nghề chụp ảnh tự do cho các sự kiện, họp báo. Khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, Duy bị thất nghiệp.
Nhận thấy ở nhà là đã góp phần chung tay chống dịch Covid-19 nhưng anh nghĩ rằng mình cần phải giúp cộng đồng nhiều hơn bằng cách tham gia công tác tình nguyện.
“Tôi tìm kiếm các nhóm tình nguyện trên mạng và phát hiện Quận đoàn Q.3 tuyển tình nguyện viên trực chốt phong tỏa. Tôi đã không ngần ngại và đăng ký tham gia ngay lập tức”, Duy kể lại.
Duy (ngoài cùng, bên phải) trong đội hình tham gia xịt khử khuẩn ở các bệnh viện dã chiến |
Nhiệm vụ của Duy là trực chốt và chuyển giúp đồ đạc từ ngoài vào rìa khu vực bị phong tỏa. Sau đó, anh còn tham gia đội xịt khử khuẩn ở các bệnh viện dã chiến.
“Việc xịt khử khuẩn nặng nhọc hơn, nguy hiểm hơn nhưng tôi cảm thấy vừa sức với mình”, nam tình nguyện viên nói.
Duy những ngày đầu ở khu phong tỏa Q.3 |
Nhận được thư thả thính
Dù chỉ làm tình nguyện mới hơn 10 ngày nhưng Duy có kỷ niệm đẹp khiến các đồng đội "ghen tị".
“Những lần người dân nhờ tôi đi mua thuốc tại nhà thuốc gần khu phong tỏa, tại đây có hai cô nhân viên nhà thuốc còn rất trẻ và chúng tôi có lời trêu qua lại rồi hỏi thăm tuổi với nhau”, Duy kể lại.
Trong vài ngày cuối cùng trước khi các tình nguyện viên rời chốt, hai nữ nhân viên nhà thuốc tặng bánh cho họ.
"Tôi bất ngờ khi nhận được bức thư viết trên trang giấy được xé ra từ một hộp thuốc. Nội dung khá hài hước và tôi không nghĩ rằng sẽ có người con gái tặng mình trong lúc đi tình nguyện như vậy”, Duy cho hay.
Bức thư viết tay trên giấy của nữ nhân viên nhà thuốc gửi tặng tình nguyện viên chống dịch NVCC |
Nội dung bức thư có tên Nì và Chang Min kèm theo số điện thoại cùng những lời thả thính vô cùng đáng yêu của hai cô gái tuổi đôi mươi.
“Tôi thấy hai bạn rất dễ thương. Dù ở ngoài vùng phong toả nhưng hai bạn vẫn chỉ quanh quẩn trong nhà thuốc. Mỗi lần bán thuốc chỉ nhìn người ngoài thông qua tấm kính nhưng các bạn luôn yêu đời trong thời điểm như vậy”, Duy chia sẻ.
Anh xem bức thư viết tay là kỷ niệm đáng nhớ ở chốt phong tỏa, động lực làm thay đổi suy nghĩ và tiếp lửa cho các tình nguyện viên.