Thèm cảm giác được lê la phố phường 

Trần Thị Thu Diễm, (28 tuổi, nhân viên xuất nhập khẩu ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể rằng những ngày không có dịch là khoảng thời gian êm đềm.  
Diểm kể, sáng sớm cô thường đi bộ ở bờ kè đường Trường Sa rồi vòng qua Hoàng Sa. Đến chiều tối sau giờ làm ghé ngang đường Vạn kiếp, Phan Xích Long mua những món mình thích ăn nhất. Rồi mỗi cuối tuần lại hay hẹn bạn phổ thông kéo nhau ra khu cà phê ở đường Phan Xích Long ôn lại chuyện cũ, có khó khăn gì trong công việc đều chia sẻ với nhau. Tiếng cười, tiếng nói khắp mọi nơi, mùi đồ ăn ngào ngạt làm Diễm nhớ mãi. “Giản dị mà vui lắm, hơn 3 tháng nay chưa gặp ai cả nên nhớ lắm chầu cà phê cuối tuần”, Diễm chia sẻ.
Cùng chơi chung nhóm với Diễm là Võ Văn Đạt (30 tuổi, nhân viên marketing ở Q.Tân Bình). Đạt cho rằng sau 3 tháng ở nhà cậu mới thấy quý những khoảng thời gian trước. Đó là những tiếng còi xe inh ỏi, kẹt xe ở nhiều tuyến đường giữa trời nóng đổ lửa, những xe hàng rong ven đường... 
img_2361_tguf.jpg

Đạt thèm cảm giác đi rong ruổi khắp nơi khi Sài Gòn khỏe lại

“Trước dịch tôi thường hay uống cà phê, sinh tố ở gần khu chung cư hoặc công viên vì ở đây mát mẻ, có nhiều người qua lại như đường D9 - Chế Lan Viên (Q.Tân Phú), Công viên Bàu Cát (Q.Tân Bình), Công viên Bắc Hải (Q.10). Một số khu phố ẩm thực đông đúc như phố ăn Nguyễn Nhữ Lãm, khu ăn vặt ở nhà thờ Thiên Phước. Còn đối diện Trường THPT Trần Phú thì chuyên bán bánh trộn và trà sữa, xung quanh nhiều trường học nên ở đây giá rẻ và hợp khẩu vị tuổi teen lắm”, Đạt kể về những kỷ niệm dạo chơi phố phường khi không có dịch.
Nếu trở lại cuộc sống bình thường mới, Văn Đạt sẽ lại hẹn với nhóm bạn nấu nướng một bữa thả ga. Anh sẽ đi phượt nơi nào đó thật xa TP.HCM để hít không khí trong lành trước khi trở lại làm việc hăng say.
Cùng chung sở thích đó, Thu Diễm sẽ về thăm nhà, sau đó vào công ty gặp gỡ đồng nghiệp rồi lại có kế hoạch cho bạn bè, cho hội nhóm đã lâu không gặp. Tiếp đến là chọn một điểm đến nào đó thật xa để du lịch cùng bạn bè. Nhưng trước nhất với Diễm sẽ tìm những quán cà phê quen thuộc, sẽ ngồi lại nhấm nháp ly cà phê sau khoảng thời gian dài xa cách.

Muốn quay lại làng đại học và đi chợ

Trong khi đó Nguyễn Huỳnh Ngân Thảo (sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) lại kể chiều cuối tuần thường cùng bạn bè ra Nhà văn hóa Thanh niên hóng mát, sau đó dạo chợ đêm. Dọc đường về ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM ghé mua vài món ăn vặt như bánh tráng nướng, bắp xào, xoài lắc, trà đào cam sả… Sau đó ngồi ghế đá “tám” tới tận khuya mới chịu ai về phòng nấy.
Hơn 3 năm gắn bó với làng đại học, giờ đây Thảo chỉ mong được quay lại với cái yên tĩnh của buổi sớm tinh mơ lẫn tiếng ồn ã ở sân bóng vào mỗi chiều. Cả những lúc tan tầm ngồi trên xe buýt, tiếng còi xe inh ỏi ở ngoài đường. “Hồi đó mình hay xuống sân ký túc xá để chạy bộ, chơi cầu lông và bóng chuyền. Đối với mình, sáng sớm ở đây trong lành không khác gì ở quê, chiều lại thì đông đúc náo nhiệt đúng với một Sài Gòn thu nhỏ, giờ chỉ mong được trở lại như vậy”, Thảo nói.
Thảo cho biết: “Sẽ tìm đến nơi đầu tiên mình muốn quay lại chính là làng đại học. Khi đó, mình sẽ cùng bạn bè ghé thăm những nơi quen thuộc ở Sài Gòn mà tụi mình đã mong chờ rất lâu rồi”.
Là một người phụ nữ thích nấu ăn, sống trong không gian riêng của mình, Trần Lê Thanh Trúc (28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Q.3) tỏ ra rất nhớ những thanh âm của chợ.  
img_2360_yahc.jpg

Diễm (bên trái ngoài cùng) sẽ lên kế hoạch cùng bạn bè đi du lịch sau khi hết dịch

Trúc cho biết: “Nhiều người nói không thích chợ, chê nắng, chê hôi, chê đông đúc, nhiều người mê đi siêu thị hơn. Còn tôi, rất thích đi chợ vào mỗi sáng sớm. Thanh âm của chợ là những thanh âm không thể lẫn vào đâu khác, tiếng í ới mời mua cá, mời mua thịt, mời mua rau, rồi đủ các màu sắc. Nào màu bông các kiểu, màu trái cây, màu bánh, màu xôi chè và đủ các món ăn vặt hấp dẫn khác. Nào những cô bác giản dị, chất phác, mua rau gì cũng cho thêm cho một ít hành ngò và luôn miệng nói cảm ơn. Những ngày Sài Gòn bình yên, sáng sớm nào tôi cũng đi chợ”.
Trúc cho biết giờ đây vẫn thèm cảm giác được xách giỏ đi lựa hàng ở chợ, như thế mới thấy đúng là mình đang sống ở giữa Sài Gòn. “Rất lâu rồi tôi chưa được quay về những ngày bình thường ấy. Nên mong lắm, chợ sẽ trở lại, mong lắm Sài Gòn sẽ trở lại trạng thái bình thường mới, để sớm mai nào những người mê chợ như tôi cũng được sống trong những thanh âm, màu sắc tuyệt vời đó”, Trúc nói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022