Những người đàn ông cao dưới mức trung bình 1,77 m thường bị cho là nhỏ con hay xúc phạm là “lùn”. Ảnh: Sohu. |
Năm 2022, những người đàn ông nhỏ con dường như có khoảnh khắc gây chú ý. Một phong trào xã hội, bắt đầu năm 2018 với dòng chia sẻ của diễn viên hài trẻ người Mỹ Jaboukie Young-White, đã trở thành xu hướng.
Young-White quá mệt mỏi khi từ “lùn” bị dùng như lời xúc phạm. Anh liệt kê nhiều cái tên như Donald Glover, Tom Holland, Daniel Kaluuya - đều là những người đàn ông có chiều cao khiêm tốn và thành đạt.
“Những vị vua lùn là kẻ thù của sự tiêu cực về cơ thể. Tôi sẽ mãi tự hào được bảo vệ họ”, anh nói.
Sau khi lan rộng trên nhiều nền tảng mạng xã hội, từ khóa “ông vua lùn” đã phát triển thành “vị vua lùn mùa xuân”. Đây là phong trào vui vẻ, tích cực về cơ thể nhằm tôn vinh những người đàn ông nhỏ con, đồng thời gây ra cuộc tranh luận về một trong những vấn đề kỳ thị cuối cùng được xã hội chấp nhận: chiều cao, theo The Guardian.
Diễn viên hài Jaboukie Young-White lên tiếng phản đối sự kỳ thị nhắm vào nam giới có chiều cao khiêm tốn. Ảnh: Patrick Lewis/Starpix. |
Hội chứng “phức cảm Napoleon”
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nam giới tự ti về chiều cao có thể bị rối loạn sức khỏe tâm thần.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Đại học Padua (Italy) đã tìm kiếm bằng chứng ủng hộ ý tưởng về hội chứng “phức cảm Napoleon” ở đàn ông lùn. Đây vốn được xem là khuôn mẫu xúc phạm, cho rằng nam giới bù đắp vóc dáng thấp bé của mình bằng cách trở thành kẻ xấu xa, mà nhiều học giả đã bác bỏ.
Nhóm tác giả yêu cầu 367 người Mỹ trưởng thành hoàn thành cuộc khảo sát trực tuyến qua bảng câu hỏi “Dirty Dozen Dark Triad” (tạm dịch: bộ 3 đen tối). Theo đó, các đặc điểm của “bộ 3 đen tối” gồm rối loạn tâm thần (sự nhẫn tâm, phạm tội), ái kỷ (tự cao tự đại, cho mình là nhất) và chủ nghĩa hoài nghi (thực dụng, dối trá).
Trước những câu hỏi, người tham gia phải đánh giá theo mức độ họ thấy đồng cảm, bao gồm “Tôi có xu hướng thao túng người khác để đạt được mục đích của mình”, “Tôi có xu hướng nhẫn tâm hoặc vô cảm” hay “Tôi có xu hướng muốn người khác ngưỡng mộ mình”.
Nhóm đối tượng khảo sát cũng được hỏi họ đồng ý đến mức nào với những câu nói như “Tôi ước mình cao hơn”.
Tác giả chính của nghiên cứu, Peter K Jonason, PGS tâm lý học tại Đại học Padua, cho biết: “Những người nhỏ con, đặc biệt là những ai ước mình cao hơn, được đặc trưng bởi các đặc điểm của ‘bộ 3 đen tối’”.
Nghiên cứu gần đây của các học giả người Italy cho rằng có mối liên hệ giữa sự tự ti về chiều cao với rối loạn tâm thần. Ảnh: ArtFamily - Fotolia. |
Điều đáng chú ý là chỉ có 142 người tham gia là nam giới có chiều cao dưới mức trung bình (1,77 m). Do đó, theo Simon Usborne, nhà văn và phóng viên tự do có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), con số này không đủ nhiều để tiếp tục rút ra kết luận táo bạo như vậy.
“Tôi cũng nghĩ rằng lý do tiến hóa được nhóm tác giả phân tích, rằng ‘sự ghê gớm về mặt tâm lý có thể mang lại lợi thế trong các khía cạnh sinh tồn và giao phối, bù đắp cho mất mát về chiều cao’ đã bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh hơn”, ông nói.
Usborne lấy ví dụ thực tế, “sự ghê gớm” về mặt tâm lý dường như không giúp ích gì cho những người đàn ông nhỏ con ở môi trường làm việc - nơi các nghiên cứu về gene chỉ ra mối liên hệ giữa chiều cao và thu nhập, hoặc trong hẹn hò - nơi nam giới cao được cho là luôn có lợi thế.
Ngừng xoáy sâu vào chiều cao
Vài tháng trước, Usborne trò chuyện với 6 người đàn ông đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ kéo dài chân - thủ thuật nguy hiểm, tốn kém và đau đớn.
“Tôi không phải là nhà tâm lý học và không đưa họ vào cuộc khảo sát về những đặc điểm đen tối, nhưng tất cả đều không có biểu hiện của rối loạn tâm thần. Thay vào đó, họ là những người đàn ông có cảm giác bất an và quan điểm thực dụng về việc cao hơn giúp ích cho sự nghiệp và tình cảm của họ”.
Trong số này, Lewis (không phải tên thật) chạm đến chiều cao trung bình sau khi kéo dài chân. Sự thay đổi không chỉ là thể chất, anh còn thấy chuyện hẹn hò trở nên dễ dàng hơn.
“Mọi thứ khác về tôi vẫn vậy, nhưng cách mọi người đối xử với tôi rất khác”, anh nói.
Hối tiếc duy nhất của Lewis liên quan đến xã hội. “Tôi cảm thấy buồn khi nhìn lại việc mình đã cảm thấy vô dụng như thế nào”.
Chiều cao của đàn ông không nên tiếp tục bị bàn tán và kỳ thị trong xã hội. Ảnh: Backgrid. |
Bản thân Napoleon có lẽ đã thể hiện một số đặc điểm của “bộ 3 đen tối”, nhưng ông không hề nhỏ con. Các nhà viết tiểu sử đã ước tính ông cao 1,70 m hoặc thậm chí là 1,78 m - trên mức trung bình.
Napoleon đổ lỗi cho việc miêu tả hình ảnh “người đàn ông lùn hung dữ” của chính mình là do các nhà biếm họa người Anh rất thích vẽ ông như vậy.
Việc 3 nhà lãnh đạo trước đây của Pháp, bao gồm cả tổng thống hiện tại Emmanuel Macron, đều có chiều cao dưới mức trung bình, thấp hơn cả Napoleon, có thể là điều bất thường hoặc dấu hiệu của sự tiến bộ.
Nhưng trước khi chuẩn bị chào mừng một “mùa xuân” ngắn ngủi khác, chúng ta hãy gạt câu hỏi về tầm vóc của đàn ông sang một bên và chấp nhận điều đó có hoặc không thể nói lên trạng thái tinh thần của họ.
Các nhà sách đang trở lại
Sau đại dịch, nhiều khách hàng chán ngấy thời gian phải giải trí trên màn hình và tìm đến mua sách ở cửa hàng theo cách truyền thống. Với cửa hàng mới, không gian sẽ được phân chia, có khu vực đọc sách và nơi bán nước giải khát, cà phê. Riêng tại Mỹ, trong năm qua, hơn 300 hiệu sách độc lập mới mọc lên khắp cả nước, trong một sự hồi sinh đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh sau thời kỳ đầu suy thoái do đại dịch.