Với ca sĩ Phạm Thu Hà, nhạc Trịnh chính là thứ âm nhạc chữa lành quý giá - Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
Ai cũng thấy nỗi lòng mình trong nhạc Trịnh
Có thể nói, dù ai ở hoàn cảnh nào cũng có thể tìm thấy sự an ủi, vỗ về từ nhạc Trịnh. Một người vừa chịu nỗi đau người thân qua đời, họ tìm tới câu hát "cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang", hay thở dài với câu hát "sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non"…
Ai đó đang xót xa phận mình phiêu bạt, gian truân, họ tìm về những câu hát trong bài Cát bụi, với câu hỏi "hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi".
Những phụ nữ vất vả áo cơm đành cho tan đi những yêu dấu ngày nào, họ cũng vin vào câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh mà đi tiếp đời cơm áo: "Em theo đời cơm áo/ Mai ra cùng phố xôn xao/ Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo…".
Người đang thiếu vắng một cuộc tình sẽ muốn được nghe hát hay tự hát: "Ru em ngồi yên đấy/ Tôi tìm cuộc tình cho"…
Người đang tuyệt vọng sẽ níu mình lại bằng câu hát "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng", hay câu "Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người/ Còn cuộc đời ta cứ vui"…
Âm nhạc ấy bao năm qua đã là thứ thuốc chữa lành cho hàng triệu con tim, ghé xuống hàng triệu thân phận.
Đó là lý do nhạc Trịnh đã được yêu thích đến vậy ở mảnh đất còn nhiều vất vả, buồn thương này.
Từng người nghe tìm đến âm nhạc của ông để chữa lành. Mà chính các ca sĩ cũng tìm tới nhạc Trịnh theo cách tương tự.
Ba MV tri ân nhạc Trịnh
MV Phạm Thu Hà hát Hoa vàng mấy độ cùng dàn nhạc bán cổ điển - Video: PHAM THU HÀ
Ca sĩ bán cổ điển Phạm Thu Hà vừa ra ba MV nhạc Trịnh hát các ca khúc Hoa vàng mấy độ, Ru tình, Tiến thoái lưỡng nan theo phong cách bán cổ điển pha trộn với chất pop mới lạ nhân ngày giỗ Trịnh Công Sơn.
Sản phẩm tâm huyết không chỉ để tri ân khán giả yêu thích giọng hát của cô mà còn để tri ân người nhạc sĩ đã viết lên thứ âm nhạc luôn ở bên con người để vỗ về, an ủi và chữa lành.
Với riêng cô, thứ âm nhạc ấy đã chữa bệnh cho cô theo đúng nghĩa đen từ hàng chục năm trước, và tiếp tục dẫn dắt cô đi qua bao gập ghềnh của những bước đường trưởng thành của một nghệ sĩ.
Khi còn là học sinh hệ trung cấp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Phạm Thu Hà mắc bệnh phổi nặng.
Một ca sĩ nhưng không thể cất giọng hát, gia đình lại không có ở Việt Nam để chăm sóc, Phạm Thu Hà đã trải qua những tháng ngày thật khó khăn và tuyệt vọng. Cô quyết định phải bảo lưu một năm để chữa bệnh.
Những tháng ngày nằm bệnh một mình ấy, album Như cánh vạc bay gồm các tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện đã ở bên cô mỗi đêm, mỗi sáng và mỗi chiều...
Phạm Thu Hà thử nghiệm hát nhạc Trịnh Công Sơn pha trộn giữa âm nhạc bán cổ điển với chất pop cùng dàn nhạc bán cổ điển - Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
Những ca khúc ấy đã thành thứ thuốc không thể thiếu để chữa lành cho cô, cả tổng thương nơi cơ thể lẫn tâm hồn. Rồi cô cũng khỏi bệnh và lại được cất cao tiếng hát.
Sau này, vượt bao chông gai như bất cứ kiếp người nào, âm nhạc của Trịnh Công Sơn lại tiếp tục những dòng chảy yêu thương và chữa lành để giúp nữ ca sĩ mỗi ngày học thêm hơn về lòng bao dung và tinh thần lạc quan, cũng như đưa cô đến gần hơn với đạo Phật.
Ba ca khúc nhạc Trịnh được Phạm Thu Hà chọn làm MV lần này chính là ba bài mà cô rất yêu thích và nghe nhiều lần để chiêm nghiệm sâu sắc hơn về đời sống. Cả 3 MV đều nằm trong dự án âm nhạc Live Studio Session mà "họa mi bán cổ điển" đã thực hiện từ vào cuối năm 2022 và vẫn đang tiếp tục.
MV được thực hiện với công nghệ thu âm đĩa than và ghi hình trực tiếp tại Việt Nam.
Có thể nói, ở dự án âm nhạc mới này, Phạm Thu Hà đã thành công trong việc bước qua sở trường kỹ thuật thanh nhạc tốt của một ca sĩ bán cổ điển để đạt tới cái dạt dào cảm xúc trong các bản tình ca mộc mạc.