Trong rất nhiều sản phẩm âm nhạc Tết - Xuân Ất Tỵ 2025 ồn ào náo nhiệt, rực rỡ sắc màu, có một sản phẩm mang chất hoài cổ lặng lẽ góp thêm một sắc Xuân với những nét riêng và duyên.

Ngày mồng 1 Tết, có người bạn âm nhạc chia sẻ với người viết một sản phẩm mới với lời nhắn nhủ thử nghe vì bạn thấy bài khá thú vị. MV Làng tranh quê tôi của tác giả Tố Nhiên, nhìn vào cái tên, ý nghĩ đầu tiên thoảng lên trong tôi là nó có thể sẽ dẫn người nghe vào một mô-típ cũ của các nhạc sĩ thế hệ trước, viết về làng quê, ngành nghề truyền thống với những địa danh, đặc sản, đặc trưng địa phương... Cộng với thời lượng của MV lên tới hơn 8 phút (bao gồm cả mở đầu và hậu trường), quá dài so với một sản phẩm âm nhạc thời mạng xã hội hiện nay. Tất cả điều đó có thể sẽ không tạo được hứng thú cho người nghe trên mạng.

Màu Kinh Bắc

 MV Làng tranh quê tôi cũng vẫn là những kể lể về đặc trưng của một địa phương, nhưng địa phương này khá đặc biệt, một làng quê Kinh Bắc đã quá quen thuộc trong văn hóa dân gian, trong áng thơ bất hủ của thi sĩ Hoàng Cầm nhưng dường như chưa xuất hiện nhiều trong các tác phẩm âm nhạc, đó là làng tranh dân gian Đông Hồ.

Hoàng Thái Phương trong MV "Làng tranh quê tôi"

Tôi là dân gốc Kinh Bắc, yêu vùng văn hóa này, hầu như Xuân nào cũng ghé thăm đất Thuận Thành - thăm thủ phủ Luy Lâu xưa, đi lễ chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương và ghé chơi làng tranh Đông Hồ… Không phải để làm gì cả, chỉ để được chìm vào không gian Kinh Bắc, hưởng chút không khí xưa rất xưa giữa thời hiện đại. Cho nên, một ca khúc về làng tranh Đông Hồ gửi đến vào mùa Xuân, bất kể thế nào cũng tạo được cảm tình trong tôi.

Ca khúc được mở đầu bằng phần đồng dao trẻ con, lời đồng dao là 2 bài ca dao ngắn quen thuộc về làng tranh Đông Hồ được ghép vào nhau: "Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/ Có sông tắm mát có nghề làm tranh" và "Hỡi anh đi đường cái quan/ Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu/ Mua tờ tranh điệp tươi màu/ Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều".

Tiếp đến giọng hát nam với âm sắc cao và mảnh vang lên gần như nhắc lại lời ca dao: "Hỡi cô em thắt lưng bao xanh, mà này em có về, về với anh thì về/ Làng Mái anh có lịch có lề, nằm bên dòng sông Đuống, ấy có nghề làm tranh". Nối tiếp, giọng hát nữ trung dày cất lên: "Tết đến, trong sắc Xuân tưng bừng, chợ họp phiên tấp nập, mua bán tranh Đông Hồ/ Từng cuộn buộc bằng rơm nếp vàng, còn thơm mùi giấy dó, óng ánh sắc điệp ngà".

Rất khác so với những bài hát viết về làng nghề nói chung, thường chỉ tả ở vẻ bề ngoài khi sản phẩm đã thành phẩm, giống như làng tranh, sẽ tả kiểu nét đẹp của những bức tranh cụ thể, ở Làng tranh quê tôi, tác giả còn khai thác vào sâu ở góc ít ai để ý, đó là kỹ thuật làm màu: "Than xoan, rơm nếp, than tre đen; ấy mấy anh dùng chàm, gỉ đồng làm sắc xanh/ Vàng tươi từ dành dành, hòe hoa; ấy mấy yêu sắc đỏ gỗ vang, sỏi son". Và lời mời chào: "Mua đi tờ tranh điệp tươi màu, mua mấy đàn gà lợn đẻ nhiều mà lắm con/ Dừng chân này bên đường cái quan, ơi hỡi ai ngắm cảnh mà xua tan nỗi sầu...".

MV "Làng tranh quê tôi"

Chọn ca từ "Ai đưa tôi về miền quê tuổi thơ của những giấc mơ" để mở đầu đoạn điệp khúc tạo cảm giác kết nối khá tự nhiên. Điệp khúc có giai điệu "bắt tai", lời ca được diễn đạt cũng khá thú vị. Tác giả nhắc đến những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng, được kết nối với nhau thành một nội dung: "Vi vu cánh diều - đồng quê cưỡi trâu che lọng lá sen (tranh Chăn trâu thổi sáo)"; hay "Xuân đang ngập tràn… Đừng lỡ mùa Xuân mà đi đánh ghen/ Cá chép trông trăng giật mình chợt nghe gà gáy năm canh"; hay "Ai dựng nên dừa/ Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi (tranh Hứng dừa)"; hoặc "Thiên hạ thái bình bốn nàng tố nữ chơi đàn hát vang"...

Giai điệu âm nhạc mang màu sắc dân ca đồng bằng Bắc bộ, âm hưởng ngũ cung được khai thác, tác giả có những chuyển điệu nhưng vẫn trong âm hưởng ngũ cung tạo màu sắc mới mà vẫn giữ được âm hưởng truyền thống. Phần hòa âm của bài, ngay mở đầu khai thác tiết tấu của trống hội truyền thống và đồng dao cũng là một cách để khẳng định màu sắc dân gian truyền thống đậm nét trong Làng tranh quê tôi.

"Phần hòa âm của bài, ngay mở đầu khai thác tiết tấu của trống hội truyền thống và đồng dao cũng là một cách để khẳng định màu sắc dân gian truyền thống đậm nét trong Làng tranh quê tôi" -nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quang Long.

Nét duyên mới

Thực ra, Làng tranh quê tôi là một ca khúc có giai điệu không mới nhưng cũng không hoàn toàn đi theo mô-típ cũ. Sự kết hợp trống hội với đồng dao trong ca khúc cũng không phải mới nhưng nó cho thấy những người thực hiện MV muốn hướng đến giới trẻ. Nét giai điệu chung của bài tạo một cảm giác dễ nghe, cũng là yếu tố hướng đến người trẻ.

Việc giọng nam có vẻ mảnh và cao kết hợp với giọng nữ trung và dày, nghe thấy có vẻ hơi ngược nhưng lại tạo nên nét thú vị cho MV Làng tranh quê tôi. Giọng nam là Hà An Huy - từng là quán quân cuộc thi Vietnam Idol 2023, còn giọng nữ là Hoàng Thái Phương - từng đoạt Huy chương Vàng Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2024 đợt 1 tại Vĩnh Phúc.

Hà An Huy đã là cái tên quen thuộc với giới trẻ. Còn với Hoàng Thái Phương, lúc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đang diễn ra, người viết từng trực tiếp đến Vĩnh Phúc để xem vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội) và đã rất ấn tượng với nữ ca sĩ trẻ sinh năm 2004 này khi cô đảm nhiệm vai nữ chính. Sự xuất hiện của 2 giọng hát trẻ có tài năng là Hà An Huy và Hoàng Thái Phương cũng là 1 trong những yếu tố để Làng tranh quê tôi tiếp cận được đối tượng khán giả trẻ.

cogai-17386447823451670388388.png

MV "Làng tranh quê tôi" tái hiện hình ảnh 4 cô tố nữ bước ra từ trong tranh

Phần hình cũng do một ê-kíp rất trẻ đảm nhận, với đạo diễn là Lê Doãn Thái Bình hiện còn đang là sinh viên Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Những người trẻ đã tạo nên một không gian truyền thống trong mắt người trẻ, một phiên chợ quê truyền thống của làng tranh Đông Hồ, hình ảnh không gian văn hóa Kinh Bắc truyền thống… không mới nhưng chưa bao giờ cũ.

Trong phần hình ảnh, nhóm thực hiện có cho văn hóa truyền thống Hà Nội giao duyên với Kinh Bắc khi đưa vào điệu múa Con đĩ đánh bồng của làng cổ Triều Khúc và một số làng quê ven sông Nhuệ (Hà Nội). Việc sáng tạo khi kết hợp các truyền thống với nhau như thế không ảnh hưởng gì, các bạn trẻ hoàn toàn có thể khai thác làm phong phú thêm phần hình, miễn là khâu xử lý hình ảnh phải khéo léo, sao cho thật tự nhiên.  

Nội dung kịch bản theo cảm nhận của người viết, là giấc mơ của cô gái nhân vật chính (cũng chính là nữ ca sĩ), còn nam ca sĩ hiện hữu không rõ ràng, có thể là ẩn dụ trong giấc mơ. Khâu xử lý hình ảnh có một số chỗ không đúng với bố cục chuẩn, chẳng hạn nhân vật nam chính thường xuyên bị cắt ngang mặt, điều tối kỵ trong hình ảnh, nhưng có thể đó lại là chủ ý của nhóm thực hiện để toát lên một nhân vật không có thực trong MV.

Với những gì hiện hữu trong MV cho thấy, tác giả là một người có yếu tố truyền thống nhưng khá cởi mở trong việc tiếp cận xu hướng mới, tiếp cận giới trẻ. Sẽ khá thú vị khi biết tác giả Tố Nhiên (tên thật là Lê Ngọc Dương), từng tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội và là thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh Đại học La Trobe (Australia), hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam. Tố Nhiên sinh ra trong một gia đình âm nhạc, có mẹ là NSND Hồng Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và em gái Ngọc Hà là giảng viên đàn tranh của Học viện. Trong khi bố anh là PGS-TS Lê Ngọc Thắng, một nhà khoa học.

Dẫu không theo sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp nhưng Tố Nhiên đã có tới 10 năm (từ 1987 đến 1997) theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chuyên ngành Tam thập lục, anh cũng đã từng sáng tác một số tác phẩm cho nhạc cụ truyền thống dân tộc và một vài ca khúc. Làng tranh quê tôi là tác phẩm hiếm hoi anh giới thiệu rộng rãi tới công chúng.

MV "LÀNG TRANH QUÊ TÔI"

- Tác giả, giám đốc âm nhạc: Tố Nhiên

- Ca sĩ: Hà An Huy, Hoàng Thái Phương

- Tổng đạo diễn: Lê Doãn Thái Bình

- Biên kịch: Lê Doãn Thái Bình, Nguyễn Trang Linh

- Diễn viên: Minh Trà, An Khanh, Nhật Vy, Cathy Nguyễn

- Giám đốc sản xuất: Ngô Thị Vân Hương

Điểm 8

Đen trở lại thị trường nhạc Tết sau 3 năm với hình ảnh nhìn là nhớ nhà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022