Sau 70 năm, Godzilla vẫn là biểu tượng cho rất nhiều giá trị của người Nhật và nhân loại - Ảnh: Toho
Hai tác phẩm nổi bật về Godzilla cũng đã được chiếu cho công chúng Việt Nam trong khuôn khổ sự kiện này là Godzilla (1954) - phim đầu tiên về con quái vật này và Godzilla Minus One - tác phẩm vừa giành giải Oscar Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 96.
Ngày 10-11 cũng đánh dấu lần đầu tiên Godzilla (1954) công chiếu tại màn ảnh rộng Việt Nam.
Quả thật hiếm thấy cảnh khán giả tại TP.HCM kéo đến kín rạp để xem một bộ phim đen trắng, có hiệu ứng hình ảnh, âm thanh lạc hậu rất nhiều so với công nghệ thời nay.
Cảnh Godzilla tấn công thành phố Tokyo trong phim
Chủ nghĩa nhân đạo quái dị trong Godzilla
Godzilla (1954) mở đầu với cảnh một con tàu bị năng lượng phóng xạ tấn công, một tia sáng lóe lên thiêu cháy con tàu ngay lập tức, những thủy thủ đoàn nhìn thấy tia sáng lạ phát ra cũng không giữ được tính mạng.
Đây thực chất là liên hệ trực tiếp đến sự cố xảy ra ngoài khơi nước Nhật ngày 1-3-1954, một con tàu nhỏ của Nhật Bản có tên là "Lucky Dragon" đã bị phơi nhiễm bụi phóng xạ hạt nhân từ cuộc thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch Castle Bravo của Mỹ tại đảo san hô Bikini.
Hình ảnh Tokyo cháy rụi, quân đội tuyệt vọng trước thế lực không thể ngăn cản và những người dân chịu hậu quả của phóng xạ nằm la liệt là những chi tiết gây ám ảnh trong Godzilla - Ảnh: Toho
Tai nạn thương tâm trên khiến các thủy thủ chịu di chứng dài từ phóng xạ, đồng thời khiến thuyền trưởng Kuboyama Aikichi thiệt mạng.
Nỗi đau từ sự kiện này cộng hưởng với vết thương chưa lành do hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki đã truyền cảm hứng trực tiếp cho tác phẩm Godzilla đầu tiên, ra mắt ngày 3-11-1954.
Không chỉ phản ánh nỗi sợ bom nguyên tử và những kinh hoàng để lại từ Thế chiến thứ hai, Godzilla (1954) còn là bức tranh của tinh thần Nhật Bản, dân tộc gây dựng lại đất nước từ con số không sau chiến tranh.
Godzilla (1954) còn xoay quanh cuộc đấu tranh của các nhà báo, nhà khoa học, những người lính... trong công cuộc tái thiết nước Nhật - Ảnh: Toho
Quái vật Godzilla vốn là một thảm họa thiên nhiên biết đi bị đánh thức bởi những vụ thử bom nguyên tử của Mỹ ngoài khơi Nhật Bản.
Con quái vật này hủy diệt và giết chóc dựa trên bản năng của một con thú, những sự kiện diễn ra trong phim một phần lớn lỗi là do cách xử lý của con người, khuynh hướng bạo lực của con người làm nó tức giận và con người buộc phải chịu hậu quả.
Để rồi khi Godzilla bị giết bởi một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt, khán giả không khỏi thương tiếc một sinh vật đặc biệt nữa lại chết đi do bản năng của loài người.
Đạo diễn Ishiro Honda dường như đã dùng ma thuật nào đó khiến khán giả đồng cảm với con quái vật kia, đánh thức chủ nghĩa nhân đạo bên trong theo cách kỳ lạ nhất.
Đạo diễn Ishiro Honda (trái) và người thiết kế ra Godzilla - Eiji Tsuburaya (giữa) trên phim trường - Ảnh: GETTY IMAGES
Bằng sự khéo léo của mình, những thông điệp mang tầm nhân loại cứ thế được Ishiro Honda lồng ghép vào những tác phẩm tưởng chừng như chỉ mang tính giải trí, mới nghe qua có vẻ nông cạn như là quái vật xâm lăng thành phố.
Đây cũng là điều mà các nhà làm phim Hollywood kế thừa thương hiệu Godzilla chưa thể làm được, thể hiện qua những phim bom tấn của hãng Legendary như Godzilla x Kong, Godzilla: King of The Monsters... chỉ khai thác bề nổi của những giá trị làm nên tên tuổi của con quái vật mang tính biểu tượng này.
Ishiro Honda là một trong những cái tên của thời kỳ phục hưng thần kỳ của điện ảnh Nhật Bản sau chiến tranh (cùng với những nhà làm phim đại tài như Akira Kurosawa, Kenji Mizoguchi, Masaki Kobayashi, Mikio Naruse, Nagisa Oshima, Kon Ichikawa...)
Các tác phẩm của ông như Rodan, King Kong vs. Godzilla... trở thành bộ mặt của điện ảnh thương mại Nhật Bản khi được chiếu khắp phương Tây lúc bấy giờ.
Những tác phẩm đó biến Ishiro Honda thành một trong những vị cha đẻ của thể loại phim thảm họa, quái vật - truyền cảm hứng cho vô số những nhà làm phim hiện đại như John Carpenter, Martin Scorsese, Tim Burton, Guillermo del Toro...