Ngọc Hân khởi nghiệp khoảng năm 2015-2016, khi ấy hoa hậu cũng đã 25-26 tuổi rồi. Một mặt nào đấy thì độ tuổi này dường như không phải là độ tuổi "vàng" trong khởi nghiệp nữa?
- Chính xác thì Hân có cho mình một công việc kinh doanh vào năm 2015. Đúng như chị và mọi người thường nhận xét, thông thường, 25-26 tuổi là đã qua độ tuổi vàng để khởi nghiệp rồi.
Nhưng theo góc độ của tôi thì mỗi người lại có độ tuổi khởi nghiệp lại khác nhau và không ai giống ai cả. Ông già KFC đến tận 50-60 tuổi mới bắt đầu khởi nghiệp và làm ra một đế chế rất hoành tráng cho mình đến tận bây giờ đấy thôi. Cho nên chúng ta không cần phải quá cố định hoặc ra một con số vàng nào đó cho độ tuổi khởi nghiệp. Hân nghĩ rằng bất kỳ khi nào chúng ta sẵn sàng thì đấy chính là thời gian khởi nghiệp một cách tuyệt vời nhất đối với mỗi cá nhân chứ không có một khoảng thời gian cụ thể, và tuyệt đối với tất cả mọi người.
Bản thân tôi cũng vậy. 25-26 tuổi mới bắt đầu kinh doanh nhưng nói đúng ra thì từ năm 13 tuổi tôi đã tự kinh doanh rồi, bằng các sản phẩm handmade do mình làm ra. Thế nên đâu đó, ở một góc nhìn khác thì mọi người sẽ thấy là tôi đi làm từ rất sớm, tiếp xúc, va chạm với xã hội, làm các công việc, kiếm ra tiền từ những năm còn rất nhỏ tuổi. Và nếu vậy ở một góc nhìn rộng hơn tại sao không thể nghĩ rằng đó cũng chính là mốc thời gian mà tôi khởi nghiệp.
Startup không có nghĩa là ta cứ kinh doanh hay buôn bán một cái gì đó. Với tôi, khởi nghiệp có thể là khoảng thời gian mà chúng ta bắt đầu làm việc, bắt đầu xây dựng những mối quan hệ, bắt đầu tạo dựng cho mình những kinh nghiệm, trải nghiệm riêng của cá nhân. Và tôi nghĩ là khi mà tôi bắt đầu công việc kinh doanh của mình vào tầm 25-26 tuổi thì tôi đã có rất nhiều thuận lợi so với bạn trẻ khác rồi.
Vậy mục tiêu khởi nghiệp của một hoa hậu là gì, vì khởi nghiệp thì đâu phải chỉ có đam mê hay nghe người khác bảo "ôi ngành đấy tiềm năng lắm, đi kinh doanh đi", là đủ?
- Câu hỏi này khá thú vị. Vì khi tôi bắt đầu công việc kinh doanh, thì nhiều anh chị em trong giới họ nói tại sao với cương vị như thế, có mọi thứ rồi mà Hân không đi làm thương hiệu của mình, lại chọn đi làm đại lý cho một thương hiệu khác trong lần đầu khởi nghiệp, nói là làm thuê thì không hẳn nhưng dù sao cũng không phải cái gì đó của riêng mình… Lúc ấy thì mọi người nói tôi có kinh tế rồi, có vị trí rồi, có quan hệ xã hội… thì hoàn toàn có thể rất đầy đủ để mình làm thương hiệu của riêng mình.
Thế nhưng suy nghĩ đơn giản là nếu như chúng ta chưa có kinh nghiệm trên thương trường, chưa hề có bất kỳ kinh nghiệm làm kinh doanh và làm về thời trang, nếu như mình tự mở một thương hiệu, đặc biệt là mình không biết xưởng may không biết, lựa vải không biết, làm branding một thương hiệu mình cũng không biết, thậm chí là những việc nhỏ nhất như quản lý cửa hàng, kho, doanh số, quản lý nhân viên, đào tạo ko biết thì tại sao mình lại không làm cho một đơn vị mà mình đã có kinh nghiệm như vậy rồi.
Thật ra, khi làm đại lý thì mình và cộng sự cũng được chia sẻ mọi thứ rất tận tình để làm sao tất cả đều thành công.
Vậy chị học được những gì?
- Thực sự thì từ công việc khởi nghiệp đầu tiên đó, tôi có nhiều bài học cho riêng mình lắm, từ việc chọn một địa điểm mở cửa hàng thế nào đến các việc khác.
Với kinh doanh thời trang thì địa điểm mở cửa hàng quyết định 70-80% thành công. Khi các anh cộng sự cho kinh nghiệm lựa chọn địa điểm thì từ cửa hàng sau, thành công cứ nối nhau thôi. Hơn nữa là việc quản lý đào tạo nhân viên bán hàng, đào tạo, quản lý kho, nhập hàng, thật ra nhiều bài học nhỏ, bài học kinh doanh mà không thể giải đáp hết chỉ trong một câu hỏi câu trả lời nhưng khi bước vào kinh doanh có trăm ngàn thứ phải lo, trăm ngàn đầu việc chúng ta phải học mà ở trường lớp không ai dạy bằng việc chúng ta xắn tay vào làm, chúng ta trải nghiệm thực tế.
Lúc tách ra làm riêng, giữa những gì chị học được và triển khai thực tế có giống nhau? Chị gặp vấn đề gì khi tách ra làm riêng?
- Sau lần khởi nghiệp với việc làm đại lý cho thương hiệu vest nam thì tôi có làm một thương hiệu thời trang nữ. Và tôi không thành công.
Lúc ấy thì tôi nhận thêm được một bài học về việc chọn địa điểm. Thật ra đó là một thương hiệu thời trang nữ tốt vì có thương hiệu sẵn rồi. Nhưng khi tôi cùng cộng sự tiếp quản thì lại định vị sai địa điểm. Chúng tôi chọn một căn biệt thự không nằm ở mặt phố kinh doanh vì nghĩ là cần không gian nên thơ cho khách hàng trải nghiệm, khách đến mua hàng còn có thời gian nhẩn nhơ ăn bánh, uống trà... Nhưng chúng tôi đã sai. Kinh doanh vẫn cần thực tế, địa điểm cửa hàng phải là nơi dễ đến, dễ đi. Sau khoảng một năm thì dự án này thất bại và tôi lại rút ra được kinh nghiệm cho mình.
Buôn có bạn, bán phải có phường. Vì thế khi kinh doanh áo dài tôi mới chọn ở phố Mai Hắc Đế này vì con phố này có nhiều cửa hàng áo dài, áo cưới, rồi xung quanh là cửa hàng nhẫn cưới, trang sức… Địa điểm là yếu tố quyết định sự thành công rất lớn.
Nhưng dự án thứ hai thất bại như thế thì liệu có phải do địa điểm sai hay còn nguyên nhân gì khác?
- Chắc chắn địa điểm. Vì chiếm khoảng 70% là địa điểm. Tiếp đó do việc mình thiếu phát triển kinh doanh online. Thật ra kinh doanh online cũng quan trọng khi mọi người không cần ra cửa hàng mà chỉ thích lướt, xem trên Facebook, được tư vấn, sau đó là ship hàng. Lúc đó, tôi chưa nhận thức và nắm được sức mạnh của kinh doanh online. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những yếu tố để thương hiệu ấy không được thành công.
Có khi nào Ngọc Hân nghĩ rằng nếu không phải là hoa hậu thì chị sẽ chọn con đường thuần túy là khởi nghiệp là khởi nghiệp, khởi nghiệp vì lợi nhuận thôi, như nhiều người khác?
- Chắc chắn rồi, đó cũng là điều mà tôi thường hay suy nghĩ và chia sẻ với mọi người.
Khi đi thi hoa hậu, tôi có nghĩ tôi thành hoa hậu đâu. Lúc ấy, tôi là sinh viên năm thứ tư của Đại học Mỹ thuật công nghiệp với công việc làm MC thời trang, stylist, ấp ủ cho mình ước mơ sẽ kinh doanh thời trang. Tôi đã sẵn sàng cho ước mơ đó rồi đấy chứ. Nhưng mọi thứ lại không như ta nghĩ. Vô tình đi thi, nghĩ "thi cho biết" thì lại thành hoa hậu, mà lại giành danh hiệu trong một năm rất là đặc biệt (năm 2020, Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - PV), rồi bị cuốn theo các chuyến đi thiện nguyện, hoạt động xã hội, quảng bá văn hóa, và cuộc đời của mình giống như rẽ sang trang khác, rẽ sang định hướng khác.
Từ đấy, tôi mới quyết định mình sẽ trở thành một nhà thiết kế áo dài. Điều này phải nói thật là không nằm trong định hướng ban đầu của tôi. Nhưng đó cũng là một sự thích nghi thú vị. Trải qua tất cả những việc đấy thì tôi cũng thấy mình là người có tính thích nghi rất cao.
Chị nói là chị có tính thích nghi cao nhưng rõ ràng trước khi khởi nghiệp với áo dài, chị cũng đã thất bại với thời trang nữ đấy thôi. Vậy chị có chuẩn bị cho mình tình huống là khởi nghiệp tiếp và sẽ thất bại tiếp thì thôi nản quá mình dừng lại, đi theo con đường "trời xanh đã định" cho mình là làm hoa hậu thôi vì người ta vẫn nói hoa hậu thì chắc chắn không thể nghèo?
- (Cười). Thật sự mà nói thì cho đến giờ tôi nghĩ không bao giờ có chuyện tôi dừng công việc kinh doanh của mình lại. Với việc kinh doanh áo dài, mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát, thậm chí đã có định hướng cho 5-10 năm nữa để thương hiệu vẫn phát triển. Phát triển ở đây không có nghĩa là tôi sẽ mở 5 hay 10 cửa hàng mà hàm ý là tôi định vị nó trở thành thương hiệu của một hoa hậu yêu văn hóa, muốn mang nét đẹp văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Tôi cho rằng nếu mình giữ cho mình đam mê, tinh thần hướng thiện thì những điều tốt sẽ không bao giờ tắt và không bao giờ có thể không thành công.
Nhưng trong khởi nghiệp, kinh doanh thì mỗi đam mê thôi đâu có đủ. Kinh doanh còn cần nhiều yếu tố khác, và người ta vẫn nói "kinh cung chi điểu" để ám chỉ là đã thất bại một lần thì sẽ sợ thất bại lần sau, chị từng thất bại và vẫn không ngại?
- Nói thật là bắt đầu từ khoảng năm 2016 cho tới nay, quãng thời gian này không quá dài nhưng cũng không quá ngắn để một thương hiệu tồn tại được. Tôi định hướng sẽ không mở rộng, tăng trưởng "nóng" nên việc duy trì việc kinh doanh không vấn đề gì.
Thật ra có nhiều anh chị cũng mở lời muốn mở thương hiệu của tôi ở các tỉnh thành khác nhưng tôi vẫn cân nhắc lắm, vì định hướng của tôi không phải là thương mại thuần túy mà là thương hiệu để mình phát triển đam mê, đóng góp cho cộng đồng thì ở mức vừa phải mình mới dễ kiểm soát được chất lượng. Chứ nếu mở rộng quy mô, đại lý thì là câu chuyện khác rồi. Hiện tôi chưa có định hướng như vậy, nên tôi rất tự tin với việc kinh doanh.
Hân nghĩ sao nếu có người nói khởi nghiệp như thế không phải là khởi nghiệp toàn diện, khởi nghiệp như thế là khởi nghiệp cho vui thôi?
- Tôi rất hiểu ý này. Thật ra tôi có quen nhiều anh chị cũng đang làm trong ngành thời trang, có nhiều hệ thống, nhiều cửa hàng. Có người chị thân thiết với tôi cũng từng chia sẻ là nếu chị ấy là tôi, chị ấy sẽ mở 5 hay 10 cửa hàng vì thương hiệu cũng tốt, mối quan hệ của tôi với người nổi tiếng quá tốt để làm thương hiệu… Nhưng mục đích của tôi khác mà.
Thật ra khi thương hiệu cá nhân của mình ngày càng phát triển thì đi cùng với đó thương hiệu kinh doanh của mình cũng sẽ phát triển theo. Một người đi trước từng chia sẻ với tôi rằng: khi bạn có danh thì bạn sẽ có tất cả, tiền khi đó là rất nhỏ thôi và càng trải nghiệm tôi càng thế điều đó đúng. Mình giữ cho mình được cái danh, hướng tới cộng đồng, lan tỏa giá trị tốt đẹp bằng sự lao động của mình thì sẽ được đáp trả những vị trí, thứ xứng đáng có được.
Tôi cũng là người thực tế. Với áo dài, tôi nhớ là ban đầu tôi chỉ dám thuê một cửa hàng rất nhỏ thôi trên gác của một căn nhà tại phố Hàng Chuối, sau đó mới chuyển tới Mai Hắc Đế và khi đó cửa hàng cũng chỉ khoảng 28 m2 thôi và cũng ở đó 3 năm trời. Tôi không nghĩ rằng mình là hoa hậu đi kinh doanh thì mình phải thuê một cửa hàng hoành tráng ngay lập tức. Tiền thuê cửa hàng ban đầu chỉ có 5 hay 7 triệu đồng gì đó thôi, đến cửa hàng thứ hai thì đâu đó khoảng 20 triệu đồng/tháng… Tôi đi từng bước rất là chậm nhưng lại chắc chắn. Giờ thì mọi thứ gần như đã đi vào guồng.
Chị chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp với từng bước đi chậm mà chắc, thì liệu đó có phải là lời khuyên dành cho bạn trẻ khởi nghiệp là phải thực tế lên, chứ đừng nhìn mọi thứ quá màu hồng?
- Chính xác. Vì thực ra ta thường hay nói phải liệu cơm gắp mắm. Tôi nhìn nhiều bạn trẻ khởi nghiệp họ có tài chính tốt từ gia đình, và họ ngay lập tức mở một công ty, thuê mặt bằng hoành tránh, thuê nhân viên… nhưng số ít thành công được vì may mắn, năng lực của họ có thể vượt qua được. Còn lại đa số không thành công và khi đó họ nản vì không có thu nhập, gia đình không giúp được nữa, khi không quản trị được công việc kinh doanh thì liên tục báo lỗ, mà số lỗ trong ngành thời trang thì khủng khiếp lắm… Bạn cứ tưởng tượng mỗi ngày mở mắt ra bao nhiêu tiền thuê cửa hàng, bao nhiêu tiền phải trả cho nhân viên, rồi chi phí vận hành thì con số lớn thế nào…
Nên từ kinh nghiệm tự có trong khởi nghiệp cũng như từ những chia sẻ của những người anh chị em rất thân thì tôi hiểu tôi phải tự xoay xở, cố gắng thu vén làm sao để quản trị rủi ro vì mình tự làm, có ai giúp và hỗ trợ đâu. Đó cũng là kinh nghiệm cho ai khởi nghiệp, là phải biết liệu cơm gắp mắm, biết người biết ta trăm trận trăm thắng.
Tức là từ ngày khởi nghiệp tới giờ, chưa bao giờ chị phải lấy tiền nhà?
- Chắc chắn rồi. Gia đình tôi không khá giả. Bố mẹ không khá giả để mà giúp đỡ con cái. Tất cả những gì tôi và em trai làm tới giờ đều là từ tiền mà hai chị em tích cóp, tự làm ra, cái này đổ vào cái kia. Bố mẹ tôi chỉ hỗ trợ, động viên tinh thần. Khi có thành quả thì chúng tôi đưa bố mẹ đi chơi, biếu bố mẹ món này món kia. Nói thật đâu đó mình cảm thấy vui lắm, còn nói đùa là con cảm thấy ghen tỵ với bố mẹ vì bố mẹ có những người con ưu tú như chúng con. (Cười). Vì đâu đó tôi cũng biết có nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp thì phải nhờ bố mẹ, thậm chí bố mẹ còn phải liên tục bù lỗ, trả nợ cho con cái. Bố mẹ tôi thì không phải làm thế.
Vậy từ những gì đã học được và được trải nghiệm, chị có lời khuyên gì với các bạn trẻ vì giờ không ít người trẻ khởi nghiệp vẫn nghĩ có phần đơn giản là chỉ cần có dự án, hút được vốn, chạy dự án… là xong?
- Thật ra tôi chưa bao giờ nghĩ khởi nghiệp màu hồng cả, tôi luôn nhìn mọi thứ rất thực tế. Nói thật là từ hồi bé tý tôi đã bắt đầu kinh doanh quần áo búp bê, tự bán sản phẩm mình may vá và khi ấy đã mường tượng được là kinh doanh có bao giờ là dễ dàng đâu. Tôi chỉ có lời khuyên là khi muốn khởi nghiệp hay có ý định kinh doanh một lĩnh vực gì thì trước tiên là đừng nghĩ đến việc tìm nguồn vốn đâu, vay vốn ở đâu mà hãy nghĩ rằng làm sao để mà có thực tế.
Ví dụ định làm thời trang thì hãy xin vào làm tại một công ty thời trang, để hiểu được rằng trong bộ máy như vậy thì mọi thứ vận hành ra làm sao, như thế nào. Hãy chịu khó cống hiến, chịu khó làm việc. Khi bạn làm việc chăm chỉ là lúc bạn học được nhiều. Chứ nếu như bạn nghĩ "ôi, mình giỏi thế này mình có điều kiện như thế này việc gì phải làm thuê cho ai hoặc đi làm thuê luôn có tâm lý đòi hỏi, sếp trả lương mình chưa xứng đáng", thì không ổn. Hãy bỏ qua những thứ đó đi.
Khi còn trẻ, các bạn hãy chăm chỉ lên, thậm chí hãy để người ta tận dụng mình, hãy để người ta "lợi dụng" mình vì đấy chính là cái lúc mà mình đang học được rất nhiều. Khi bạn học được một mô hình vận hành lúc ra khởi nghiệp bạn sẽ đỡ được rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của mình, của gia đình.
Bạn đừng ngại đi làm thuê, thậm chí hãy đi làm thuê ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, thậm chí là đi làm ko có lương nhưng bạn xin vào đúng lĩnh vực bạn thích mà bạn muốn được lăn xả, muốn được khởi nghiệp sau này thì bạn hãy xin vào, thậm chí làm những công việc vặt nhất để làm sao bạn tiếp cận được môi trường đấy và từ đó bạn có được cho mình những trải nghiệm, lăng kính thực tế công việc đó vận hành ra làm sao. Đó là điều cực kỳ tuyệt vời mà không phải trường lớp nào có thể dạy được bạn.
Chị có nghĩ mình may mắn?
- Chắc chắn rồi. Tôi luôn nghĩ mình may mắn và thậm chí tôi có cách để tạo ra những may mắn đến với mình nữa cơ. Và đâu đó là đôi khi trong một phút thảnh thơi nào đấy thì tôi hay tếu táo đùa với mọi người là có lẽ sau này khi về già tôi sẽ viết một cuốn sách là làm thế nào để tạo ra may mắn.
May mắn, thật ra, không tự dưng có hay hình thành, mà chúng ta có thể là người tạo ra may mắn cho chính mình. Không tự dưng mà may mắn từ trên trời rơi xuống, không tự dưng mình lại nhìn "ôi người ta may mắn thế, mà người ta có giỏi gì đâu". Tôi không bao giờ có cái tư duy như thế. Tôi luôn cho rằng mọi thứ đôi khi có số phận, có sắp đặt, nhưng bản thân tiếp xúc những người được cho là may mắn thì mình mới hiểu tại sao họ lại có những may mắn như vậy, nên mình mới tích lũy được cho mình những kinh nghiệm, thành công và biết cách là làm thế nào để tạo ra may mắn cho mình.
Đâu đó, người ta nói về luật nhân quả, khi mà cứ đi gieo nhân tốt, chân thành, chia sẻ với mọi người, giúp đỡ mọi người chân thành, không toan tính thì vô hình trung nhận được may mắn.
Khi tôi đi thi hoa hậu, tôi có phải cô gái xinh đẹp nhất đâu, cũng không phải giỏi giang nhất nhưng sao vẫn thành hoa hậu. Hay thời điểm bây giờ, tôi không phải người học giỏi nhất, thậm chí học rất dở, vẫn có thành quả nhất định. Tại sao tôi lại được đề đạc vào vị trí phó tổng giám đốc một công ty bất động sản hay nghỉ dưỡng, hoặc một công ty về tài chính. Rõ ràng mình không học về kinh tế tài chính vẫn được tin tưởng giao cho những nhiệm vụ đó, thì tôi nghĩ chỉ có một việc đó là bản thân tôi luôn học hỏi, biết cho đi, giúp người khác thì đâu đó cuộc sống sẽ trả lại cho bạn những cái xứng đáng nhận được.
Còn thành công, chị có nghĩ mình thành công?
- Thật ra thước đo thành công của mỗi người là khác nhau. Có người định nghĩa thành công phải là tôi có bao nhiêu tài sản, bao nhiêu bất động sản, thế nhưng mà với tôi thì đến thời điểm này, tôi cũng là một người thành công, mình biết cân bằng trong cuộc sống, luôn luôn tỏa ra những năng lượng tích cực.
Khi một ai đó gặp tôi thì cũng nói sao bạn lúc nào cũng trẻ hơn tuổi, lúc nào bạn cũng rất là vui vẻ. Tôi nghĩ đó cũng là thành công rồi.
Chị vừa nhắc tới tài sản, vậy chị có giàu?
- Thật ra, tôi nghĩ rằng quan trọng là chúng ta biết đủ: Có một ngôi nhà ấm áp để trở về, có những bữa ăn ngon lành bên cạnh người thân yêu, nói những câu chuyện vui vẻ hàng ngày trong cuộc sống. Tôi nghĩ như thế đã là mình giàu có rồi.
Hỏi thật là bên cạnh danh hiệu người đẹp thì chị có nghĩ chị là đại gia của chính mình hay không?
- Gọi là đại gia thì cũng chẳng hẳn. Nhưng nếu như mọi người biết Ngọc Hân thì sẽ biết Hân không se sua đồ hiệu, không quá quan trọng vật chất, cũng chẳng phải túyp thích nhà lầu xe hơi.
Cuộc sống của tôi, như mọi người thấy trên truyền thông, mạng xã hội thì đều là những gì rất gần gũi và tôi thấy tự bản thân có thể đáp ứng cho mình những nhu cầu đó. Như tôi nói đấy, tôi tự cảm thấy mình giàu có, giàu có trong cuộc sống tinh thần, vật chất mà mong muốn có thì mình đều tự đáp ứng được hay có những chuyến du lịch dành cho bố mẹ, người thân… Những giá trị này không có tiền thì đương nhiên không thể có được nhưng có người có nhiều tiền chưa chắc có được như tôi (cười).
Kinh doanh riêng, lại đang đảm nhiệm vị trí lãnh đạo một số doanh nghiệp, chị phân bổ thời gian như thế nào?
- Thật ra, chuyện phân bổ thời gian thỉnh thoảng cũng là bài toán khá đau đầu với tôi khi mà cùng một lúc ôm đồm quá là nhiều công việc như vậy mà vẫn phải dành thời gian cho gia đình. Đó cũng chính là một thử thách mà tôi phải thích nghi, vượt qua.
Tôi thích nghi khá tốt trong mọi hoàn cảnh, và khi gặp khó khăn như thế thì mới cảm thấy "à, thì ra mình cũng không tồi lắm, càng lúc càng biết sắp xếp thời gian để vừa có thể hoàn thành nhiệm vụ này, nhiệm vụ kia, thậm chí thứ này còn bổ trợ thứ kia".
Thật ra đó là câu chuyện rất là dài, nhưng khi tôi đã quyết định lựa chọn làm công việc gì đó thì cũng phải là những công việc rất liên quan đến những gì mình đang làm. Không phải tự nhiên doanh nghiệp lại giao cho mình những nhiệm vụ như thế, mà lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhìn cả quá trình của mình.
Liệu có phải vì Ngọc Hân là hoa hậu Ngọc Hân nên vị trí đó mới do chị đảm nhiệm?
- (Cười). Nói đi thì cũng phải nói lại tại sao trong số rất nhiều hoa hậu mà mọi người không chọn, không giao phó mà lại giao cho tôi thì rõ ràng là tôi cũng phải có giá trị, năng lực nào đó chứ. Tôi cũng rất tự tin về điều đó. Tất cả những gì tôi làm từ khi còn nhỏ, những mối quan hệ tôi đã tạo dựng, những kinh nghiệm tôi từng trải qua và những chương trình, công ty bất động sản, đối tác bất động sản tôi từng biết… tất cả những mối qua hệ đó đều là những tài sản, kiến thức, những trải nghiệm tôi có được để mà khi tiếp quản công việc này thì tôi tự tin là mình làm tốt.
Tôi tò mò là chị có quen biết ban lãnh đạo của doanh nghiệp bất động sản đó từ trước không?
- Thật ra tôi làm việc trong công ty khá lâu rồi và trước đó tôi cũng không biết lãnh đạo đâu. Đó là sự kết nối rất tình cờ, thông qua một người bạn học, khi bạn ấy muốn mời về làm công ty đó thì tôi cũng nhận lời đi gặp. Khi gặp thì mọi người cũng chia sẻ về công việc và khi đó tôi cũng lăn tăn liệu có đảm nhiệm được không. Nhưng mọi người động viên là cứ tự cho mình cơ hội đi, vì còn có thời gian thử việc.
Tôi cảm nhận là mọi người rất cởi mở, làm việc say mê và tôi nghĩ rằng đâu đó sẽ học hỏi được nhiều thứ. Bản thân tôi lại không ngại thử thách, va chạm nên đã tự cho mình cơ hội bắt đầu làm việc ở công ty. Và mọi thứ cứ thế, đồng hành đồng hành, chắc cũng phải làm việc được hơn 2 năm rồi và cho đến giờ thì tôi được giao thêm nhiệm vụ mới. Tôi cảm thấy hoàn toàn tự tin.
Bảo Anh