Tiền đạo xứ Nghệ 'bẻ kèo' Hà Nội T&T để gia nhập CLB Hà Nội hay sang Bồ Đào Nha, Nhật Bản thi đấu ngắn hạn.

v1-1474-1478322872.jpg

Công Vinh đang dành toàn bộ sự tập trung cho đội tuyển Việt Nam chuẩn bị dự AFF Cup 2016. Ảnh: Minh Khang.

Từ SLNA sang Hà Nội T&T

Năm 2008, Công Vinh chia tay đội bóng quê hương SLNA để đầu quân cho Hà Nội T&T với mức phí 8 tỷ đồng. Đây là mức phí chuyển nhượng kỷ lục của bóng đá Việt Nam vào thời điểm đó. Ngoài ra, Hà Nội T&T còn phải trả cho SLNA 500 triệu đồng chi phí đào tạo. Mức lương hàng tháng mà Công Vinh nhận được là khoảng 50 triệu đồng.

Đến Leixoes (Bồ Đào Nha)

Năm 2009, Lê Công Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở châu Âu khi ký hợp đồng ngắn hạn với CLB Leixoes SC ở giải vô địch Bồ Đào Nha. Anh được ra sân trong hai trận đấu chính thức của đội bóng này và ghi một bàn thắng ở mặt trận Cup quốc gia. Giới truyền thông cho rằng Công Vinh được sang Bồ Đào Nha chơi bóng là nhờ mối quan hệ tốt với HLV Henrique Calisto, người có cậu con trai Tiago làm nghề môi giới cầu thủ. Đây thực chất chỉ là một chuyến đi học việc của chân sút người Nghệ An.

Từ Hà Nội T&T sang CLB Hà Nội

Cuối mùa giải 2011, Công Vinh và Hà Nội T&T gặp bế tắc trong việc gia hạn hợp đồng. Chân sút xứ Nghệ là mục tiêu săn đón của hàng loạt CLB lớn ở V-League và một số đội bóng nước ngoài như Muang Thong United hay Slavia Prague. Tuy nhiên, sau cuộc gặp với bầu Hiển, Công Vinh bất ngờ tuyên bố sẽ ở lại Hà Nội T&T thêm ba năm. Chỉ ít ngày sau đó, cầu thủ này gây sốc hơn khi "lật kèo" với Hà Nội T&T để gia nhập CLB Hà Nội theo lời mời của bầu Kiên. Số tiền mà CLB Hà Nội phải chi ra để có được sự phục vụ của Công Vinh được cho là lên tới 13 tỷ đồng, kèm theo mức lương hơn 50 triệu đồng mỗi tháng.

Từ CLB Hà Nội sang SLNA

Năm 2012, CLB Hà Nội gặp khó khăn sau khi bầu Kiên vướng vào vòng lao lý. Công Vinh là mục tiêu săn đón của nhiều đội bóng và rất muốn được ra đi tìm bến đỗ mới. Tuy vậy, nếu phá vỡ hợp đồng còn thời hạn ba năm với CLB Hà Nội, chân sút xứ Nghệ sẽ phải đền bù số tiền lên tới 18 tỷ đồng nên chấp nhận ở lại.

Năm 2013, CLB Hà Nội không thi đấu ở V-League và cho phép các cầu thủ tự tìm đến đỗ mới. Bình Dương trả giá cao nhất với mức bồi thường hai tỷ đồng cho hai năm hợp đồng còn lại của Công Vinh với CLB Hà Nội. Ngoài ra, đội bóng đất Thủ sẵn sàng chi thêm ba tỷ nữa để gia hạn thêm một năm với tiền đạo xứ Nghệ, kèm mức lương 50 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, Công Vinh từ chối để trở về với SLNA với khoản tiền lương chỉ 500 triệu đồng mỗi mùa. 

Đến Consadole Sapporo (Nhật Bản)

Tháng 7/2013, Công Vinh được SLNA cho Consodale Sapporo mượn trong vòng 5 tháng để chơi tại giải J-League 2 của Nhật Bản. Số tiền mà đội bóng của Nhật chi ra để có được sự phục vụ của Công Vinh không dưới 60.000 USD. Tại CLB Sapporo, chân sút xứ Nghệ nhận mức lương đáng mơ ước với giới cầu thủ Việt, khoảng 150 triệu đồng mỗi tháng.

Công Vinh thi đấu cho Sapporo 9 trận và ghi được hai bàn thắng. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng thực chất bản hợp đồng đưa Công Vinh với Consadole Sapporo chỉ nhằm mục đích thương mại. Nhà tài trợ cho CLB Nhật Bản này muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam và Công Vinh chính là một lựa chọn phù hợp.

Chia tay Bình Dương

v2-2274-1478322872.jpg

Công Vinh không được trọng dụng ở Bình Dương trong hai mùa giải vừa qua. Ảnh: .

Ngay trước thềm AFF Cup 2016, Công Vinh trở thành tâm điểm chú ý xung quanh chuyện thanh lý hợp đồng với CLB Bình Dương. 

Trở lại Việt Nam sau khi chia tay Consodale Sapporo, tháng 10/2014 Công Vinh ký vào bản hợp đồng chuyển nhượng từ SLNA sang Bình Dương mức giá vào khoảng 7 tỷ đồng. Anh được đội bóng đất Thủ trả mức lương 40 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, trong hai mùa giải vừa qua, Công Vinh không được trọng dụng bởi các HLV của Bình Dương là ông Lê Thụy Hải và Nguyễn Thanh Sơn. Anh chỉ ra sân 28 trận và ghi được 7 bàn thắng.

Dù vẫn còn một năm hợp đồng, Công Vinh không còn nằm trong kế hoạch của Bình Dương ở mùa giải 2017 khi đội bóng này quyết định trẻ hóa lực lượng. Bên cạnh đó, "mối tình" giữa chân sút xứ Nghệ và Bình Dương cũng không được êm đẹp trong suốt hai năm qua. Công Vinh từng vướng vào những lùm xùm, gây bất hòa nội bộ như chuyện sang Thái Lan đóng quảng cáo khi chưa được ban lãnh đạo đồng ý hay phát ngôn liên quan tới chuyện Anh Đức xin rút lui khỏi đội tuyển Việt Nam.

Minh Khang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022