"Riêng ngày hôm nay tôi tốn 500k tiền taxi đi lại rồi. Vì nắng nóng, vì thò một cái chân ra ngoài là cảm giác như bị đốt cháy luôn"- là lời than thở của N.N - một nhân viên văn phòng đang sống ở TP.HCM. Và bây giờ mới hơn nửa tháng 4 trôi qua, tức là còn tận 4 - 5 tháng hè nắng nóng nữa đang chờ trước mắt.
Nhưng không chỉ có tiền taxi, nhiệt độ tăng kéo theo 1001 khoản "tiêu dùng mát mẻ" cũng tăng theo như tiền điện, đồ uống giải khát, chăm sóc sức khỏe,... Trong khi đó tiền lương vẫn đứng yên khiến việc cân đối chi tiêu trở thành bài toán nan giải. Làm thế nào để vừa giữ được sự thoải mái trong nắng nóng, vừa không bị rỗng ví hay tài khoản sạch nhẵn khi các khoản chi tăng vọt?
Tôi là nạn nhân của nắng nóng!
Quay lại câu chuyện của N.N, không chỉ tốn tiền đi taxi, các khoản chi khác cũng tăng lên hoặc đột ngột xuất hiện như tiền cạo gió massage do trời nóng.
"Bình thường tôi vẫn hay gọi xe ôm công nghệ. Đợt này bắt đầu nắng nóng, ngồi xe ngoài trời khoảng 15 - 20 phút rồi vào máy lạnh là tôi ốm liền luôn. Hôm trước tôi đi massage body hết 400k, ngày tiếp theo đi massage cổ vai gáy nữa vì đi nắng nên bị cảm nắng.
Nhìn chung nắng nóng thì dễ ốm, mà ốm là tôi sẽ không làm việc được, nghĩa là không có tiền nên tôi chấp nhận tốn từ đầu. So với chi tiêu tháng bình thường thì mùa nắng khiến các khoản chi của tôi tăng khoảng 20%. Tôi cũng không nghĩ nhiều vì không còn cách nào khác"- cô cho biết.

(Ảnh minh họa)
Thu Hà (32 tuổi, Hà Nội) lại lo ngay ngáy vì tiền điện mùa nắng nóng. Cô cho biết:"Vợ chồng tôi mới mua nhà nên thống nhất chi tiêu sinh hoạt dùng lương của tôi, lương chồng dùng để trả góp tiền nhà.
Lương cố định của tôi khoảng 15 triệu/tháng. Mùa đông tiền điện chỉ khoảng 700 - 800k nên cũng gắng vun vén chi tiêu nhưng mùa hè thì hóa đơn điện cứ phải vài triệu vì nhà có con nhỏ, điều hòa bật liên tục. Lương thì vẫn thế nên tôi cũng hơi áp lực, đang tính cắt bớt chi tiêu ở chỗ khác để bù vào".
Thực tế, câu chuyện của Thu Hà không phải cá biệt. Thống kê nhanh của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đăng tải vào ngày 15/4/2025, nắng nóng gay gắt dẫn đến nhu cầu sử dụng điện để làm mát tại TP.HCM từ đầu tháng 4 đến nay gia tăng, cao nhất từ đầu năm đến nay. Đơn vị này cũng cho rằng nắng nóng ở TP.HCM kéo dài suốt tháng 4 dẫn đến việc sử dụng máy lạnh ở mức cao nhất trong năm.
"Sinh tồn" giữa mùa nắng: Ai cũng phải lên kế sách
Khi các khoản chi vì nắng nóng tăng lên đáng kể, "ăn" mất một phần lớn trong thu nhập, người ta làm gì để cân bằng? Thật dễ để nói cắt tiền này tiền kia để bù vào nhưng lúc thực hiện lại không đơn giản, đòi hỏi sự linh hoạt và đôi khi là những đánh đổi nhỏ.
N.N cho biết không phải ngày nào cô cũng đi taxi hết 500k mà chỉ những ngày phải ra ngoài mới vậy. Bên cạnh đó, cô cũng tiết kiệm bằng cách đi xe ôm công nghệ vào buổi tối và trời mát.
Thu Hà chọn cáchcắt giảm những chi tiêu không cần thiếtnhư cà phê, đi ăn ngoài."Vào mùa nóng thì tôi chỉ đi cà phê với bạn bè 1 lần/ tháng. Số tiền tiết kiệm được khoảng 500k thì để dành đóng tiền điện. Cùng với đó, tôi cũng tạm gác các khoản chi như xem phim ngoài rạp, mua sắm quần áo hay ăn uống ở ngoài để ưu tiên các khoản thiết yếu.
Vợ chồng tôi đều có cùng quan điểm, cắt giảm chi tiêu cho giải trí hay ăn uống không có nghĩa là sống kham khổ mà là ưu tiên những gì quan trọng hơn".

(Ảnh minh họa)
Minh Tuấn (40 tuổi, TP.HCM) lại cho biết gia đình anhthay đổi thói quen sử dụng điện, thói quen tiêu dùng."Tôi đầu tư mua quạt hơi nước thay vì bật điều hòa cả ngày. Ban đêm, tôi thường đặt nhiệt độ máy lạnh ở 26 - 27°C thay vì 22°C và cài hẹn giờ tắt tự động, vừa tiết kiệm điện vừa tốt cho sức khỏe.
Vợ tôi chọn các loại thực phẩm mang tính mát, giúp cơ thể không bị nóng quá. Thay vì mua trà sữa hay nước giải khát, vợ tôi sẽ mua dưa hấu, dứa, táo,... Cô ấy cũng chuyển sang đi siêu thị vào buổi tối và giải thích rằng dù có ít lựa chọn hơn nhưng không phải chịu đựng cái nóng như thiêu đốt bên ngoài. Các siêu thị cũng có điều hòa và việc đi bộ ở đây cũng giúp tiêu hóa bữa tối".
Chưa có gia đình nên Minh Trang (27 tuổi, Hà Nội) chưa phải đối mặt với áp lực chi tiêu sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên vì tác động của nắng nóng, cô đã bảo vệ ví tiền và duy trì sức khỏe bằng cáchthay đổi nhịp sinh hoạt, giờ giấc đi làm.
"Tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm và về nhà khi đã muộn để chống chọi với cái nắng và ngăn ngừa sốc nhiệt. Công ty quy định 8h30 mới vào làm nhưng tôi thường có mặt từ 7h30, có thời gian ăn sáng, làm thêm việc này việc kia. Buổi tối, tôi rời văn phòng khi trời đã tối hẳn vì lúc đó mát hơn, đi ăn tối gần đó và về nhà"- Minh Trang nói.
Minh Trang còn chia sẻ thêm một bí kíp khác để tiết kiệm là đến những nơi công cộng nhưng có điều hòa như các trung tâm thương mại, thư viện,... Cô cho rằng có thể tận hưởng quãng thời gian mát mẻ tại đây song cần cân nhắc quá trình di chuyển và kiểm soát chi tiêu. Bởi nếu chỉ vì muốn tiết kiệm tiền điện ở nhà mà lại vào trung tâm thương mại mua sắm thả ga thì cũng vô ích.
Rõ ràng nắng nóng không chỉ thử thách sức chịu đựng của người ta mà còn là phép thử cho khả năng quản lý tài chính của mỗi gia đình. Khi tiền lương không tăng nhưng "tiêu dùng mát mẻ" lại tăng mạnh buộc chúng ta phải linh hoạt để có thể thích nghi như thay đổi thói quen sử dụng điện, cắt giảm chi tiêu không cần thiết,... Sinh tồn và sống tốt qua mùa nắng nóng này nhé!