"Tôi rất xấu hổ nhưng tôi không còn biết phải làm gì"
Hình ảnh người nước ngoài lớn tuổi đứng góc đường Võ Văn Kiệt - Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM) với tấm biển: “Không có công việc, giúp tiền mua thức ăn. Cảm ơn!” khiến nhiều người chạnh lòng.
Người ấy là ông J.D (53 tuổi, người Anh). Ông đến Việt Nam năm 2003, làm việc ở TP.HCM 6 năm rồi trở về nước. Năm 2015, ông quay lại Việt Nam tiếp tục công việc giáo viên Anh ngữ cho các trung tâm, nhưng dịch Covid-19 đã khiến ông khốn khó.
Hỏi về việc ra đường xin tiền, ông J. chia sẻ: “Tôi chỉ mới nảy ra ý nghĩ này vào cuối tuần trước khi tiền tiết kiệm đã cạn. Tôi ra đường đứng khoảng 2 tiếng. Một số người nhìn thấy tôi thì bỏ đi, một số dừng lại cho tôi 20.000 - 50.000 đồng. Có khoảng 200.000 đồng, tôi về nhà và đi siêu thị mua đồ ăn”.
Thầy giáo Tây bỏ qua sỉ diện để tồn tại Ảnh: Phong Lê |
“Lý do duy nhất khiến tôi làm được việc này là vì tôi đeo khẩu trang. Mọi người không nhận ra tôi là ai. Thật sự, tôi rất xấu hổ nhưng tôi không còn biết phải làm gì. Tôi phải sống”, ông J. ngậm ngùi nói.
Ông J. cho biết làm việc tại một đơn vị giáo dục tư nhân ở TP.HCM. Gần 3 tháng nay, ông không có bất kỳ thu nhập nào vì tất cả trường học, trung tâm ngoại ngữ đều phải đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với số tiền còn lại trong tài khoản, ông J. phải trả tiền visa, tiền thuê nhà nên không còn đủ để mua thực phẩm.
“Thu nhập giáo viên của tôi khoảng 20 triệu/tháng. Tôi trả tiền thuê nhà hết 6 triệu và phí visa 4 triệu/3 tháng. Nhưng bây giờ, tôi chỉ tiêu tiền chứ không kiếm được đồng nào. Tôi là giáo viên mà phải làm điều đó, nhưng thật sự là không có sự lựa chọn nào khác”, ông J. chia sẻ.
Muốn trở về quê hương
Ông J. kể thêm nhiều người bạn ngoại quốc của ông tại Việt Nam cũng đang vướng vào tình cảnh tương tự vì dịch Covid-19 nên ông không thể nhờ họ giúp đỡ. Ông tâm sự: “Những người bạn ở Anh có gửi tiền, giúp đỡ tôi nhưng hiện tại họ cũng gặp khó khăn. Mọi thứ bị phong tỏa để ngăn Covid-19 nên họ không thể gửi tiền liên tục cho tôi được”.
Từ thông tin của ông, ngày 12.4, một hiệu trưởng trường tiểu học ở TP.HCM xác nhận ông J.D có dạy ở trường học kỳ 1 vừa rồi. Trường giảng dạy chương trình tích hợp nên làm việc với một trung tâm Anh ngữ tư nhân. Do dịch, từ sau tết việc dạy học tạm ngừng.
Sau khi hình ảnh được chia sẻ, ông J. nhận được nhiều sự hỗ trợ Ảnh: Phong Lê |
Trong khi đó, đại diện trung tâm Anh ngữ mà ông J. cộng tác cho biết: “Thầy là giáo viên bán thời gian của trung tâm, còn hợp tác với bên nào khác không thì chúng tôi không nắm. Đây là hình thức dạy theo giờ, có thời khóa biểu thì đưa cho thầy và nhận lương theo tiết dạy. Với tình hình nghỉ vì dịch bệnh, thầy không có tiết dạy nên không có lương. Đây cũng là tình hình chung của các giáo viên bán thời gian tại đây”.
Người đại diện này cũng cho biết trung tâm có chính sách hỗ trợ giáo viên toàn thời gian, giáo viên cơ hữu; riêng trường hợp như thầy J., nếu biết được thông tin về hoàn cảnh sớm hơn thì cũng sẽ có biện pháp hỗ trợ. “Tôi cũng mong mạnh thường quân có thể hỗ trợ, giúp đỡ trường hợp của thầy J.”, ông này nói.
Được biết, ông J. không lập gia đình; cha mẹ ở Anh đều đã qua đời từ lâu. Em gái ông đã kết hôn cũng gặp khó khăn và còn phải lo cho gia đình. “Tôi muốn trở về quê hương nhưng điều kiện hiện tại tôi không thể trả tiền vé máy bay”, ông buồn bã nói và cho biết số tiền ông được người đi đường giúp đỡ đủ dùng để mua đồ hộp, mì gói và ít rau củ. “Hàng quán đóng cửa, trong người không có tiền, tôi phải chọn cách nấu ăn để tiết kiệm chi phí”, ông nói.