"Food tour Hải Phòng" nổi danh khắp cả nước với thiên đường ẩm thực phong phú, là điểm đến của rất nhiều khách du lịch mong muốn được trải nghiệm nét văn hóa đặc biệt thú vị này.
Hàng quán ăn vặt tại Hải Phòng nhiều và hấp dẫn đến mức, đôi khi chỉ trên một con đường nhỏ, bạn vẫn "no căng bụng" mà chẳng mất nhiều thời gian di chuyển hay tìm hiểu quán xá bởi đa phần quán nào ở đây cũng ngon.
Và có những quán không có trên "bản đồ food tour" nên khách du lịch không mấy khi biết đến, nhưng "thổ địa" nơi đây lại cực kỳ tâm đắc và thường xuyên ghé qua.
Nem chua Bà Cụ khu chợ Đổ (chợ Tam Bạc)
Tiệm nem chua Bà Cụ nằm ngay góc đường Quang Trung, lối rẽ vào khu bán đồ gia dụng, là một trong những địa chỉ ăn vặt "nức tiếng" mà bạn nhất định phải thử qua. Mặc dù không có tên trong danh sách "bản đồ food tour" nhưng quán nem chấm Bà Cụ rất được lòng "thổ địa" nơi đây.
(Nguồn: @eatwden, angiday).
Nếu như nem chua thông thường sẽ ăn cùng tương ớt thì món nem của bà cụ lại có nước chân chua chua ngọt ngọt để chan ăn cùng. Nem giòn, dai sần sật ngập trong chén nước chấm hoa quả, thêm ớt xắt trở thành món ăn vặt hút khách hơn 30 năm nay.
Quán chỉ bán duy nhất món nem chua này với giá 20.000VNĐ/phần, trước đây là một bà cụ tóc bạc phơ đứng bán hàng, giờ là các con của cụ. Một phần gồm hai cây dài bằng gang tay, thái lát vừa đủ đựng trong chiếc chén nhỏ. Sau đó chan ngập nước chấm, thêm chút ớt cay.
Quán nhỏ thôi nên mọi người đa phần là ngồi sát nhau, quây quần quanh rổ rau sống to gồm các đủ loại lá như lá mơ, đinh lăng..., tự nhặt loại lá yêu thích để ăn kèm.
Quán mở cửa từ 9 giờ đến 18 giờ mỗi ngày. Nếu muốn mua về làm quà, quán cũng đóng gói cẩn thận gồm nem, rau sống và cả nước chấm đầy đủ, với điều kiện bạn phải mua ít nhất 5 cây nem, và về nhà chỉ việc ăn thôi nên rất tiện.
Bánh đúc Tàu Cát Dài (159 Hai Bà Trưng)
Quán bánh đúc Tàu của bà Chuyền Hai Bà Trưng (người dân nơi đây thường gọi là Cát Dài) mở từ năm 1989, tức là đã có hơn 30 năm tuổi. Đây là một quán ngay vỉa hè nhưng không chiều nào là vắng khách. Thậm chí nếu bạn ra ăn tầm 4 - 5 giờ chiều có khi phải chờ một lúc mới có ghế ngồi.
(Nguồn: @bonafetit.rose).
Bánh đúc Tàu có phần bánh làm từ bột, trắng, mịn và khô, đanh hơn bánh đúc truyền thống của người Việt, vì hấp bằng khay gỗ; bên trên bánh có thêm đu đủ, tôm rang khô, thịt rang giòn. Khách ăn trong bát nhỏ bằng bát ăn cơm, chan thêm nước chấm chua ngọt, có nước cay và không cay để mọi người lựa chọn. Mỗi bát giá khoảng 15.000VNĐ.
(Nguồn: @tungbaland)
Món bánh đúc Tàu này có xuất xứ từ những người Trung Quốc, bà Chuyền có người cô ruột tên Hoa, làm dâu trong một gia đình gốc Trung Quốc tại Hải Phòng nên học được cách làm món bánh này.
Quán nằm trên vỉa hè nên rất đơn giản. Bà Chuyền ngồi sau khay bánh, xung quanh có để sẵn bát, thìa, mắm, lọ nước chấm. Khách đến ăn ngồi trên ghế nhựa nhỏ, tay bưng bát chứ cũng không có bàn, nên mọi người sẽ ngồi san sát nhau.
Cháo khoái
Khác với các món cháo truyền thống có màu trắng nguyên bản của gạo như cháo sườn, cháo trai... hoặc cùng lắm là màu đen của cháo đỗ đen, cháo khoái tại Hải Phòng gây ấn tượng bởi màu xanh đẹp mắt. Người bán dùng lá rau ngót tươi (hoặc lá nếp/lá dứa), rửa sạch rồi đem xay nhuyễn, vắt lấy nước cốt để nấu cháo nên món cháo khoái mới xanh ngắt một màu như vậy.
(Nguồn: @haiphongholic)
Một bát cháo khoái sẽ kèm theo một lớp đầu xanh xay nhuyễn phủ lên trên, rắc thêm chút hành khô là có thể thưởng thức. Phần cháo sánh mịn, đậm đà vị xương ninh, hòa quyện với vị bùi, béo của đỗ xanh và hành phi vàng ruộm khiến mọi người ăn một lần là nhớ mãi.
(Nguồn: @zzieff).
Bạn có thể bắt gặp các hàng cháo khoái tại các khu chợ như: Chợ Con (trên đường Hàng Kênh, quân Lê Chân), chợ Cột Đèn, chợ Cố Đạo, quán cô Nhiên 123 Đình Đông... thậm chí thỉnh thoảng còn có xe đẩy đi khắp các con phố để bán cháo.
(Nguồn: @anhngfood).
Trứng đánh kem: 64 Lý Thường Kiệt, Hồng Bàng
Trứng đánh kem không phải là một món ăn xa lạ nhưng ở Hải Phòng mọi người thường ăn kèm bánh mì và là một bữa ăn sáng được người dân ở đây thường xuyên lựa chọn. Trứng đánh kem ở Hải Phòng sẽ chỉ dùng lòng đỏ trứng, một ít lòng trắng, thêm đường và đánh cho thật bông lên, sau đó có thể ăn cùng bánh mì hoặc quẩy. Mỗi một cốc như vậy, kèm bánh mì chỉ khoảng 18.000VNĐ.
(Nguồn: @quankhonggo, @hoahauviahe).
Tại các góc phố ở Hải Phòng, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều những quán bánh mì ăn sáng có kèm trứng đánh kem như thế này. Quán bánh mì 64 Lý Thường Kiệt cũng là một địa chỉ ăn sáng mà "thổ địa" nơi đây chắc chắn sẽ chỉ cho bạn khi bắt đầu một ngày mới với hành trình khám phá ẩm thực Hải Phòng.
(Nguồn: @hanjiun_).
Bánh cuốn ninh xương Cát Cụt
Điểm đặc trưng cho món bánh cuốn tại Hải Phòng là các hàng sẽ dùng nước chấm ninh xương chứ không chỉ là mắm giấm tỏi như những nơi khác. Bánh được tráng bằng tay thành một lớp mỏng, khách gọi đến đâu tráng đến đấy, lúc nào cũng nóng hổi, mềm mướt, không bị bở bột. Phần nhân bánh là thịt và mộc nhĩ băm nhuyễn được xào thơm.
(Nguồn: @haiphongholic).
Bạn có thể thử qua quán bánh cuốn tại 108 Cát Cụt, và chính trên con đường này cũng không ít những hàng bánh cuốn chất lượng để mọi người có thể nếm thử. Tại quán này, ngoài đĩa bánh cuốn và bát nước mắm chấm thơm phức, ấm nóng, còn có thêm một bát xương ninh nhừ để bạn tha hồ nhâm nhi gặm nhấm. Phần xương ninh này được vớt ra từ chính nồi nước mắm chấm lúc nào cũng bốc khói khi ngút.
(Nguồn: @haiphongholic).
Nhờ có bát nước chấm ninh xương mà bánh cuốn ở Hải Phòng ăn sẽ luôn có vị ngậy, béo đặc trưng. Một đĩa cũng chỉ khoảng 20.000VNĐ nhưng cũng đảm bảo no bụng cho bữa tối, lấy sức để tiếp tục lượn lờ quán xá khám phá các món ăn tại nơi đây.