Cung Thiếu nhi Hà Nội, không chỉ là trái tim của những hoạt động giải trí và sáng tạo sinh hoạt ngoài nhà trường mà còn là ngôi nhà nuôi dưỡng những ước mơ và tài năng nghệ thuật cho nhiều lứa tuổi trẻ em thành phố. Trong khuôn khổ của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024, không gian của Cung Thiếu nhi đã được tái hiện thành một quần thể nghệ thuật và tổ hợp sáng tạo vô cùng độc đáo, nơi sẽ dự kiến diễn ra 41 hoạt động đa dạng từ sắp đặt công trình kiến trúc, trưng bày, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật đến trải nghiệm sáng tạo cộng đồng.

Hoạt động sáng tạo tại Cung Thiếu nhi Hà Nội: Kết nối hoài niệm, viễn kiến tương lai

Cung Thiếu nhi Hà Nội, một biểu tượng văn hóa và nghệ thuật, đồng thời là một kiệt tác kiến trúc, nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại với những công trình mang dấu ấn lịch sử Hà Nội qua từng thời kỳ. Là trung tâm đào tạo văn hóa nghệ thuật cho thế hệ trẻ Thủ đô, nơi đây giữ vững vai trò là một dấu ấn không gian độc đáo, nơi hòa quyện giữa sự tinh tế trong thiết kế của các tòa nhà kiến trúc Pháp từ thời kỳ thực dân đến toà nhà 6 tầng hiện đại, sáng tạo bởi kiến trúc sư Lê Văn Lân và đội ngũ của Viện Thiết kế công trình Hà Nội.

Tòa nhà Ấu Trĩ Viên và Xéc Tây mang đặc trưng kiến trúc Pháp, từng là nơi vui chơi của các gia đình giàu có, quan lại trong chính quyền thực dân trước năm 1945. Từ năm 1954, nơi đây trở thành CLB Thiếu niên và đến năm 1977, Cung Văn hoá Thiếu niên (tên cũ của Cung Thiếu nhi Hà Nội) kết nối hai khối tòa nhà bằng hành lang cong mềm mại nhưng vững chắc.

cung-thieu-nhi-ha-noi-1-17298258361531696515396-1729827820671-17298278225541714588040-1729829610775-17298296108651167716351.jpg

Không gian đặc trưng cho kiến trúc và ký ức cộng đồng một thời của Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, không gian này được biến hóa thành một tổ hợp sáng tạo, nơi chứa đựng các hoạt động nghệ thuật và văn hóa tràn đầy cảm hứng. Pavilion Hành lang Ấu trĩ - không gian kiến trúc mang tính biểu tượng kết nối những tuyến hành lang đã có, đã cũ trở thành biểu tượng của sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, không chỉ là nơi vui chơi mà còn là điểm tương tác, giao lưu và gợi mở sự sáng tạo giữa các thế hệ.

Tại cụm hoạt động ở Cung còn có các triển lãm, trưng bày như "Tầng chờ", "Không gian đập thở - Thời gian tăm tích", tác phẩm sắp đặt "Chiếc đồng hồ của ông tôi", các triển lãm "Di sản giáo dục", "Kiến tạo thế giới",… cùng các hoạt động cộng đồng như "Lắng nghe sâu", "Trạm Chơi", "Chuyển động cùng không gian", "Những khung dệt cửi" và workshop "Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến" hay "Khoa học sáng tạo STEM và Robot HUNA", workshop Trải nghiệm thiếu nhi dựa trên những tưởng tượng mang tính cổ tích "Kia rồi! Amadeus Dân Tân!",…

Đây cũng là cơ hội để tái ngộ với những ký ức xưa cũ và tạo nên những hoài niệm cho tương lai thông qua ba mạch chủ đề: Ký ức, di sản liên thế hệ và sự sáng tạo trong trò chơi.

Cung Thiếu nhi Hà Nội không chỉ là nơi chứng kiến sự phát triển của trẻ em mà còn là nguồn cảm hứng bất tận, một không gian sống động thu hút mọi lứa tuổi quay về với thế giới tưởng tượng đầy màu sắc của tuổi thơ, để từ đó xây dựng một tương lai tươi sáng và đầy ắp sự sáng tạo cho Thủ đô.

cung-thieu-nhi-ha-noi-6-1729825836148287581572-1729827861410-17298278615752055125273-1729829611333-1729829611451646594745.jpgcung-thieu-nhi-ha-noi-5-17298258361381247836818-1729827862463-17298278625781196335399-1729829611930-17298296140831951925194.jpg

Pavilion Hành lang Ấu trĩ sẽ là không gian vui chơi kết nối đa thế hệ, gợi mở tương tác sáng tạo.

Với các hoạt động đa dạng ở Cung Thiếu nhi trong Lễ hội, nhóm giám tuyển và các nghệ sĩ muốn tạo thành 1 đại triển lãm "Cung Thiếu Nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai" với 3 mạch chủ đề chính: (1) Cung Thiếu Nhi như một bài tập nhớ; (2) Di sản liên thế hệ; (3) Kiến tạo thế giới và sự chơi.

Điểm đặc biệt khác với không gian triển lãm ở những phiên bản trước của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, vốn được cải tạo từ các khu vực chức năng không còn được sử dụng, đại triển lãm tại Cung được thực hiện trong sự vận động của một cơ thể "sống", nơi không gian tự thân trở thành một chất liệu và cộng sự nghệ thuật thay vì là một nơi trưng bày các tác phẩm bất kỳ.

Và Cung Thiếu nhi, nơi ghi dấu và khẳng định niềm tin và tưởng tượng là một món quà, là một khả năng, và là nguồn sáng tạo mạnh mẽ không ngừng nghỉ của trẻ nhỏ, nhưng thường sẽ mất đi khi người ta trưởng thành, mất đi khả năng sáng tạo và thúc đẩy thế giới, làm thế giới người lớn trở nên đơn giản hơn, gò bó và bị giới hạn hơn.

Đó là lúc mà người lớn cần quay trở về sự tưởng tượng trẻ thơ của họ, lấy lại khả năng phiêu lưu, khả năng viễn kiến và xây dựng tương lai của thế giới, và từ đó truyền cảm hứng để có thể làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.

cung-thieu-nhi-ha-noi-4-17298258361352078050807-1729827823339-1729827823583445458175-1729829614541-17298296163531189824965.jpg

Cung Thiếu nhi Hà Nội qua Lễ hội 2024 được đề xuất trở thành không gian phục vụ sáng tạo, nghệ thuật mới của Thủ đô.

Kế thừa và tiếp nối ươm mầm sáng tạo hướng về tương lai

Trong năm thứ 4 của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, chúng ta lại được dịp trở về với "cánh chim đầu đàn" của giáo dục văn thể mỹ thiếu nhi, nơi từng định hình và nuôi dưỡng những tài năng sáng tạo mầm non của đất nước. Sự kiện quan trọng này không chỉ là lời tri ân đối với quá khứ mà còn là cam kết cho một tương lai mở đầy hứa hẹn.

Cung Thiếu nhi không chỉ là mảnh đất ký ức của nhiều thế hệ học sinh và là cái nôi cho nghệ thuật tương lai, mà còn tiếp tục là bệ phóng cho sự sáng tạo không ngừng. Qua sự lựa chọn tỉ mỉ của nhóm giám tuyển, những tác phẩm nghệ thuật từ quá khứ được hồi sinh, những dự án đang dở dang được hoàn thiện, tất cả nhằm kết nối cộng đồng, khơi gợi những suy tư và tạo dựng tương lai từ ký ức văn hoá.

Bên cạnh đó, những tên tuổi của những nhà sáng tạo trẻ với các dự án nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới cũng được lựa chọn để giới thiệu cho công chúng Thủ đô dịp Lễ hội 2024. Từ đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội trở thành một dự án nghệ thuật site-specific ("nghệ thuật tại chỗ"- tác phẩm nghệ thuật gắn với một địa điểm) đóng góp cho Lễ hội của thành phố, gồm các triển lãm trong và ngoài khuôn viên, chiếu phim, biểu diễn âm nhạc, trình diễn và đề án kiến trúc với chuỗi các chương trình vệ tinh.

cung-thieu-nhi-ha-noi-3-1729825836084924699949-1729827864343-17298278644451735881841-1729829616923-17298296185681496472222.jpgcung-thieu-nhi-ha-noi-2-17298258360691904599910-1729827865411-17298278657431141702513-1729829619152-17298296207942010312279.jpg

Những góc của Cung Thiếu nhi - ký ức cộng đồng của nhiều thế hệ học sinh và mầm non nghệ thuật - sẽ tiếp tục ươm mầm sáng tạo tương lai.

Thông qua việc chọn lựa, mời các nhóm nghệ sĩ tham gia, nhóm giám tuyển đã liên hệ với các nghệ sĩ, trao đổi để tạo ra một đại triển lãm với các hoạt động thực sự hướng đến và kết nối cộng đồng. Hoài niệm của Cung Thiếu nhi cũng chính là ký ức của rất nhiều người, đó chính là di sản văn hóa. Nhìn ngắm, lắng nghe và trải nghiệm triển lãm chính là chạm vào tài sản di sản vô hình ấy giúp khơi gợi ở người tham gia các suy nghĩ thấu đáo hơn về ký ức và liên hệ đến tương lai.

Ban Tổ chức Lễ hội hi vọng rằng mọi người, dù không am hiểu về nghệ thuật, cũng có thể thoải mái đến và trải nghiệm. Hãy dẫn con mình đến, cháu mình đến, vì khi ta quan sát trẻ con, ta sẽ có lại cảm thức tự do trong việc trải nghiệm thế giới xung quanh và có thể học theo, tự do cùng con trẻ. Và sẽ lại khai mở sự sáng tạo trong trẻo đó ở đây.

Kỳ vọng lớn lao của Ban Tổ chức là thông qua Lễ hội lần này, dự án Cung Thiếu nhi có thể mở ra một mô hình vận hành mới cho không gian nghệ thuật và sáng tạo, trở thành Cung Nghệ thuật và Sáng tạo tại Trung tâm Hà Nội. Hiện nay, Cung Thiếu nhi mới đã chuyển địa điểm xuống quận Nam Từ Liêm; vì vậy không gian, hạ tầng khu vực cũ phù hợp để có thể chuyển thành không gian phục vụ cho hoạt động sáng tạo. Bởi nơi này vừa giàu tính lịch sử, nhiều tiện ích, không gian rộng rãi, vị trí thuận lợi và đặc biệt có tính kế thừa.

Dù sẽ có những thách thức trong việc chuyển đổi không gian này thành một trung tâm sáng tạo mới, nhưng đó sẽ là dịp để thảo luận, hình thành các không gian văn hóa sáng tạo mới, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của không gian văn hóa sáng tạo chung của thành phố.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 chủ đề "Giao lộ Sáng tạo" sẽ diễn ra từ 09-17/11/2024 gồm 100+ hoạt động tại Tuyến chính xung quanh Quảng trường Cách mạng tháng 8 ở quận Hoàn Kiếm cùng các địa điểm hưởng ứng ở 30 quận, huyện thị.

Chi tiết các hoạt động và lịch trình sẽ được cập nhật trên các kênh truyền thông chính thức của Lễ hội.

Xin mời độc giả cùng chờ đón và xem thêm tại:

Website: https://www.lehoithietkesangtao.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/lehoithietkesangtaohn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022