Ê-kíp 2 bệnh viện thực hiện kỹ thuật thông tin cho thai nhi 32 tuần tuổi. Ảnh: BVCC. |
Thai phụ 28 tuổi, ở Đà Nẵng, được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) khi phát hiện thai có bất thường nặng về tim. Thai nhi bị dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải.
Ở tuần tuổi 32, nếu cho sinh ngay, em bé khả năng sẽ không sống được ngay khi vừa chào đời. Nếu không can thiệp bào thai ngay, em bé cũng có nguy cơ mất trong bụng mẹ.
Gia đình thai phụ nước mắt chực rào khi nghe tin dữ. Cả các y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng rối bời, bởi thông tim cho bào thai là kỹ thuật chưa được thực hiện tại Việt Nam trước đây.
Chiếc kim bé xíu và sự dũng cảm
Sau khi hội chẩn liên viện, bác sĩ của 2 bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 quyết định phương án cuối cùng là thông tim cho bào thai, thực hiện ngay khi nhận được sự đồng ý của thai phụ.
Bác sĩ Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ, đảm nhiệm trọng trách thông báo cho thai phụ. Bác sĩ Hương nhớ như in lúc bước vào phòng bệnh, nhìn gương mặt thai phụ tiều tụy, mất tinh thần khiến ai thấy cũng xót xa.
Nữ bác sĩ giải thích phương pháp điều trị, cũng cho chị biết đây là ca đầu tiên ở Việt Nam thực hiện kỹ thuật này, không tránh khỏi rủi ro. Chị đắn đo vài phút rồi gật đầu đồng ý, đặt trọn niềm tin vào bác sĩ.
"Chính sự quyết tâm và niềm tin của thai phụ, chúng tôi mới có dũng cảm bước vào trận chiến này", bác sĩ Hương cho biết.
Cả ê-kíp vào vị trí, chuẩn bị dụng cụ, máy móc thông tim cho thai nhi. TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng đơn vị can thiệp Tim, Bệnh viện Nhi đồng 1, phụ trách chính thực hiện kỹ thuật. Bác sĩ Tín được mệnh danh là "bàn tay vàng" trong giới can thiệp tim bẩm sinh.
"Đây là ca bệnh đầu tiên thực hiện kỹ thuật này, tôi không thể không lo lắng. Nhưng tôi buộc mình phải giữ vững tinh thần", bác sĩ Tín chia sẻ.
Chiếc kim bé xíu được bác sĩ khéo léo xuyên qua thành tử cung người mẹ, tiếp cận trái tim của thai nhi và thông tim cho bào thai. Ảnh: BVCC. |
Lúc 8 giờ sáng ngày 4/1, ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Từ Dũ phối hợp cùng ê-kíp thông tim can thiệp của Bệnh viện Nhi đồng 1 rà soát lại một lần nữa các phương án thực hiện kỹ thuật này trước khi triển khai.
Hơn một giờ sau, bác sĩ bắt đầu thao tác xuyên kim qua thành tử cung. Chiếc kim 18G được đưa vào buồng thất phải, lên thân động mạch phổi của thai nhi. Sau hàng loạt thao tác kết hợp bơm bóng áp lực, dòng máu chảy qua van động mạch phổi của thai nhi cuối cùng cũng được lưu thông.
Sau nhiều giờ căng thẳng, bước ra khỏi phòng mổ, cơ mặt của bác sĩ Tín và ê-kíp mới được giãn ra.
Sang ngày hôm sau, sức khoẻ của thai phụ ổn định, không có tai biến, chị đi lại và ăn uống bình thường. Điều lo lắng nhất của ê-kíp là thai phụ có dấu hiệu sinh non cũng đã không xảy ra.
Kỹ thuật lần đầu được thực hiện tại Việt Nam
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đánh giá đây là ca bệnh khó, kỹ thuật mới, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Ca bệnh đánh dấu bước ngoặc trong phát triển kỹ thuật can thiệp sớm cho thai nhi bị tim bẩm sinh.
Trong suốt quá trình thực hiện, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín, cho biết ê-kíp luôn chuẩn bị các rủi ro có thể xảy ra.
Bác sĩ Tín phân tích can thiệp tim cho trẻ sau sinh, khi em bé ở ngoài, bác sĩ có thể thấy được mạch máu. Tuy nhiên, việc can thiệp cho bào thai rất khó, bởi bé còn trong bụng mẹ, lắc lư qua lại, bác sĩ không nhìn được mạch máu. Nếu kim vô tình xuyên qua trúng mạch, sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi.
Thêm nữa, tim của thai nhi quá nhỏ, kích thước chỉ bằng quả dây tây, đòi hỏi bác sĩ luôn cẩn thận, tỉ mỉ khi thao tác.
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Từ Dũ thực hiện ca phẫu thuật được UBND TP.HCM khen thưởng nóng tại Hội nghị của Sở Y tế ngày 5/1. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Mặc dù có rủi ro, bác sĩ Tín cho rằng ca bệnh này rất cần được can thiệp, nếu để lâu, có khả năng trở thành thai lưu. May mắn hơn thì bé được sinh ra nhưng tim cũng hỏng, phải can thiệp nhiều kỹ thuật khác, tim để lại sẹo.
Do đó, thông tim ngay lúc thai nhi còn trong bụng mẹ, giúp em bé khoẻ mạnh khi chào đời. Thai nhi có tế bào gốc, nhờ vậy tim sẽ tự được sửa chữa, bệnh được cải thiện hơn.
"Can thiệp sửa tim cho bào thai thành công là bước phát triển lớn của ngành y, cho những bác sĩ tim mạch", bác sĩ Tín chia sẻ.
Nhóm trẻ bị bệnh tim bẩm sinh rất nhiều, nếu Việt Nam hoàn thiện và đẩy mạnh được kỹ thuật này sẽ cứu được nhiều em bé. Từ đó, giảm gánh nặng cho ngành y tế, tỷ lệ thai lưu cũng thấp đi.
Theo bác sĩ Tín, kỹ thuật thông tim cho bào thai được các nước phát triển thực hiện khoảng 10 năm trước, nhưng 5 năm trở lại đây, kỹ thuật này mới phát triển rộng rãi.
Trước đây, tại Việt Nam có nhiều ca bệnh tim bẩm sinh nhưng bác sĩ chưa dám can thiệp sớm. Đến ca bệnh này, các bác sĩ mạnh dạn thực hiện khi kỹ thuật, dụng cụ, máy móc đã chuẩn bị tốt.
Trong thời gian đến, hai bệnh viện sẽ tiếp tục hợp tác thực hiện kỹ thuật can thiệp trên các ca bệnh tương tự. Bác sĩ Tín mong muốn hoàn thiện tay nghề hơn nữa, khi vững vàng sẽ truyền lại cho thế hệ bác sĩ trẻ.
Bài hát lớn lên cùng con
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.