"Chúng tôi chờ đợi đám cưới này từ lâu. Dịch bệnh là điều ai cũng muốn chấm dứt, nhưng tình yêu thì không thể ngừng ngày nào nên hai đứa vẫn đồng lòng tổ chức", chàng tân lang Hoàng Nguyên, 28 tuổi, giải thích về "ngày chung đôi" đặc biệt của mình.
Chia sẻ với VnExpress, chú rể cho biết, đám cưới của họ đã được lên kế hoạch đầy đủ từ cách đây hai tháng. Theo đó, nhà trai sẽ từ Đắk Nông về nhà gái ở Vũng Tàu đón dâu rồi cả hai nhà cùng lên Sài Gòn, tổ chức tiệc cưới với 300 khách mời tại một nhà hàng vào 5/6.
Kể từ đám hỏi hồi đầu tháng 4, mọi thứ đã được hai nhà thống nhất và chuẩn bị xong xuôi. Gần đến ngày cưới thì dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố, kèm theo đó là các chỉ thị giãn cách.
Cô dâu Thủy Trang, điều dưỡng viên phòng mổ của bệnh viện Nguyễn Tri Phương tại quận 5 giải thích thêm: "Tôi làm việc trong bệnh viện, xung quanh là những bệnh nhân và nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm Covid-19. Vì vậy, tôi muốn giảm thiểu việc tụ tập đông người để tránh dịch bệnh".
Xem tin tức, thấy Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, cả hai vợ chồng cũng rất sốt ruột. Họ đã định hoãn đám cưới nhưng nghĩ, kể cả hoãn cũng không biết khi nào đám cưới mới có thể diễn ra. Hai vợ chồng quyết định tổ chức đúng ngày cho dù Bình Chánh - nơi cô dâu chú rể đang sống - bị phong tỏa, ba mẹ chú rể công tác ở Đắk Nông vì vướng dịch cũng không thể lên Sài Gòn. Họ chuẩn bị sẵn nhẫn và áo dài rồi mời người thân hai bên gia đình dự đám cưới trực tuyến.
Đám cưới đặc biệt của Hoàng Nguyên và Thủy Trang hôm 5/6 đã diễn ra với sự chứng kiến của một người duy nhất là cô em chồng Minh Thư - người được hai họ ủy thác phụ giúp anh chị trong ngày trọng đại.
Đám cưới của Hoàng Nguyên và Thủy Trang chỉ có một người trực tiếp chứng kiến, đó là Minh Thư, em gái chú rể. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Để tiện cho việc rước dâu, ngày hôm trước Trang rời phòng trọ của mình, đến nhà Nguyên ở để chuẩn bị. Cả ba người cùng dọn dẹp và trang trí nhà cửa, làm bánh mứt. Họ tự tạo phông cưới bằng cách đặt cắt chữ rồi tự dán lên tường. Sau năm tiếng loay hoay, chữ song hỉ, tên tuổi cô dâu chú rể, ngày tháng hôn lễ được dán ngay ngắn. Có điều, tường nhà bị bong tróc vài mảng sơn vì cả ba "thợ" đều chưa quen tay.
Thương chị dâu về nhà chồng chỉ có một mình, Minh Thư xung phong đảm nhận việc mua hoa rồi tự bó, đồng thời trang điểm cho cô dâu dù chưa có kinh nghiệm. Tối hôm trước, chị dâu em chồng còn ngắm nghía khắp nơi trong nhà, xem chỗ nào có góc chụp ảnh đẹp để hôm sau thực hành cho đỡ mất thời gian. Hai giờ sáng mới đi ngủ, họ nhắn mẹ Nguyên gọi dậy sớm để lễ cưới được tiến hành đúng giờ.
Sáng ra, cô dâu Thủy Trang rất bất ngờ khi cầu thang, phòng tân hôn, phòng khách được trang trí với nhiều bóng bay. Hóa ra, đêm hôm trước chú rể đã bí mật thức để bơm bóng, tạo bất ngờ cho vợ. Việc trang điểm của cô dâu chỉ gói gọn trong 45 phút.
Đúng 7h sáng, Nguyên trong bộ vest chú rể, háo hức lên phòng đón dâu. "Về phòng thôi em ơi", chàng kỹ sư IT nói gượng gạo khiến cả ba cùng phá lên cười.
Cô dâu được em chồng trang điểm và chuẩn bị bó hoa cưới trong ngày trọng đại của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tấm ảnh đầu tiên Minh Thư chụp cho anh chị trong đám cưới, cả cô dâu chú rể đều không mang giày "vì vội quá". Họ dắt nhau xuống dưới nhà thắp hương trước bàn thờ.
Màn rước dâu từ tầng trên xuống tầng dưới diễn ra trong 5 phút. Toàn bộ lễ cưới được cô em chồng phát trực tiếp để hai bên nội ngoại chứng kiến và chúc mừng. Tất cả đều rất khác biệt với những gì đôi bạn trẻ hình dung về ngày trọng đại nhất cuộc đời.
Minh Thư kể: "Gia đình hai bên đều thấy thương anh chị nên chỉ im lặng theo dõi. Sau cùng mọi người hẹn gặp nhau vào một bữa tiệc gặp mặt ấm cúng trong tương lai, khi dịch bệnh được kiểm soát". Cô cho hay, dù vắng mặt cả nhà trai và nhà gái nhưng nhiều ngày trước gia đình hai bên thường xuyên liên lạc động viên nên cô dâu cũng đỡ tủi thân.
Đám cưới online của cặp đôi cũng có một số trục trặc nhỏ. Vì tín hiệu mạng không ổn định nên có lúc nghe được tiếng thì không thấy mặt người còn người nhìn thấy mặt lại chẳng nghe được tiếng. Khi cả hai trao nhẫn cưới, vì cuống nên chú rể đeo nhầm tay cho cô dâu khiến mọi người chứng kiến lại bật cười.
Không phải típ người ưa thích những câu ngôn tình, nhưng lúc trao nhẫn, Nguyên dõng dạc nói với đại gia đình rằng, anh muốn đeo nhẫn cưới cho Trang để cô được "quang minh chính đại bước vào nhà chồng, và cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc".
Bà Minh Nguyệt, mẹ chú rể cho biết, sau lễ ăn hỏi cả hai gia đình đều mong chờ đến ngày thành hôn của hai con nhưng không ngờ dịch bệnh lại bùng phát. Bà nhớ như in ngày con trai gọi điện, xin được tổ chức đám cưới online: "Chúng con muốn được về chung một nhà chăm sóc nhau giữa mùa dịch bệnh", Nguyên nói với mẹ.
Người mẹ động viên con: "Chỉ mong hai con nắm tay nhau đi hết cuộc đời. Đám cưới dù lớn hay nhỏ cùng chung một ý nghĩa là hạnh phúc".
Lễ ăn hỏi của Thủy Trang và Hoàng Nguyên được tổ chức đầu tháng 4 vừa qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đám cưới kết thúc sau màn trao nhẫn và trò chuyện với gia đình hai bên qua màn hình điện thoại. Hôm đó, hai vợ chồng dành một ngày trọn vẹn bên nhau. Họ thổi bóng thật to rồi chọc cho nổ giả làm tiếng pháo, chơi với chú cún và chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Ngày hôm sau, Trang tiếp tục quay lại bệnh viện với công việc, còn Nguyên bận bịu với công việc lập trình của mình.
Khi chia sẻ câu chuyện về đám cưới online của mình lên trang cá nhân, Trang và Nguyên nhận được rất nhiều lời chúc phúc nhưng cũng có người "trách móc" cặp đôi hơi vội vàng nên làm đám cưới "đơn giản như một trò đùa". "Vợ chồng tôi hủy đám cưới rình rang để chấp hành nghiêm chỉnh quy định của nhà nước, giảm thiểu dịch bệnh", cô gái quê Vũng Tàu khẳng định.
Trang và Nguyên vẫn mong chờ đợt bùng phát thứ 4 này nhanh được khống chế để an tâm về ra mắt gia đình hai bên, khi cả hai đã có thân phận mới.
Hải Hiền