Song-may-bai-3330-1670837353.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VLnHIqhM2uGuAzNsBlue3Q

Mây sóng Kelvin-Helmholtz trên bầu trời Wyoming hôm 6/12. Ảnh: Rachel Gordon

Người dân ở bang Wyoming, Mỹ, chứng kiến những sóng mây khổng lồ lơ lửng phía trên dãy núi Bighorn hôm 6/12. "Khung cảnh thật đặc biệt và tôi lập tức biết rằng mình cần chụp lại", Rachel Gordon, người dân địa phương, chia sẻ. Đám mây thậm chí đủ lớn để xuất hiện trong ảnh chụp của các vệ tinh thời tiết ngoài không gian.

Nhà khí tượng Matt Taylor tại BBC nhận xét, ảnh chụp của Rachel Gordon nằm trong số những bức ảnh ấn tượng nhất về mây sóng Kelvin-Helmholtz mà ông từng thấy. Loại mây này hình thành do sự bất ổn định Kelvin-Helmholtz, xảy ra khi luồng khí phía trên di chuyển nhanh hơn luồng khí bên dưới. Trong các điều kiện thích hợp, hiện tượng này có thể kéo lớp trên cùng của một đám mây lên cao, tạo thành các đỉnh giống như sóng cuộn.

"Một vẻ đẹp của mây Kelvin-Helmholtz là chúng thực sự thể hiện tính lưu động của khí quyển. Chúng cho thấy khí quyển, giống như những cơn sóng ngoài đại dương, chuyển động và phản ứng với môi trường xung quanh như thế nào. Không khí bay lên và tự lộn nhào xuống", Taylor giải thích.

Mây sóng được đặt tên theo tên Lord Kelvin và Hermann von Helmholtz, hai nhà khoa học nghiên cứu về hiện tượng này. Mây Kelvin-Helmholtz có thể chính là nguồn cảm hứng để họa sĩ Van Gogh vẽ bức tranh nổi tiếng Starry Night.

Thu Thảo (Theo Washington Post, Futurism)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022