VNE-Moon-1735099247-9294-1735099297.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9kMQceldZ5keWjAbQBDpyw

Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Ảnh: CNN

Tương tự Trái Đất, Mặt Trăng hình tròn, có bề mặt rắn và nhiều đá. Nhưng Mặt Trăng có phải hành tinh hay không? Về lý thuyết, câu trả lời không theo NASA và Liên đoàn Thiên văn học Quốc tế (IAU), một tổ chức toàn cầu về thiên văn học. IAU cho biết một vật thể cần đáp ứng 4 tiêu chí. Thiên thể đó phải đủ lớn để lực hấp dẫn kéo nó thành hình tròn hoàn hảo và có thể xóa sổ mọi tiểu hành tinh cũng như rác vũ trụ khỏi quỹ đạo của nó. Nó cũng cần quay quanh Mặt Trời và không phải vệ tinh của vật thể khác.

Định nghĩa của IAU về một hành tinh được chốt vào năm 2006 nhưng trong giới nghiên cứu không phải luôn thống nhất. Ví dụ, người Hy Lạp cổ đại cho rằng Mặt Trăng là hành tinh. Ngay cả ngày nay, định nghĩa của IAU vẫn gây tranh cãi.

"Liệu Mặt Trăng có phải hành tinh hay không thực sự phụ thuộc vào người bạn hỏi", Skylar Grayson, nhà thiên văn học ở Đại học Arizona, cho biết. "Một số nhà khoa học hành tinh muốn cân nhắc những định nghĩa khác nhau về hành tinh, vài cách định nghĩa bao gồm cả sao Diêm Vương và các hành tinh lùn, số khác thậm chí bao gồm cả Mặt Trăng".

Một định nghĩa thay thế khác đến từ các nhà địa vật lý. Theo đó, hành tinh là bất cứ thứ gì có khối lượng đủ để tạo thành hình tròn nhưng cũng đủ nhỏ để không thể sản sinh năng lượng từ phản ứng nhiệt hạch ở bất kỳ thời điểm nào trong đời. Nửa đầu định nghĩa phân biệt hành tinh với vật thể nhỏ hơn như tiểu hành tinh, còn nửa sau phân biệt hành tinh với ngôi sao. Theo định nghĩa này, Trái Đất là hành tinh, cả Mặt Trăng và sao Diêm Vương cũng vậy.

Phần lớn mọi người nghĩ tới Mặt Trăng như thiên thể nhỏ hơn hành tinh, đặc biệt là hành tinh có quỹ đạo. Nhưng điều đó cũng khá phức tạp. Mặt Trăng khá lớn, có kích thước bằng 1/4 Trái Đất. Trong khi đó, mặt trăng lớn nhất của sao Diêm Vương là Charon lớn bằng 1/2 kích thước của nó, đủ lớn để có thể coi đây là một hành tinh nhị phân. Bên ngoài hệ Mặt Trời, giới thiên văn học còn tìm thấy một mặt trăng lớn bằng sao Hải Vương quay quanh hành tinh lớn ngang sao Mộc cách Trái Đất 8.000 năm ánh sáng.

Định nghĩa của IAU là định nghĩa được chấp nhận rộng rãi nhất và chỉ ra Mặt Trăng không phải hành tinh. Tuy nhiên, theo Grayson, tính mơ hồ xung quanh việc xác định đâu là một hành tinh cho thấy rất khó để định nghĩa thuật ngữ trong thiên văn học.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022