Giun C. elegans dưới ống kính hiển vi. Ảnh: Wikipedia
Khi các nhà khoa học đoạt giải Nobel Y sinh hoặc Hóa học, họ thường cảm ơn gia đình và đồng nghiệp, có thể là trường đại học hoặc bất cứ ai tài trợ cho nghiên cứu của họ. Năm nay, khi nhà sinh vật học phân tử Gary Ruvkun nhận giải thưởng danh giá nhất trong sự nghiệp, ông đã dành vài phút khen ngợi đối tượng thí nghiệm: một lùi giun tròn nhỏ có tên khoa học Caenorhabditis elegans.
Đây không phải lần đầu tiên C. elegans được cảm ơn nhờ hỗ trợ nghiên cứu đoạt giải. Giải thưởng của tiến sĩ Ruvkun thực chất là giải Nobel thứ 4 dành cho nghiên cứu về C. elegans, củng cố vai trò to lớn của loài giun tròn này trong phát hiện khoa học. Những con giun tròn dài một milimet đã giúp giới khoa học tìm hiểu cách tế bào khỏe mạnh được chỉ đạo để tự hủy và cách quá trình trở nên bất ổn ở bệnh AIDS, đột quỵ và bệnh thoái hóa. Đó là chủ đề của nghiên cứu đoạt giải Nobel Y sinh năm 2002.
Các học giả tự nhận là "người giun" được hội đồng Nobel năm 2006 ghi nhận nhờ phát hiện sự câm lặng gene, nền tảng cho một lớp thuốc hoàn toàn mới. Hai năm sau, giải Nobel Hóa học được trao cho các nhà khoa học sử dụng giun tròn để phát minh "đèn lồng" tế bào cho phép giới sinh vật học quan sát cơ chế hoạt động bên trong tế bào.
Mỗi lần nhận giải, học giả đều cảm ơn C. elegans vì đóng góp của chúng, dù phát biểu nổi tiếng nhất có lẽ đến từ Sydney Brenner. "Không nghi ngờ gì, nhân vật thứ tư đoạt giải Nobel năm nay là Caenorhabditis elegans", ông chia sẻ trong một bài giảng ở Stockholm. "Nó xứng đáng với mọi sự tôn vinh, nhưng tất nhiên nó sẽ không thể chia sẻ tiền thưởng". Tiến sĩ Brenner thường được cho là che đẻ của nghiên cứu về C. elegans. Ông góp phần khiến C. elegans trở nên phổ biến ở các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, sau khi dành gần một thập kỷ săn tìm mô hình nghiên cứu hoàn hảo.
C. elegans được đặt theo từ "thanh nhã" trong tiếng Latinh bởi cách chúng di chuyển theo hình sóng uốn lượn. Một trong những đặc điểm nổi bật của loài giun này là tính đơn giản, cho phép nhà khoa học kiểm tra các giả thuyết về khái niệm sinh học cơ bản trong mô hình dễ hiểu. Giun tròn C. elegans chỉ có 959 tế bào, một con số dễ xử lý so với hàng nghìn tỷ tế bào ở người.
Số phận của mỗi tế bào rất dễ theo dõi bởi giun C. elegans trở nên trong suốt dưới ánh đèn của kính hiển vi và trải qua mọi giai đoạn phát triển chỉ trong 3 ngày. Chúng là động vật đầu tiên có hệ gene được giải mã hoàn toàn vào năm 1998, vài năm trước khi các nhà khoa học có thể làm điều tương tự với ruồi và chuột. Giun C. elegans cũng không đắt đỏ, dễ lưu trữ và tự sinh sản. Giun cái có tinh trùng hoạt động, cho phép chúng tự thụ tinh.
Tiến sĩ Kimble thừa nhận phần lớn thành công của nghiên cứu đến từ thực tế các nhà khoa học làm việc với giun tròn thường chia sẻ tài nguyên và hợp tác. Tiến sĩ Ruvkun ở Trường Y Harvard và người đồng nhận giải với ông là Victor Ambros, giáo sư y học phân tử ở Trường Y UMass Chan, chia sẻ phát hiện với nhau, cho phép họ xâu chuỗi cơ chế của microARN. Nếu không, nghiên cứu đoạt giải của họ có thể bị trì trệ nhiều năm, thậm chí nhiều thế kỷ.
An Khang (Theo Stringer Nature)