18-sao-7189-1644637296.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=j0udwNrfLM2RLAisYxVQzA

Kính viễn vọng James Webb chụp ảnh ngôi sao HD 84406 trong chòm Ursa Major. Ảnh: NASA

Hai tháng sau khi phóng lên không gian vào dịp Giáng sinh năm ngoái, kính viễn vọng James Webb đã gửi về những bức ảnh đầu tiên. Hôm 11/2, NASA công bố ảnh chụp của kính viễn vọng này về về HD 84406, ngôi sao trong chòm sao Ursa Major (Đại Hùng), và cả một bức ảnh tự sướng.

Các hình ảnh mới được ghi lại bởi Camera Cận Hồng ngoại (NIRCam) của James Webb. Trong ảnh chụp HD 84406, ngôi sao xuất hiện 18 lần qua tầm nhìn của 18 mảnh gương tạo nên gương chính của kính viễn vọng. Các nhà thiên văn sẽ dành vài tháng tới để căn chỉnh từng mảnh gương cho đến khi 18 đốm sáng này trở thành một ngôi sao duy nhất.

"Toàn bộ nhóm James Webb vô cùng phấn khích khi thấy những bước đầu tiên để chụp ảnh và căn chỉnh kính viễn vọng tiến triển tốt như thế nào. Chúng tôi rất mừng khi thấy ánh sáng truyền vào NIRCam", Marcia Rieke, giáo sư thiên văn tại Đại học Arizona, trưởng nhóm phụ trách NIRCam, chia sẻ.

Bức ảnh tự sướng được chụp bằng một ống kính đặc biệt bên trong NIRCam có thể chụp gương chính thay vì những thứ James Webb nhìn thấy ngoài vũ trụ. Ống kính này chủ yếu dùng cho mục đích kỹ thuật và căn chỉnh, theo Lee Feinberg, chuyên gia tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA. Vì vậy, bức ảnh tự sướng là một "phần thưởng thêm" khiến các nhà khoa học thích thú.

Selfie-2582-1644637296.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zGNyvwwlaCZl5VD9-gWZvg

Gương chính của James Webb trong ảnh tự sướng. Ảnh: NASA

James Webb là nỗ lực chung của NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) suốt 25 năm và cần tới khoảng 10 tỷ USD để chế tạo. Siêu kính viễn vọng này được đặt tên theo một cựu chuyên gia NASA và là thiết bị kế nhiệm của kính viễn vọng không gian Hubble.

James Webb được thiết kế để nghiên cứu vũ trụ khi mới hình thành khoảng 200 triệu năm, khi những ngôi sao và thiên hà sớm nhất chỉ vừa xuất hiện từ tàn tích của vụ nổ Big Bang. Nó cũng sẽ nghiên cứu bí mật của hố đen và tìm hiểu các ngoại hành tinh quay quanh những ngôi sao gần Mặt Trời để phát hiện dấu hiệu về sự sống hoặc điều kiện phù hợp cho sự sống.

Để đạt những mục tiêu này, thiết bị của James Webb được thiết kế rất nhạy với bức xạ hồng ngoại hay "nhiệt". Vì sóng ánh sáng từ các vật thể xa xôi như vậy bị kéo giãn trong một vũ trụ đang giãn nở, chúng chỉ có thể được ghi nhận trong các bước sóng điện từ dài hơn bước sóng mà mắt người hay cảm biến bình thường có thể nhìn thấy.

James Webb đang hoạt động cách Trái Đất khoảng 1,6 triệu km. Quỹ đạo của kính viễn vọng sẽ giữ cho nó thẳng hàng Trái Đất khi Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Sự sắp xếp này bảo vệ kính viễn vọng khỏi nhiệt phát ra từ Mặt Trời, Trái Đất, thậm chí cả Mặt Trăng. Ngoài ra, nó cũng được bảo vệ bởi một tấm chắn nhiệt 5 lớp.

Nếu các bức ảnh trông hơi mờ thì đây là điều có thể dự đoán được, nhóm phụ trách James Webb cho biết. Kính viễn vọng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, dự kiến bắt đầu thu thập dữ liệu và thực hiện các quan sát khoa học vào mùa hè năm nay.

Thu Thảo (Theo New York Times)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022