Nếu chia 14 ca khúc đơn ca do Anh Thơ thể hiện ra làm hai mảng: ca khúc mới và ca khúc cũ, tương ứng với “màu thị thành” và “màu thôn quê” thì khán giả vẫn yêu cô thôn nữ Anh Thơ hơn qua những bài hát quen thuộc như: Trở về dòng sông tuổi thơ, Mẹ yêu con, Đi trong hương Tràm, Hồ trên núi, Tháng tư về, Xa khơi, Tàu anh qua núi…
Có thể nói, Anh Thơ đã vẽ nên một bức tranh quê đa vùng miền bằng những nét vẽ chân thật nhất của âm nhạc. Cái không gian quê trong âm nhạc của Anh Thơ không chỉ là những ký ức phồn hậu của tuổi thơ với cánh đồng, dòng sông, con đò, tiếng ru… mà còn là những giai điệu dân gian ứng với từng cảm xúc cụ thể.
Tối qua, Anh Thơ “biến hoá” với rất nhiều màu sắc dân gian khác nhau. Lúc là một người mẹ miền Bắc ngọt ngào với điệu ru à ơi (Mẹ yêu con), lúc lại là một cô gái trẻ mãnh liệt với niềm tin và tình yêu khi đi trong rừng tràm xứ U Minh (Đi trong hương Tràm), khi lại là một cô gái không định danh vùng miền mơ màng với “mùi vị” của tháng Tư (Tháng Tư về), lúc là một cô gái miền biển yêu thiết tha cảnh sắc quê hương (Xa khơi) và khi lại là một cô gái duyên dáng với chiếc khăn Piêu và điệu múa quạt (Chiếc khăn Piêu)...
Nhiều người vẫn nghĩ, khi hát những ca khúc đã quá quen thuộc người nghệ sỹ sẽ bị chai cứng cảm xúc. Thế nhưng với Anh Thơ, điều này lại hoàn toàn khác. Càng hát lại những ca khúc quen thuộc người ta lại thấy chị dường như được sinh ra là để hát những ca khúc đó. Những ca khúc không chỉ đòi hỏi những cảm xúc chân thân mà còn đòi hỏi cả những kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện và cách xử lý âm nhạc tinh tế.
Có lẽ vì thế mà ở phần giữa chương trình, khi MC Trịnh Lê Anh ra thông báo là chương trình lần này Anh Thơ sẽ không hát Khúc hát sông quê và Xa khơi thì nhiều khán giả ở phía dưới ồ lên không chịu. Khi được MC Trịnh Lê Anh hỏi khán giả mong muốn Anh Thơ hát những ca khúc gì nhất thì hàng chục người đều hô lên Xa khơi, Khúc hát sông quê…
Nhưng khi Anh Thơ cất lời hát lại ca khúc Xa khơi, ca khúc đã đóng đinh với tên tuổi của chị thì cả khán phòng như lặng im. Cái cách Anh Thơ phiêu với những nốt cao, luyến láy ở những chuyển đoạn, điệp khúc… chẳng ai có thể bắt chước kịp. Bởi đó là những đoạn mà phải chắc kỹ thuật và dày cảm xúc lắm người ta mới có thể thể hiện tròn trịa được đến thế.
Có người nhận xét, chọn Tàu anh qua núi để kết thúc liveshow, Anh Thơ như gieo vào từng khán giả những nỗi “thèm khát” mơ hồ bởi khi chị tuyên bố kết thúc chương trình nhiều người vẫn ngồi yên vị thòm thèm muốn nghe tiếp. Giai điệu rộn ràng của một ca khúc về chủ đề tình yêu mang âm hưởng dân gian khiến người ta như trẻ lại trong tình yêu của những năm tháng đã qua và chỉ muốn âm nhạc cứ mãi bất tận...
Chỉ hơi tiếc một điều, chọn Tình ca, một ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sỹ Phạm Duy để mở đầu cho chương trình dù rất ý nghĩa nhưng Anh Thơ lại chưa thể hiện được hết “chất” của Phạm Duy. Phân nửa bài hát ở phần đầu được biên tập hơi lộn xộn, không rõ ràng về chủ đề khiến mạch cảm xúc của cái “tình” trong đêm nhạc bị đứt đoạn, không liền mạch.
Thêm vào đó, phần biểu diễn của Anh Thơ với ca sỹ Quang Linh qua 4 ca khúc: Gặp nhau giữa rừng mơ, Tình ca trên lúa, Ô kìa, đời bỗng vui dù được xem là mang đến màu sắc mới cho đêm nhạc nhưng nhân vật khách mời hơi bị mờ. Cách kết hợp có vẻ như vẫn chưa thực sự khớp nhau về mặt cảm xúc. Đôi chỗ, Anh Thơ vẫn lướt Quang Linh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Quang Linh với ca khúc solo Ca dao em và tôi cùng những lời chia sẻ đầy hài hước và dí dỏm đã khiến chương trình bớt đơn điệu. Bởi Anh Thơ vốn không khéo ăn khéo nói nên cứ lên sân khấu là hát liền một mạch, câu chị có thể nói là : “Anh Thơ xin cám ơn quý vị” sau mỗi bài hát, không hơn không kém.
Một điểm trừ của đêm nhạc nữa đó là clip để minh hoạ cho bài hát vẫn chưa có sự đầu tư, nếu không muốn nói là hơi cẩu thả. Hình ảnh đôi khi không ăn nhập với bài hát hoặc không có tính thẩm mỹ.
Hà Tùng Long