"Hai năm nay nhà tôi êm ấm hẳn nhờ chiêu này", anh Thành, lập trình viên một công ty công nghệ ở Cầu Giấy, Hà Nội kể.

Anh cho biết, hai vợ chồng anh đều nóng tính nên trước đây rất hay cãi nhau. Mỗi lần bất hòa, cả vợ và chồng đều sừng cổ, văng vào mặt nhau đủ thứ lời chua cay. Sau một cuộc chiến khiến cả hai tổn thương nặng nề, cả tháng không nói với nhau câu nào, vợ chồng anh mới ngồi lại bàn nhau tìm cách để tình trạng này không xảy ra nữa.

"Từ đó, cứ khi nào thấy sắp có xung đột thì mình ra xách túi rác, vợ lấy ví giúi cho 50.000 đồng, thế là mình đi đổ rác xong thì ngồi trà đá nửa tiếng cho hạ hỏa rồi về. Khi ấy thường cả hai đều đã nguội hẳn và không còn muốn gây gổ nữa", anh Thành chia sẻ. 

cai-nhau-4690-1474414793-8277-1487316659

Ảnh minh họa: Baylor.edu

Sau 10 năm chung sống, vợ chồng chị Nhi (Gia Lâm, Hà Nội) lại rút ra được chiêu giảm bớt thương tích khi tranh cãi là dùng tin nhắn hay nói chuyện qua điện thoại (bằng các ứng dụng cuộc gọi miễn phí). 

"Lúc ấy mà đối mặt với nhau thì chỉ khiến lửa giận càng bốc nên tốt nhất là tách xa ra. Những bức xúc giữ trong lòng cũng không được nên cứ phải nói ra nhưng qua trung gian khác là chiếc điện thoại", chị Nhi kể. 

Theo lời chị, khi hai vợ chồng chuẩn bị lao vào cuộc chiến là anh xã sẽ chủ động rút êm về phòng khác. Sau đó, nếu chuyện nhỏ thì chị sẽ nhắn tin nói hết bực bội, còn chuyện to hơn hay bức xúc hơn thì cả hai gọi điện cho nhau, dù đang ở cùng một nhà.

"Có hôm hai đứa hai phòng nhắn tin qua lại cãi nhau hết cả đêm, gần sáng mình ngủ thiếp đi, thức dậy thấy ông xã đã nằm cạnh vòng tay ôm rồi", chị nói. 

Nhà anh Điệp (Ba Đình, Hà Nội) thì đặt ra một nguyên tắc là: Cãi nhau phải xưng anh - em để vợ chồng không vượt quá giới hạn hay dùng những từ ngữ làm tổn thương nhau. 

Anh Điệp kể, vợ chồng anh bằng tuổi, trước học cùng lớp nên bình thường có thể gọi nhí nhố như 'ê cu', 'mẹ mướp', 'cậu', 'tớ', thậm chí trước đây có lần cãi nhau còn xưng 'mày', 'tao'. Nhưng sau lần đó, cả hai đều cảm thấy những từ này khiến họ hầu như quên mất mình đang là vợ chồng, đánh mất hết cả sự tôn trọng dành cho nhau.

"Bây giờ thì cãi nhau kiểu gì cũng phải 'anh' - 'em' đường hoàng. Cứ nghe vợ ngọt nhạt 'Em bảo này' là biết sắp có chuyện và phải sẵn sàng tranh luận nhưng là trên cơ sở có thiện chí chứ không phải hai đứa tranh giành phần thắng", anh Điệp kể.

Thấy mình luôn là người khổ sở sau những lần cãi nhau với chồng bởi ông xã vô tâm, có khi ngáy o o trong khi vợ còn thổn thức, chị Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) đã tìm ra cách để dập tắt trận tranh cãi trước khi nó nổ ra.

"Cứ khi nào thấy mâu thuẫn lên cao là mình im lặng và tìm cớ đi ra ngoài, có khi chỉ là xách xe máy đi lòng vòng, ăn kem một mình, ghé mấy cửa hàng quần áo hoặc chui vào rạp chiếu phim xem... Khi cơn cáu giận xẹp xuống thì mới về nhà. Lúc đó, chồng có khi vẫn còn cáu nhưng mình đã bình tĩnh rồi, biết cái gì nên nói cái gì không nên anh xã cũng chẳng có cớ gì gây gổ nữa", chị Hòa kể.

Chị cho biết, cũng từ khi thay đổi theo chiều hướng này, anh xã có vẻ cũng hạn chế cãi nhau hơn. "Không biết do ảnh hưởng từ sự đằm tính của mình hay do chồng xót ruột vì vợ tiêu tốn kém sau mỗi lần cãi vã", chị Hòa đùa vui.

Anh Bình, lái xe cho một công ty về du lịch ở Hà Nội thì chia sẻ, chiêu duy nhất anh dùng suốt 10 năm nay để xoa dịu vợ là "xông vào ôm". "Cái này mình nói với cô ấy từ hồi yêu cơ và cứ thế thực hiện thôi. Vợ chồng chín bỏ làm mười, tức giận với nhau làm gì. Tất nhiên có mâu thuẫn thì vẫn phải tìm cách nói cho nhau hiểu và dung hòa nhưng cũng không cần cao lời, chỉ trích", anh thổ lộ.

Theo anh, chính sự nhún này khiến người vợ càng nể trọng chồng hơn chứ không hề "nhờn mặt" như nhiều nam giới vẫn tưởng. 

Theo chuyên gia tâm lý Hà Khanh, Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, khi mâu thuẫn với nhau, nếu vợ chồng tìm được cách để kiềm chế nóng giận, hạ bớt cái tôi, biết lắng nghe "nửa kia" nói... thì sẽ tránh gây sứt mẻ và giữ gìn sự tôn trọng dành cho nhau. Những khúc mắc xảy ra trong gia đình không nên né tránh nhưng cả hai chọn lúc thích hợp và dùng lời lẽ tế nhị để bày tỏ ý kiến của mình thì không những dễ tìm ra được cách giải quyết, lại còn khiến hôn nhân bền chặt hơn.

Vương Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022