Đây là một trong những nội dung nằm trong tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên 2024 vừa được Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố.

Theo đó, Hội đồng quản trị nhà băng trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 tỷ lệ 15%, tính trên số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức. Nhà băng dự kiến dành hơn 5.283 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến hết 2023 để chia cổ tức tiền mặt.

Sau một thập kỷ giữ mức tăng trưởng lợi nhuận gần 40% mỗi năm, Techcombank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế trong 3 năm gần nhất đạt trên 3 tỷ USD. Do đó, theo ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank, việc thay đổi chính sách chi trả cổ tức dựa trên đánh giá về tiềm năng lợi nhuận, tình hình vốn và những dự báo về thay đổi chính sách.

"Với những nền tảng hiện có, ngân hàng có thể thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 20% mỗi năm cũng như các tỷ lệ an toàn như chiến lược đề ra", lãnh đạo ngân hàng nói. .

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Techcombank cũng lưu ý, quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Đại hội đồng cổ đông, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 20/4 tới.

Chia sẻ về thông tin Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm, giới phân tích đánh giá, điều không chỉ thể hiện sự tự tin của ban lãnh đạo về nền tảng vốn cũng như dòng tiền của ngân hàng mà còn có thể trở thành "chất xúc tác" hỗ trợ cho giá cổ phiếu.

z5290560956280-3924d98d92f86f9-7827-4593-1711549180.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=K1OBdjBWo4l6HOVzzlAk4Q

Hội sở Techcombank tại Hà Nội. Ảnh: Techcombank

Ngoài tờ trình chi tiết về phương án chia cổ tức, Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ thông qua việc phát hành cổ phiếu tỷ lệ 100% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu TCB có tên trong danh sách tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm tương ứng 100 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ gồm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần trên báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán. Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn dự kiến hoàn thành trong năm nay hoặc cho đến khi Techcombank hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đây là một sự thay đổi lớn của Techcombank sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn, phát triển kinh doanh. Theo lãnh đạo nhà băng, điều này sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá.

z5290579656420-749998e7e1aa2e5-4760-2363-1711549180.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zWm03aInvisOzbOaYKGm4A

Khách hàng được tư vấn về các sản phẩm dịch vụ trong hệ sinh thái của Techcombank. Ảnh: Techcombank

Theo báo cáo phân tích mới nhất của Chứng khoán Yuanta, mức định giá P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) 2024E của TCB chỉ 0,8x so với mức trung vị ngành là 1,0x. Con số này được xem là khá hấp dẫn nhờ việc giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt lần đầu tiên kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Lũy kế cả năm 2023, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 22.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch 22.000 tỷ được đại hội cổ đông thông qua vào tháng 4/2023. Kết quả kinh doanh 2023 của Techcombank, theo lãnh đạo nhà băng, thể hiện khả năng nắm bắt tình hình và dự báo sát diễn biến thị trường, cùng năng lực triển khai đúng kế hoạch đề ra của nhà băng.

Thảo Vân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022