Mới đây một chủ nhà 42 tuổi ở TP Hải Dương gọi điện "cầu cứu" kiến trúc sư Trịnh Hải Long sửa nhà giúp mình. Kiến trúc sư Long cho biết, ngôi nhà 3 tầng, diện tích mặt bằng 60m2. Chủ nhà thuê một công ty chuyên thi công và công ty cũng lên một bản vẽ để xây dựng, nhưng anh không có chuyên môn nên không phát hiện lỗi, khi thành hình thì đã muộn.

Đến thị sát ngôi nhà, anh Long phát hiện nhà rất nhiều lỗi. Về mặt tổng quan: Ngôi nhà thiết kế công năng rất kém, không có cửa bố trí ánh sáng và thông gió. Về thẩm mỹ, các không gian trong nhà không có liên kết, ngồi trong nhà cũng không có cảm giác thư giãn. Nhà xây kiểu cũ, chỗ bị thiếu, chỗ bị thừa, chẳng hạn:

Tầng 1: Chỗ để xe máy và giày dép chung với phòng khách. Các góc bố trí thừa thiếu, không dùng được, như xe máy dài khoảng 2m thì được bố trí chỗ để chỉ 1,5 m.

Kiến trúc sư đã tư vấn chủ nhà chấp nhận giảm bớt diện tích phòng khách, dành một khoảng trước nhà để xe và giày, hạ cốt xuống.

Tầng 2: Phòng ngủ cũ khiến gia chủ không biết sẽ kê giường, tủ ở đâu vì "kê đâu cũng dở", trong đó nhà vệ sinh chắn hết 1/2 mặt tiền phòng ngủ, gây mất mỹ quan và chắn hết ánh sáng của phòng.

photo-0-1544408187349268854827.jpg

Kiến trúc sư đã sửa lại phòng ngủ tầng hai cho gia chủ khắc phục các nhược điểm trước đó. Ảnh: Trịnh Hải Long.

Kiến trúc sư đã điều chỉnh một chút cầu thang, vị trí cửa, để có thể can thiệp được một phần vào phòng ngủ, đồng thời bố trí lại nhà vệ sinh, tủ âm tường. Sau sửa, gia đình còn có một góc ngồi chơi, đọc sách ở bên cửa sổ.

Phòng bếp và cầu thang: Thiết kế kiểu cũ, nhiều chỗ không hợp lý, tối, gây khó khăn cho nấu nướng.

Tuy nhiên cầu thang không sửa được. Kiến trúc sư chỉ bố trí lại cửa và vị trí bếp để sử dụng được thuận tiện hơn, đảm bảo được dây công năng: Tủ lạnh - chậu rửa - bếp nấu - bàn soạn thức ăn và bố trí thêm một vị trí chế biến đồ tươi sống.

Làm thêm giếng trời: Nhà không có giếng trời nên rất tối. Kiến trúc sư đã thay đổi một chút trên vị trí hố thang để làm giếng trời, làm mái kính lấy sáng. Đục thêm cửa sổ, cũng như thay đổi vị trí cửa sổ hướng ra hố thang để đảm bảo thông gió, lấy sáng.

Toilet: Thiết kế theo kiểu cũ, ngoài cùng là chậu rửa, trong cùng là bồn cầu, ở giữa là nơi đứng tắm.

Sau sửa, toilet được bố trí lại từ chậu rửa, bồn cầu đến vòi hoa sen. Khu vực tắm có vách kính, giữ được sự ấm áp và ngăn nước từ buồng tắm chảy ra nhà.

photo-1-1544408187351429761718.jpg

Trong hình, phương án phòng tắm bố trí theo cách cũ (trái) và phương án bố trí lại, có vách tắm kính, đảm bảo khu vực tắm ấm áp và ngăn nước từ buồng tắm chảy ra (phải). Ảnh: Trịnh Hải Long.

Ngoài các nhược điểm này, ngôi nhà còn nhiều trục trặc nhỏ khác.Vì nhà đã thành hình, gia chủ cũng không thể phá đi xây lại được, cho nên phương án khắc phục chỉ cố gắng giải quyết được phần nào, chứ không thể triệt để.

Kiến trúc sư Long chia sẻ thêm, anh từng gặp trường hợp một chủ nhà ở nông thôn xây kiểu tự phát, lúc đầu thì tính xây một căn nhà vườn để ở, nhưng khi xây được một nửa thì lại cơi nới, cuối cùng nhà không khác gì... một cái xưởng. Chi phí xây dựng hết cỡ 700 triệu đồng, nhưng ở thì nóng vì các hướng nhà không đón được gió mát. Nếu được quy hoạch tốt, số tiền này có thể làm được một căn nhà vườn diện tích sàn 150 m2, cây cối thoáng mát.

photo-2-1544408187353436561282.png

Một góc phòng ngủ của gia đình Hải Dương được thiết kế lại. Ảnh: Trịnh Hải Long.

Theo anh Long, chi phí có thiết kế kiến trúc chỉ chiếm khoảng 3-5% tổng chi phí xây dựng ngôi nhà, nhưng là công đoạn quan trọng nhất, các gia đình không nên bỏ qua.

"Thời gian thiết kế và hoàn thành một bản vẽ trung bình hết tối thiểu 60 ngày. Nếu gấp hơn chắc chắn bản vẽ sẽ không đảm bảo được chất lượng. Chủ nhà cần lên kế hoạch xây nhà và cho kiến trúc sư thời gian càng nhiều càng tốt", kiến trúc sư Long khuyên.

Theo Phan Dương

VnExpress

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022