Là tỉnh miền núi, Bắc Kạn từ đầu năm 2024 đến nay, đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu như lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, mạng người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chủ trương, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế, đảm bảo an toàn cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị chưa đảm bảo an toàn theo chỉ đạo, trong đó phải nhắc đến nhà máy luyện chì và khai thác, chế biến đá thạch anh (nhà máy luyện chì) ở thôn Bằng Lãng (xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) do Công ty TNHH Anh Vũ thuê, mua (mua từ ngân hàng bán phát mại) lại của một đơn vị để khai thác.
Cụ thể, theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe và Đời sống, trong quá trình hoạt động bên trong nhà máy luyện chì nêu trên, hằng ngày, có máy xúc múc đất từ một ao (dưới chân các nhà xưởng) lên xe ô tô tải lớn và chở đất lên một khu đồi đổ.
Toàn cảnh khu đổ bùn thải của nhà máy luyện chì ở Thượng Quan, Ngân Sơn.
Khu vực đổ đất nằm trên trục đường giao thông liên xã, bên dưới có nhiều hộ dân thôn Bằng Lãng, xã Thượng Quan sinh sống. Điều này tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao ảnh hưởng đến tính mạng. Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực đổ bùn thải rộng vài nghìn m2, khối lượng ước tính cả nghìn m3.
Ông Hoàng Văn C (thôn Bằng Lãng, xã Thượng Quan) cho biết, những năm trước đó, khu đất đồi có nhiều lõm sâu nhưng sau một thời gian nhà máy hoạt động, đổ đất thì đã bằng phẳng lên. Việc đổ bùn thải diễn ra hằng ngày, không đổ vị trí này sẽ chuyển vị trí khác.
"Những năm trước, do trời mưa nhiều ngày, đất bị trôi đi, chúng tôi đi lấy củi thì phát hiện khu đổ thải lộ ra nhiều bao tải bên trong đựng thứ gì màu đen. Lúc đó, cả thôn lo sợ không biết trong bao tải có chất gì và thông báo với cơ quan chức năng" - ông C kể lại trong quá trình dẫn PV đến nơi phát hiện các bao tải có chất lạ màu đen.
Một góc của địa điểm đổ bùn thải.
Khi dẫn chúng tôi đi ghi nhận ở cạnh nhà máy luyện chì, người dân thông tin, các điểm đổ thải khi trời mưa đất, đá trôi xuống một con suối tưới tiêu của dân ở dưới chân đồi. Những người dân ở đây lo lắng thời gian kéo dài sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, người dân thôn Bằng Lãng cũng lo sợ việc đổ bùn thải hằng ngày sẽ cao dần lên, tạo thành các "núi" đất gây nguy hiểm nếu trời mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Bởi lẽ, nền đất từ bùn thải còn mới dễ sạt lở, nếu xảy ra sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo thống kê của UBND tỉnh Bắc Kạn, tinh đến ngày 24/9/2024, trên địa bàn tỉnh này đã có 7 người chết do sạt lở đất làm sập nhà tại địa bàn huyện Pác Nặm và Ngân Sơn.
Xe ô tô tải chở bùn thải lên đổ được PV ghi nhận lại.
Đáng chú ý, chính tại huyện Ngân Sơn đã xảy ra sự việc sạt lở đất khiến 3 người tử vong thương tâm. Nơi xảy ra vụ tai nạn cách xã Thượng Quan không xa. Cụ thể, khoảng 12h đêm 21/5, tại thôn Phiêng Pục, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn xảy ra vụ sạt lở đất gây vùi lấp 03 người. Khi sự việc đau lòng diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo.
Chưa hết, khoảng 1h sáng, ngày 18/6/2024 tại thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cũng đã xảy ra sạt lở đất vùi lấp toàn bộ một căn nhà. Sự việc khiến 4 người bị vùi lấp và được xác định tử vong thương tâm.
Ngay sau khi liên tiếp xảy ra các vụ việc sạt lở nghiêm trọng, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo kiểm tra những địa điểm có nguy cơ sạt, trường hợp phát hiện có nguy cơ phải có biện pháp khắc phục. Thế nhưng, không hiểu vì sao nhà máy luyện chì ở Thượng Quan, Ngân Sơn vẫn đổ bùn thải tràn lan khiến người dân thấp thỏm, lo âu. Việc đổ bùn thải diễn ra triền miên sẽ đầy lên, tạo thành "quả bom" nổ chậm, đe dọa tính mạng người dân dưới chân đồi.
Người dân lo lắng về sức khỏe, tính mạng nếu xảy ra sạt lở bùn thải khi mua lớn kéo dài.
Việc đổ bùn thải nêu trên, tại buổi trao đổi thông tin với PV vào ngày 11/10/2024, ông Nguyễn Văn Minh - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi tường xác nhận, tại vị trí đổ bùn thải, trước đó Sở đã cấm và xử phạt đối với Na Rì Hamico (chủ cũ nhà máy luyện chì).
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Năm - Bí thư chi bộ thôn Bằng Lãng chia sẻ, nguồn nước của người dân trong thôn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi nhà máy luyện chì đi vào hoạt động. Minh chứng rõ nhất, công trình hệ thống nước sạch được Nhà nước đầu tư đồng bộ tới nay người dân không dám sử dụng do ô nhiễm. Hiện nay, trong thôn còn có một nguồn nước khác (con suối của thôn) nhưng việc đổ bùn thải tràn lan, mưa lớn bùn trôi xuống đã gây ảnh hưởng hệ sinh thái.
Đáng nói, để trao đổi thông tin khách quan, đa chiều vào giữa tháng 8/2024, PV liên hệ với đại diện doanh nghiệp để hỏi về các giấy tờ pháp lý, phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường..., thế nhưng không hiểu lý do gì vị chủ nhà máy lại văng lời tục tĩu, xưng hô không chuẩn mực và dọa chém người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và quyền lợi cho người dân, thiết nghĩ UBND tỉnh Bắc Kạn cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với nhà máy luyện chì và khai thác, chế biến đá thạch anh của Công ty TNHH Anh Vũ.
Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin.