Mất hơn 3 tiếng đồng hồ luồn rừng, leo núi, tôi đã lên được nơi ở 115 người dân thôn Kho Vàng (Cốc Lầu, Bắc Hà, Lào Cai) hạ trại ở tạm. Họ đã để lại mọi hiểm nguy ở phía sau, nơi bản làng của họ đã bị lũ quét san phẳng chỉ mới mấy hôm trước đây.

Nơi đó, nếu họ không nhanh chóng chạy lên đây, giờ này nhiều người trong số họ có thể đã không còn cơ hội sống sót. May mắn là họ đã lên được nơi an toàn này, để nghĩ cách ngày mai trở lại nơi đổ nát của mình bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Họ sẽ biết ơn Ma Seo Chứ, chàng trai đã cứu họ nhiều lắm.

l1-10584680-1726299439750-1726299440000570528393.jpg

Khu lán trại 115 người dân thôn Kho Vàng lập trên núi để tránh sạt lở.

Đứng trước chàng trai trưởng thôn, tôi chợt nghĩ ngay đến Danko. Và bất giác tôi nhìn vào ngực trái anh. Phải chăng trong đó, trái tim anh chính là trái tim chàng trai Danko rực cháy đã đưa dân làng mình từ rừng sâu đầy hiểm nguy về nơi có ánh sáng sự sống.

Lẽ dĩ nhiên, so sánh của tôi chỉ mang tính ước lệ. Nhưng từ lời kể của bà lão Izergin trên bờ biển trong truyện ngắn cùng tên của Marxim Gorky, cũng là dân làng trong rừng sâu ngày đêm tăm tối đang gặp hiểm nguy, chàng trai Danko đã đứng lên lãnh trọng trách đưa họ tới nơi có ánh sáng của sự sống. Nhiều người đã không tin anh, và anh đã xé toang lồng ngực giơ cao trái tim rực cháy của mình đưa dân làng thoát khỏi bóng tối rừng sâu.

Ma Seo Chứ, bằng ngọn lửa yêu thương dân làng rực cháy, cũng phải vận động từng gia đình nhanh chóng theo anh lên núi cao an toàn để tránh ngọn núi đang chực chờ sụp xuống san phẳng nơi đang sinh sống.

“Khoảng 8h sáng, chúng tôi phát hiện vết sạt lở khoảng 20cm, liền huy động nhau đi chặt cây vầu về khu vực an toàn để dựng lán, sử dụng những tấm bạt có sẵn để che chắn, đưa bà con lên đó ở tạm, tránh trú một thời gian.

Chúng tôi chạy đua với thời gian bởi biết rằng quả đồi phía sau có thể sạt, đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Từ lúc phát hiện đến khi mọi người an toàn đến nơi lán trại chỉ khoảng 8 tiếng đồng hồ.

Đến 16h cùng ngày, tất cả 115 người dân đã đến nơi an toàn. Không ngờ sau khi mọi người lên đến nơi, ngày hôm sau quả đồi phía sau sạt lở xuống đúng khu thôn làng ở" , anh Ma Seo Chứ (1991) trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, Bắc Hà, Lào Cai) kể về quyết định táo bạo nhất cuộc đời mình.

l2-10584753-1726299440533-1726299440608444171274.jpg

Anh Ma Seo Chứ - Trưởng thôn Kho Vàng.

Chiều 13/9, vừa tất bật nhận đồ cứu trợ, phân phát cho người dân, anh Ma Seo Chứ (1991) trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, Bắc Hà, Lào Cai) mới có chút thời gian để trò chuyện với phóng viên Báo điện tử VTC News.

Anh Chứ đánh giá đó quyết định táo bạo nhất cuộc đời của mình, phải chạy đua với thời gian đưa 115 người dân của mình đi tránh lũ, thoát chết thần kỳ.

Chia sẻ với phóng viên VTC News, ông Nguyễn Quốc Nghi - Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà cũng đánh giá rất cao hành động táo bạo, kịp thời của vị trưởng thôn Kho Vàng – Ma Seo Chứ.

“Trưởng thôn Ma Seo Chứ rất tích cực và nhanh nhạy, theo chỉ đạo đã tìm hiểu, đưa người dân về nơi an toàn để tránh sụt lở” , ông Nguyễn Quốc Nghi đánh giá.

l3-11004570-1726299441056-17262994411781556040617.jpg

Cuộc sống tại khu lán trại tuy thiếu thốn, vất vả nhưng yên bình.

Do nắm kỹ địa bàn, anh Ma Seo Chứ cho biết ngày 9/9, thôn Kho Vàng trải qua 2 ngày thời tiết mưa liên tục nên nước ngấm nhiều vào đất.

Trước đó, được chính quyền xã, huyện phổ biến nên anh cùng một vài thanh niên trong thôn đi lên khu vực đồi phía sau thôn để kiểm tra và tìm một quả đồi hoặc núi có vị trí cao, bằng phẳng tính dần phương án di tản bà con trong thôn.

Khi mọi người di tản lên chỗ trú mới, tránh sạt lở, người dân chỉ mang theo những đồ thiết yếu như chăn màn, bát đũa, xoong nồi và ít gạo để nấu cơm.

Trong số 115 người của thôn Kho Vàng di tản tránh sạt lở, có 50 trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 15 tuổi. Trên khu vực bằng phẳng của ngọn núi, Trưởng thôn Chứ cùng thanh niên trong thôn dựng 14 chiếc lán, được che chắn bằng bạt, đóng cọc bằng tre.

Anh Chứ cùng các thanh niên tổ chức dựng lều cho mọi sinh hoạt, tổ chức nấu ăn cho bà con trong thôn.

Những ngày đầu sinh hoạt tại khu lán trại, người dân khó khăn trăm bề. Thực phẩm và nước sạch đều thiếu thốn, những người dân cũng không biết làm thế nào, chỉ có thể dựa vào nhau vì nhà cửa đã bị sạt lở, đất đá lấp hết.

Tuy nhiên, ai cũng hy vọng đợt lũ quét này sớm qua để người dân trở lại cuộc sống thường nhật.

“Khi thấy lực lương chức năng tìm tới, chúng tôi vô cùng vui mừng, biết rằng mình đã được cứu sống. Mọi người mang cơm, gạo, mỳ tôm, lương khô và bánh kẹo. Ngày hôm sau, chính quyền xã và huyện mang theo rất nhiều đồ cứu trợ, giúp bà con ổn định cuộc sống” , trưởng thôn Kho Vàng nhớ lại.

Nói về tương lai của 115 người dân, anh Chứ cho biết, hiện tại việc quay về nơi ở cũ là không thể, bởi khu vực đó đã bị sạt lở nghiêm trọng. Vì thế, trong thời gian tới, anh Chứ và người dân mong muốn chính quyền địa phương sớm tạo điều kiện, tìm nơi ở mới an toàn để người dân di dời, xuống xây dựng lại nhà cửa, an cư lập nghiệp.

Trả lời Báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Quốc Nghi - Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà cho biết, thôn Kho Vàng được sáp nhập từ 2 thôn Bản Vàng và Kho Lạc. Những người dân chạy lên núi tránh sạt lở là những người thuộc thôn Bản Vàng trước đây.

Ông Nghi thông tin thêm, việc người dân tìm nơi an toàn để tránh sạt lở không phải là hành động tự phát mà có sự vận động, hướng dẫn, chủ động hỗ trợ của trưởng thôn.

“Trước khi cơn bão số 3 tới, chúng tôi đã liên tục làm việc với các địa phương để phổ biến các biện pháp phòng chống bão lũ, sạt lở đất. Trưởng thôn được chúng tôi liên lạc phổ biến liên tục vì nhóm dân trong đó có địa hình hiểm trở rất khó khăn.

Sau khi cơn bão đi qua, khu vực đó mất hoàn toàn liên lạc và tín hiệu. Chúng tôi đã cử đoàn cán bộ tới kiểm tra, phải mất 2 ngày mới tiếp cận được thôn làng và biết mọi người đã đến nơi an toàn” , ông Nghi nhấn mạnh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022