

GĐXH - Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT bỏ xét tuyển sớm và có thêm nhiều thay đổi trong kỳ tuyển sinh ĐH 2025; Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về việc cấm dạy thêm học thêm, giáo viên rèn chữ đẹp, dạy kỹ năng tiền tiểu học có vi phạm?
Miền Bắc sắp bước vào giai đoạn giao mùa nguy hiểm

Miền Bắc tiếp tục mưa phùn, nồm ẩm trong hôm nay (17/2).
Hôm nay (17-2), Hà Nội và miền Bắc bước sang ngày thứ 3 có mưa phùn và nồm ẩm nhẹ. Đường sá trơn ướt, nhiều nơi có sương mù bao phủ.
Theo các chuyên gia khí tượng, gió Tây trên cao sắp xuất hiện, dù không gây ra mưa lớn nhưng lại làm tăng nguy cơ xảy ra dông lốc và mưa đá. Đây là hiện tượng thường gặp vào giai đoạn chuyển giao giữa mùa đông và mùa hè, khi nền nhiệt độ dần nhích lên nhưng vẫn có những đợt không khí lạnh cục bộ di chuyển xuống, cộng với tác động của các dòng khí tầng cao.
Bên cạnh đó, mưa phùn kéo dài cũng là một trong đặc trưng của thời điểm này, đặc biệt tại các tỉnh ở Đông Bắc bộ và khu vực đồng bằng Bắc bộ. Độ ẩm cao khiến cảm giác lạnh vẫn còn, trong khi nhiệt độ ban ngày có xu hướng tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, dông lốc.
Ở phía Nam, theo hình dự báo của Hệ thống Cảnh báo khí hậu toàn cầu (GFS), mưa trái mùa vẫn xuất hiện rải rác trong suốt 7 ngày tới. Dù cường độ có thể giảm nhưng không hoàn toàn chấm dứt. Những khu vực không có mưa sẽ chịu tác động của nắng nóng, với mức nhiệt phổ biến 35-36 độ C.
Nguyên nhân mưa trái mùa do rãnh thấp và các nhiễu động liên tục xuất hiện ở Nam Biển Đông, tác động đáng kể đến thời tiết miền Nam. Sự suy yếu của không khí lạnh ở phía Bắc cũng tạo thêm những nhiễu động mới.
Xác minh clip người đàn ông bắt chéo tay chạy xe máy trên Quốc lộ 1

Hình ảnh người đàn ông bắt chéo tay khi đang lái xe. Ảnh cắt từ clip.
Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 31 giây ghi lại cảnh 1 người đàn ông bắt chéo tay khi điều khiển xe máy trên đường, tuyến đường được cho là Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Cà Mau . Clip ngay lập tức đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng mạng xã hội .
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau cho biết, đã xem và nắm được thông tin vụ việc.
Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau sẽ chuyển thông tin trên đến cảnh sát giao thông để xác minh, làm rõ.
Công an xác minh thông tin bé 9 tháng tuổi bị bầm tím 2 má

Bé gái 9 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: MXH
Sáng 17-2, một lãnh đạo Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã chỉ đạo Công an phường Tân Lập phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh thông tin 1 cháu bé bị bầm tím 2 bên má và đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Trước đó, tối 16-2, một tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin, hình ảnh cho biết 1 bé gái 9 tháng tuổi bị bầm tím 2 bên má nghi bị đánh tại điểm trông trẻ.
Sau khi đăng tải, thông tin đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng với nhiều ý kiến đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm rõ. Đến sáng 17-2, sau hơn 10 giờ đăng tải, thông tin đã thu hút hơn 6.000 lượt bình luận, hơn 10.000 lượt chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, anh Đoàn Văn N. (SN 1987, ngụ huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) cho biết anh là người đăng tải thông tin lên mạng xã hội.
Theo anh N, nhà chỉ có 2 cha con nên sau Tết anh đưa con là bé Đoàn Ánh D. (9 tháng tuổi) lên TP Buôn Ma Thuột gửi vào một điểm trông trẻ ở đường Trần Quý Cáp.
Chiều 14-2, sau khi đón con về nhà thì anh phát hiện 2 má bé bị bầm tím nên gọi điện thoại hỏi nhưng người trông trẻ không thừa nhận đánh. Sau đó, bé bị sốt cao, nôn ói nên ngày 16-2, anh đã đưa con vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị.
Bộ GD&ĐT bỏ hẳn xét tuyển sớm

Bộ GD&ĐT quyết định bỏ hẳn xét tuyển sớm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết Bộ GD&ĐT đã có quyết định về các điểm mới, sửa đổi trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Theo đó, Bộ GD&ĐT quyết định bỏ hẳn xét tuyển sớm (chỉ xét tuyển thẳng theo quy chế) từ mùa tuyển sinh 2025. Nếu dùng kết quả học tập THPT (học bạ) để xét tuyển thì phải sử dụng cả kết quả của cả năm học lớp 12.
Một điểm mới nữa là các cơ sở đào tạo phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển. Các trường có thể quy đổi kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ (theo danh mục của Quy chế thi tốt nghiệp THPT) thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển.
Điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh không vượt quá 10% mức điểm tối đa (điểm cộng này là sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng), đồng thời tổng điểm xét tuyển của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa.
Ngoài ra, tại Quy chế mới, Bộ GD&ĐT cũng bỏ yêu cầu về việc mỗi ngành/chương trình đào tạo chỉ có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, tại Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non quy định từ năm 2026, các môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển sẽ chiếm tối thiểu 50% trọng số điểm xét tuyển. Trước đó, tại Dự thảo Thông tư ban hành tháng 11/2024, Bộ GD&ĐT quy định việc xét tuyển sớm giới hạn chỉ tiêu khoảng 20%. Tuy nhiên, khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD&ĐT quyết định loại bỏ xét tuyển sớm.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, giai đoạn trước đây, các trường đại học thường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, trong khi đó chưa có những phân tích, căn cứ và minh chứng khoa học để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành đào tạo.
Hầu hết chuyên gia đều cho rằng không nên tổ chức xét tuyển sớm, bởi tất cả nguyện vọng của thí sinh cuối cùng vẫn phải nhập lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất, cao nhất có thể trong năng lực của mình, dù tham gia xét tuyển sớm hay không.
Một lí do khác, xét tuyển sớm mang đến gánh nặng về nguồn lực đối với các nhà trường, đồng thời cũng là gánh nặng đối với thí sinh khi các em phải nộp hồ sơ rất vất vả ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội, dù cơ hội đó vẫn được dành cho các em ngay trong đợt xét tuyển chung, khi được đặt số lượng nguyện vọng không giới hạn.
Liên quan đến thay đổi trong việc điểm xét tuyển, trúng tuyển của thí sinh phải được quy đổi tương đương giữa các phương thức, các tổ hợp xét tuyển và các trường sẽ lấy từ cao xuống thấp, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết điều này nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển.
Vi phạm giao thông tại Hà Nội giảm gần 50% sau Nghị định 168

Người tham gia giao thông tuân thủ đèn tín hiệu, không chen lấn, lạng lách. Ảnh: CAHN
Thông tin vừa được Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đưa ra. Theo đó, tính từ đầu năm tới nay, lực lượng chức năng tại Hà Nội đã xử lý 24.080 trường hợp vi phạm (so với thời gian trước liền kề giảm 18.160 trường hợp), tạm giữ 7.438 trường hợp, tước 1.050 giấy phép lái xe...
Trong đó, xử lý vi phạm nồng độ cồn 5.800 trường hợp (so với thời gian trước liền kề giảm 3.387 trường hợp); vi phạm tốc độ 1.722 trường hợp, quá tải 838 trường hợp, vượt đèn đỏ 665 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 7.417 trường hợp…
Những con số này so với kết quả xử lý thời gian trước liền kề đều giảm khoảng 50%.
Thời gian tới, Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và tập trung xử lý 6 nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn, gồm: Vi phạm nồng độ cồn, ma túy; cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải, quá khổ, gây mất an toàn; vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai làn, đi ngược chiều; điều khiển xe thành đoàn, lạng lách, đua xe trái phép; lái xe kinh doanh vận tải sử dụng điện thoại, thiết bị giám sát hành trình không đúng quy định; vi phạm của lứa tuổi học sinh, trong đó có điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện, không đội mũ bảo hiểm.
Lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tăng cường sử dụng hệ thống camera giám sát để phát hiện, xử lý vi phạm và giải quyết các sự cố giao thông. Các hành vi như vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, dừng đỗ sai quy định sẽ được ghi nhận và xử lý theo hình thức trực tiếp hoặc "phạt nguội".
Theo kế hoạch, hơn 600 cụm camera giám sát giao thông trên địa bàn Thành phố sẽ hoạt động 24/24, ghi nhận các vi phạm tại các tuyến đường, dữ liệu sẽ được truyền trực tiếp về Trung tâm chỉ huy giao thông (Phòng CSGT). Tại đây, đội ngũ cán bộ sẽ trực tiếp theo dõi, phân tích hình ảnh, ghi nhận đặc điểm, biển số, hành vi vi phạm, thông tin sẽ được chuyển đến các tổ CSGT đang làm nhiệm vụ trên tuyến.
Khi nhận được thông tin về phương tiện vi phạm, các tổ công tác sẽ triển khai lực lượng dừng xe kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Đối với các trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm; đơn vị chức năng sẽ tiến hành xác minh, gửi thông báo vi phạm và xử lý theo trình tự quy định tại Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Sợ bị cắt điện, người phụ nữ truy cập app lạ rồi mất 10 triệu đồng
Ngày 20/01/2025, bà L (SN 1958, trú tại: Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại giới thiệu là nhân viên điện lực yêu cầu bà thanh toán hóa đơn tiền điện hàng tháng nếu không sẽ bị cắt điện. Đối tượng hướng dẫn bà tải app EVN để truy cập và đóng tiền điện. Sau khi truy cập, tài khoản của bà đã bị trừ số tiền 10.000.000 đồng.
Theo Công an TP Hà Nội, mặc dù Công an Thành phố đã cảnh báo về thủ đoạn giả danh nhân viên điện lực gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan mà mắc bẫy các đối tượng.
Thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện tới các hộ gia đình thông báo sắp bị cắt điện vì chưa thanh toán tiền điện. Nếu người dân trao đổi đã thanh toán tiền điện, sẽ có "nhân viên phòng kĩ thuật" gọi điện lại với lý do điều chỉnh dữ liệu trên hệ thống. Sau đó, các đối tượng sẽ gợi ý người dân truy cập các đường link, app giả mạo có giao diện giống với trang web chính thức của EVN. Khi truy cập các trang web, app giả mạo này người dân sẽ chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên, không thanh toán tiền điện vào tài khoản ngân hàng hoặc đường link lạ, tài khoản cá nhân khi chưa được xác minh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về điện năng hoặc các dịch vụ liên quan, người dân có thể liên hệ trực tiếp Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc theo số 19006769 (phục vụ 24/7) hoặc truy cập trang web của Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.