GĐXH - Miền Trung chuẩn bị đối mặt với nhiều loại hình thời tiết xấu sau bão số 6; Sau 80 ngày nhập viện, bệnh nhân ngoại quốc tỉnh lại với những dấu hiệu hồi phục thần kinh đáng kể.
Công an Hà Nội ra cảnh báo "nóng" về một thủ đoạn lừa đảo mới
Cảnh giác cuộc gọi giả danh nhân viên điện lực để lừa đảo.
Thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện tới các hộ gia đình thông báo sắp bị cắt điện vì chưa thanh toán tiền điện. Nếu người dân trao đổi là đã thanh toán tiền điện, sẽ có nhân viên phòng kĩ thuật gọi điện lại để điều chỉnh dữ liệu trên hệ thống.
Sau đó, các đối tượng sẽ gợi ý người dân truy cập các đường link, app giả mạo có giao diện giống với trang web chính thức của EVN.
Khi truy cập các trang web, app giả mạo này người dân sẽ bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP.Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên, không thanh toán tiền điện vào tài khoản ngân hàng hoặc đường link lạ, tài khoản cá nhân khi chưa được xác minh.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về điện năng hoặc các dịch vụ liên quan, người dân có thể liên hệ trực tiếp Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc theo số 19006769 (phục vụ 24/7) hoặc truy cập trang web của Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (https://cskh.npc.com.vn).
Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua các Ngân hàng hoặc các Ví điện tử có nguồn gốc rõ ràng đã liên kết với EVNNPC như Momo, Zalopay, Viettel Money, VNPT Money, VNpay, …
Trong bối cảnh tình hình lừa đảo ngày càng gia tăng, người dân cần hết sức cảnh giác và tuân thủ các khuyến nghị từ các cơ quan chức năng để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đề xuất kiểm soát thu nhập của chồng/vợ sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng
Ảnh minh họa
Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Cụ thể, dự kiến các mức phạt đối với hành vi bạo lực về kinh tế trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình sẽ được Bộ Công an đề xuất sửa đổi so với quy định Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
(i) Chiếm đoạt tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
(ii) Hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
(iii) Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động;
(iv) Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống;
(v) Cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ;
(vi) Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác.
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân có hành vi vi phạm cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại (ii), trừ trường hợp tài sản không thể khôi phục được tình trạng ban đầu;
- Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tài sản có được do chiếm giữ trái phép đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật cho chủ sở hữu hợp pháp đối với hành vi vi phạm quy định tại (i), (v) và (vi).
Nếu được ban hành chính thức thì đề xuất trên sẽ có thể áp dụng từ ngày 01/01/2025.
Hiện hành, các hành vi bạo lực về kinh tế sau đây sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng:
- Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
- Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động.
- Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
(Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Theo Điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình gồm:
- Hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 3 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022.
- Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
- Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
- Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
- Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
- Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
Hàng loạt đại học lớn bỏ xét tuyển học bạ
Nhiều trường đại học dự kiến sẽ bỏ xét tuyển học bạ từ năm 2025.
Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết những năm trước, điểm học bạ được sử dụng để xét tuyển độc lập vào trường (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu). Tuy nhiên, từ năm 2025, trường sẽ không sử dụng kết quả học bạ với cả hai phương thức này.
Lý do là theo chương trình mới, mỗi học sinh sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau nên việc xét tuyển này không còn phù hợp. Thay vào đó, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường trong năm 2025.
Tương tự, năm 2025, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh giống năm 2024, nhưng có sự điều chỉnh về chỉ tiêu theo từng phương thức. Việc bỏ xét tuyển học bạ đã được Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện từ năm 2024. Trước đó, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10-15% chỉ tiêu.
Theo lý giải của trường, việc bỏ phương thức này là do qua nhiều năm, trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Vì vậy, bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỉ lệ ảo, vì một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.
Còn tại ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường cho biết vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm nay, trường này không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ. Kể từ năm 2022 trở về trước, trường cũng chỉ dùng điểm học bạ là điều kiện khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, trường cũng đã bỏ yêu cầu này.
ĐH Quốc gia TPHCM cũng cho biết sẽ bỏ 2 cách xét tuyển từ năm 2025 gồm ưu tiên xét tuyển và các phương thức riêng của trường thành viên, thống nhất chỉ còn 3 phương thức tuyển sinh. Trước đó, phương thức ưu tiên xét tuyển được áp dụng với học sinh của 149 trường THPT trong cả nước, thường dựa vào điểm học bạ và giải thưởng.
Một số trường tuy chưa công bố phương án tuyển sinh năm 2025, nhưng vẫn thống nhất quan điểm "nói không" với xét tuyển bằng học bạ, chẳng hạn như Trường ĐH Y Hà Nội.
Lý do khiến nhiều trường quyết định không xét tuyển học bạ là bởi lo ngại điểm học bạ của các trường cấp 3 thường không đều nhau, có khoảng cách chênh lệch lớn. Điều này dẫn đến việc không đảm bảo công bằng trong xét tuyển đầu vào.
Trong khi đó, một số trường cũng dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu với phương thức xét tuyển học bạ trong năm 2025, chẳng hạn như Trường ĐH Công Thương TPHCM (dành khoảng 20% chỉ tiêu, giảm 10% so với năm 2024).
Về phía Bộ GD-ĐT, trước đó tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này.
Học sinh khi đã đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại. Ngoài ra, việc này khiến số chỉ tiêu còn lại để tuyển sinh sẽ ít, khiến điểm chuẩn rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt.
Lý do 'Cô đồng bát nước' bị công an mời làm việc
Trang mạng xã hội có hàng triệu lượt thích của "cô đồng bát nước". Ảnh chụp màn hình.
Theo Tiền phong, liên quan đến việc "cô đồng bát nước" tự cho rằng bản thân có thể biết mọi chuyện khi đổ nước từ chai ra bát, Công an quận Hai Bà Trưng đã triệu tập làm việc với người phụ nữ này để xác minh hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan.
Được biết, người phụ nữ này tên Q.P - hiện đang ở phường Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng, Hà Nội). P. tự xưng là "cô đồng bát nước" trên mạng xã hội. Đặc biệt trên một trang mạng xã hội "cô đồng bát nước" có hơn 11 triệu lượt thích, và gần 460 nghìn lượt theo dõi...
Người này thường xuyên đăng tải các video nói về chuyện nhân duyên, hôn nhân, âm dương, sự nghiệp, căn số... và thu hút được rất nhiều người xem.
Đặc biệt, "cô đồng bát nước" nhận xem bói tại nhà ở phố Chùa Quỳnh. Người đến xem chỉ cần mang theo chai nước, sau đó "cô đồng bát nước" vào bát rồi khua nén hương bên trên rồi phán.
Trong clip đăng tải, "cô đồng bát nước" thường phán cho người xem khiếp vía, thậm chí hù dọa... với mục đích để làm hầu đồng mở phủ với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Một số người đã gửi đơn tới cơ quan chức năng để tố cáo người phụ nữ có hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan.
Được biết, trước đây "cô đồng bát nước" đã bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan.
Hiện cơ quan công an đang xác minh xử lý đồng thời có biện pháp quản lý đối với người có hành vi nêu trên.
Nguyên nhân xuất hiện mây đĩa bay ở núi Chứa Chan
Hiện tượng mây đĩa bay bao phủ đỉnh núi Chứa Chan được nhiều người dân ghi lại.
Sáng 31/10, nhiều người đi làm ở huyện Xuân Lộc, TP Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai bất ngờ khi nhìn thấy những đám mây lớn "tụ về đỉnh núi Chứa Chan" như đĩa bay. Đám mây trắng trên đỉnh núi giữa nền trời xanh tạo ra cảnh sắc kỳ thú, các nhà khoa học gọi là hiện tượng "mây thấu kính".
Một số người dân ở TP Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ cách xa hàng chục km vẫn nhìn rõ đám mây lớn, dày, bao phủ cả ngọn núi. Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Nai, đám mây trên núi Chứa Chan được lan truyền trên mạng là hiện tượng mây "thấu kính". Hiện tượng thời tiết này thường xuất hiện khi không khí ẩm gặp điều kiện thuận lợi để tạo thành các khối mây có hình dạng đặc biệt. Điểm đặc biệt của các đám mây thấu kính là luôn bất động, hiếm có cơn gió nào lay chuyển được.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), mây dạng thấu kính (Lenticular clouds) là những đám mây đứng yên, có hình dạng tương tự thấu kính, hình thành ở những dãy núi cao. Hiện tượng mây thấu kính xuất hiện khi gió mang hơi ẩm di chuyển gặp núi bị cản lại sẽ tràn lên cao gặp không khí lạnh và ngưng tụ. Do luồng gió đẩy lên liên tục đều đặn và ổn định sẽ tạo thành các gợn sóng xếp chồng lên nhau. Thường ở những đỉnh núi cao nhiệt độ càng xuống thấp, đạt được ngưỡng có thể ngưng tụ do đó các quầng mây trông giống như "chiếc mũ" tạo ra trên các đỉnh núi.
Núi Chứa Chan cách TP Hồ Chí Minh khoảng 110 km, cao 837 m so với mực nước biển. Đây là ngọn núi cao nhất ở Đồng Nai, cao thứ hai ở Đông Nam Bộ. Cách đây 2 năm, vào sáng 25/11/2022, người dân cũng đã có dịp chiêm ngưỡng áng mây đẹp như đĩa bay trên đỉnh núi Chứa Chan. Ở Việt Nam, ngoài núi Chứa Chan thì đỉnh núi Bà Đen cũng thường xuyên xuất hiện mây thấu kính này.
12 quận huyện nào ở Hà Nội sẽ hạn chế ô tô, xe máy không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải?
Hà Nội tiến tới cấm các loại xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải đi vào các quận nội thành.
Sau một tuần lấy ý kiến người dân vào dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ), UBND TP Hà Nội vừa đưa ra dự thảo lần hai với những quy định cụ thể hơn.
Dự thảo mới đưa ra 6 tiêu chí để xác định các khu vực hạn chế phát thải, bao gồm toàn bộ vùng bảo vệ nghiêm ngặt và hạn chế phát thải theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đó là các khu dân cư tập trung tại 12 quận hiện nay: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông. 5 quận dự kiến thành lập trong giai đoạn 2020-2025 là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng và thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai).
Thứ hai là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông theo mức phục vụ của đường LOS từ D đến F. Theo tiêu chuẩn quốc gia về đường đô thị, mức phục vụ (LOS) là thước đo về chất lượng vận hành của dòng giao thông mà người điều khiển phương tiện và hành khách nhận biết được.
Mức phục vụ được chia làm 6 mức, theo thứ tự từ cao xuống thấp, được ký hiệu là A, B, C, D, E, F. Mức A là phương tiện giao thông lưu thông tốt, mức B có lượng xe lưu thông trên đường cao hơn, mức E phương tiện bắt đầu ùn ứ và mức F là tắc đường.
Ngoài ra, các khu vực có chất lượng không khí kém, đặc biệt là những nơi không đạt chuẩn quốc gia trong ít nhất một năm hoặc nơi có thể áp dụng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn và có sự đồng thuận cao từ người dân cũng sẽ được đưa vào danh sách. Các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Theo Luật Thủ đô, các khu vực hạn chế phát thải sẽ được áp dụng các biện pháp hạn chế giao thông phù hợp với từng địa phương. Việc lựa chọn và thực hiện các biện pháp này sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội và đặc điểm riêng của mỗi khu vực.
Trước mắt dự thảo khuyến cáo các địa phương cấm lưu hành các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên các phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên và đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định; hạn chế có thu phí đối với các phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải dưới Euro 4 và không đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định.
Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi các phương tiện phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu hành trong vùng LEZ.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Quận Hoàn Kiếm sẽ là khu vực đầu tiên được lựa chọn để tổ chức thí điểm vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường - cơ quan soạn thảo kế hoạch cho biết, hiện nay, quận Hoàn Kiếm có hạ tầng giao thông hoàn thiện, mật độ dân cư đông và hệ thống giao thông, biển báo đồng bộ. Đặc biệt, trên địa bàn lại có các tuyến phố đi bộ, phố cổ đang cấm hoàn toàn phương tiện giao thông vào cuối tuần. Do vậy, quận Hoàn Kiếm sẽ là khu vực được chọn để thí điểm vùng phát thải thấp.
"Khi quận Hoàn Kiếm được chọn để thực hiện thì không phải tất cả toàn bộ địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ hạn chế phương tiện giao thông đi vào, mà chính quyền quận sẽ lựa chọn ra một số khu vực có đủ điều kiện ví như xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ… để thực hiện vùng phát thải thấp, các khu vực còn lại phương tiện vẫn đi lại bình thường theo phương án tổ chức, phân luồng giao thông của thành phố" - đại diện Ban soạn thảo cho hay.
Cho ý kiến về những loại phương tiện nào sẽ bị hạn chế hoặc cấm vào vùng có phát thải thấp, đại diện Ban soạn thảo cho biết, hiện nay khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ đã cấm "cứng" các loại xe tải, xe đầu kéo, xe container, xe chở khách lớn đi vào, tiếp đó vào cuối tuần còn thực hiện cấm tuyệt đối phương tiện giao thông từ xe máy, ô tô con đến xe buýt… đi vào. Do vậy khi triển khai vùng phát thải thấp, dựa vào các tiêu chí đưa ra cơ quan thực hiện chỉ cần đề xuất và lắp đặt thêm các biển báo hạn chế phương tiện theo giờ, hoặc cấm các xe không vào vùng phát thải thấp.
Cụ thể, cùng với xe tải, xe đầu kéo, container đang bị cấm và có biển báo, khi thực hiện vùng phát thải thấp, cơ quan thực hiện chỉ cần có thêm các thông báo, biển báo hạn chế theo giờ, hoặc cấm các loại xe đang có mức xả thải cao, ví dụ như xe ô tô chạy dầu diesel, xe ô tô kinh doanh vận tải (taxi, xe hợp đồng…) có niên hạn khai thác trên 10 năm, xe máy cũ có niên hạn sử dụng lâu năm không đi vào vùng phát thải thấp. Thành phố sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải.
Việc xây dựng Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp nhằm để cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 với mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí. Dự kiến việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ đầu năm 2025.