Bão số 4 sẽ tác động thế nào đến Việt Nam?

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 17/9, một vùng áp thấp nhiệt đới đã đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 với cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định trên Người lao động, khả năng bão di chuyển vào khu vực biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi (chiếm khoảng 70%). Khả năng thứ hai là bão di chuyển hẳn lên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ và khả năng di chuyển xuống khu vực biển Nam Trung Bộ là có, nhưng xác suất thấp (dưới 15%).

a1-1726595877430621148397.jpg

Biển Đông sắp đón bão số 4, đất liền miền Trung mưa lớn diện rộng. Nguồn: VNDMS

Với kịch bản vùng chịu tác động trực tiếp là khu vực từ biển Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Dự báo trong 24-48 giờ tới, khu vực biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ có gió mạnh, từ ngày mai trở đi khu vực biển miền Trung có mưa trên diện rộng.

Từ đêm nay đến hết ngày 21/9 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng.

"Chúng tôi nhận định, với các tác động của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão thì trên biển - ở khu vực Bắc biển Đông và khu vực quần đảo Hoàng Sa sẽ chịu tác động trực tiếp của hoàn lưu bão. Sau đó là đến khu vực biển từ Thanh Hóa trở vào đến Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng là những vùng chịu tác động trực tiếp của hoàn lưu bão số 4 có khả năng mạnh lên." - ông Hưởng nói.

Với những khu vực nêu trên, tàu thuyền cần được neo đậu vào những nơi trú tránh an toàn. Khu vực nuôi trồng thủy, hải sản, đặc biệt là khu vực của tỉnh Thừa Thiên - Huế cần hết sức lưu ý.

Ông Hưởng cũng cho biết, tình trạng sạt lở đê, kè ven biển trong khu vực này cũng cần lưu ý về những đê đang chuẩn bị thi công, đang thi công để đảm bảo an toàn đê, đập.

Ngoài ra cần đề phòng tình trạng ngập lụt ở khu vực vùng thấp, trũng ven biển. Còn trên đất liền, cần đề phòng các hiện tượng các ổ mây, dông đối lưu trước khi áp thấp nhiệt đới/bão di chuyển đến sẽ có dông mạnh, hệ quả đi kèm là những cây xanh gãy đổ, các mái tôn, biển hiệu quảng cáo có khả năng bị thổi bay trong không khí.

Với mưa lớn, lưu ý khả năng ngập úng ở các đô thị của các tỉnh, thành. Ngoài ra, các vùng núi, trung du, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, khoảng thời gian từ đêm 18/9 trở đi đến hết ngày 22/9 có khả năng xảy ra tình trạng lũ quét và hiện tượng trượt lở đất và bài học ở khu vực Bắc Bộ là bài học rất lớn cần lưu ý.

Hiện trường vỡ đập bùn thải chì kẽm ở Bắc Kạn

Xác nhận trên Vietnamnet, ông Đặng Đình Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) cho biết, sự cố vỡ đập xảy ra vào thời điểm sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền.

a2-17265958774521775964095.jpg

Đập hồ chứa bùn thải quặng chì, kẽm tại xã Bản Thi bị vỡ. Ảnh: Vân Trường

Theo ông Phong, đập bị vỡ thuộc hồ chứa bùn thải quặng chì, kẽm của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn tại thôn Bản Nhường, xã Bản Thi.

"Đây là hồ chứa bùn thải quặng để lắng đọng rồi xử lý nước, đảm bảo thải ra môi trường. Nước ngập xoáy vào chân đập khiến vỡ đập. Hiện tại, các thiệt hại đang được thống kê", ông Phong nói.

Ông Phong cho biết thêm, hiện đoàn công tác của Bộ TN&MT cũng đã có mặt để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục.

Theo ông Ma Doãn Kháng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn, sự cố khiến bùn đất tràn ra đường, hiện diện tích hoa màu bị thiệt hại đang được dọn dẹp, khắc phục.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, lãnh đạo huyện Chợ Đồn đã có báo cáo lên UBND tỉnh Bắc Kạn để xin chỉ đạo xử lý. Tới nay đã khắc phục xong phần đập bị vỡ; diện tích hoa màu của người dân bị ảnh hưởng đã được thống kê để bồi thường.

Sau khi sự cố vỡ đập xảy ra, một số tuyến đường tại xã Bản Thi ngập trong bùn nhão. Thời điểm đó có mưa nên công tác khắc phục, dọn dẹp gặp nhiều khó khăn.

Hòa Bình tiếp tục di dời khẩn cấp người dân, tránh sạt lở

Chia sẻ trên Lao Động, ông Bùi Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn thông tin, mưa lớn nhiều ngày do hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn đã xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún kéo dài nguy cơ làm ảnh hưởng đến 111 hộ tại xóm Rài.

a3-1726595877480799197809.jpg

Khu vực xuất hiện các vết nứt, sụt lún khiến hàng người dân ở Hòa Bình phải di dời khẩn cấp. Ảnh: UBND huyện Lạc Sơn.

Theo ông Tùng, có nhiều vết nứt, sụt lún dài từ 10 đến 15 m sâu từ 2 đến 3m, ngoài ra còn nhiều vết nứt nhỏ, phạm vi ảnh hưởng khoảng 7ha. Địa điểm nứt, sụt lún nằm tại khu vực đồi cao, cách khu dân cư chưa đầy 100 mét.

"Các điểm nứt, sụt lún vẫn đang tiếp tục phát triển rộng thêm. Tính đến thời điểm hiện tại đã có tổng 60 hộ với khoảng 250 nhân khẩu phải di dời đến ở nhà người thân và nhà văn hóa xóm thuộc khu vực an toàn" - ông Tùng cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay các lực lượng chức năng của huyện và xã đang duy trì trực đảm bảo an ninh trật tự khu vực có nguy cơ sạt lở.

Bên cạnh đó, do điều kiện nguồn lực của huyện rất hạn hẹp, địa phương cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng Khu tái định cư cho các hộ dân tại xóm Rài, xã Tuân Đạo để ổn định cuộc sống.

Làm rõ nguyên nhân học sinh nghi ngộ độc sau tiệc Trung thu

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết trên Người lao động, đã nhận được thông tin phản ánh về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT huyện Xín Mần, (tỉnh Hà Giang), hàng chục học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và chóng mặt sau khi ăn thực phẩm trong tiệc liên hoan Trung thu tổ chức tại trường.

ngo-doc-17265961396561229304862.jpg

Lãnh đạo huyện Xín Mần thăm hỏi các em học sinh. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Xín Mần

Liên quan đến sự việc này, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Hà Giang tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm có nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm.

Tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Trước đó, tối 15/9, trường tổ chức tiệc Trung thu với 300 học sinh khối trung học cơ sở tham gia. Thực đơn gồm trà chanh, quất, táo, lê, dưa hấu và dứa, bánh trung thu, kẹo, sữa... Sau khi ăn 15 phút, nhiều em có triệu chứng buồn nôn, đau đầu và đau bụng, được đưa vào bệnh viện.

Tính đến hôm qua, ngày 17/9, Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần đã tiếp nhận 72 cháu được đưa đến bệnh viện khám. Trong số này 29 cháu có các triệu trứng ngộ độc thực phẩm, đau đầu hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng đi ngoài, không sốt. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy 5 bệnh nhân có bạch cầu tăng nhẹ, các trường hợp chỉ số trong giới hạn bình thường.

43 cháu không có các triệu trứng biểu hiện ngộ độc, chủ yếu do yếu tố tâm lý vẫn được đưa đến khám sàng lọc, theo dõi tại bệnh viện.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo huyện Xín Mần đã chỉ đạo ngành y tế tập trung nhân lực điều trị kịp thời cho các bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm tại bệnh viện, cũng như thành lập đoàn điều tra ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm theo quy định.

Hà Nội đề xuất lắp 600 camera giám sát phương tiện giao thông

Thông tin trên Vietnamnet, Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND TP chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1, thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2027.

Sở GTVT Hà Nội đề xuất thành phố cho phép triển khai hệ thống ITS giai đoạn 1 trên địa bàn theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, với chi phí hơn 392 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố thực hiện giai đoạn 1 (từ năm 2025 - 2027).

edit-a4-17265961695001608263245.jpeg

Hệ thống camera giám sát giao thông tại khu vực ngã tư Phạm Văn Bạch - Hoàng Quán Chi (quận Cầu Giấy). Ảnh: Hùng Nguyễn

Giai đoạn đầu, Sở GTVT sẽ triển khai đề án thành lập Trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội (trên nền tảng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng hiện nay) để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy triển khai thực hiện khai thác 9 chức năng ban đầu của hệ thống ITS.

Sở triển khai đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng trung tâm (tại số 1 Kim Mã), bao gồm: Cải tạo sửa chữa trụ sở; lắp đặt hệ thống máy chủ, hệ thống màn hình; hệ thống phần mềm lõi dùng chung; hệ thống phần mềm gắn với 9 chức năng khai thác giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, lắp đặt hệ thống các thiết bị ngoại vi, gồm hệ thống camera (giám sát tốc độ; đo đếm lưu lượng; xử phạt giao thông); hệ thống bảng báo điện tử; hệ thống tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông; hạ tầng truyền dẫn.

Phạm vi thực hiện bên trong Vành đai 3, bao gồm: 55 nút giao trên các tuyến Vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm tương ứng với số lượng thiết bị ngoại vi cần lắp đặt là 600 camera, 20 biển báo giao thông thông minh, 10 tủ điều khiển đèn tín hiệu thích ứng.

Các chức năng chính của hệ thống gồm: Giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, dân số của thành phố là trên 8 triệu người, chưa bao gồm 1,2 triệu dân vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố.

Số lượng phương tiện giao thông đường bộ là trên 7,8 triệu phương tiện các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2023 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đến nay mới đạt khoảng 12,13% dẫn đến hiện tượng quá tải trên các tuyến đường giao thông ở thành phố.

Từ thực tế nêu trên, theo Sở GTVT Hà Nội, việc tổ chức nghiên cứu triển khai thực hiện giai đoạn 1 đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" là rất cần thiết. Đây cũng là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông.

nd12-17265620133921781287473-40-0-640-960-crop-17265634972801241939539.jpgLàng hoa nổi tiếng ở Nam Định đổi màu, khô héo do bị ngập nhiều ngày

GĐXH - Do ảnh hưởng của bão số 3, ngập úng dài ngày, hàng chục vạn cây hoa ở làng hoa Mỹ Tân TP Nam Định, trở nên hoang tàn, cả cánh đồng tiền tỷ đang thối rữa, người dân gần như mất trắng.

2-17265650156161472751594-0-0-900-1440-crop-17265650235392056115402.jpgKý ức kinh hoàng của cán bộ Y tế Yên Bái trong bão số 3 và những ngày mệt nhoài khắc phục hậu quả sau mưa lũ

GĐXH - Cứu bệnh nhân ngưng tim trên xuồng giữa biển nước; phẫu thuật cấp cứu thành công ca viêm ruột thừa dọa vỡ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng; vừa phòng chống bão lũ vừa cấp cứu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Những nỗ lực của cán bộ ngành y tế Yên Bái đã giúp các bệnh nhân qua cơn nguy kịch, được chăm sóc tốt nhất trong tình huống thiên tai phức tạp nhưng những ám ảnh về ca bệnh đặc biệt vẫn lưu mãi trong tâm trí các y bác sĩ nơi này.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022