Môn thi thứ 3 là môn gì?

Nếu các năm trước, ngoài Ngữ văn, Toán và tiếng Anh là môn thi thứ 3 được hầu hết các tỉnh thành trên cả nước lựa chọn, năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai kỳ thi vào lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới nên việc tổ chức kỳ thi càng được quan tâm. Chuẩn bị cho kỳ thi này, dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến và dự kiến được ban hành trong tháng 12/2024.

Theo đó, tuyển sinh THPT được tổ chức bằng một trong 3 phương thức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Số môn thi là 3 môn gồm toán, ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do sở giáo dục và đào tạo tỉnh thành/cơ sở giáo dục đại học (có mô hình trường THPT) lựa chọn.

base64-17338018169391833322060.jpeg

Giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10 là mục tiêu của ngành Giáo dục, nhưng điều này vẫn khó đạt được khi chưa có phương án tối ưu cho môn thi thứ 3.

Qua gần 2 tháng lấy ý kiến, dự thảo của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều giáo viên và phụ huynh bày tỏ lo ngại về nội dung "môn thi thứ 3 thay đổi qua các năm" và việc công bố môn thi này khá muộn, theo đề xuất của Bộ, là trước ngày 31/3 hằng năm.

Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giáo viên Trường THCS Bến Thủy (TP Vinh) cho biết, nhiều ngày qua, nhận được nhiều câu hỏi từ phụ huynh về môn thi thứ 3. Điều này cho thấy phụ huynh rất lo lắng và quan tâm. "Cá nhân tôi cho rằng, nếu tổ chức bốc thăm môn thi vào thời điểm này sẽ càng tạo thêm áp lực cho cả phụ huynh lẫn học sinh. Hơn nữa, nếu môn thi thứ 3 chỉ được công bố vào tháng 3, trước kỳ thi chỉ hơn 2 tháng, sẽ rất vất vả cho công tác chuẩn bị", cô Nguyệt nói.

Theo cô Nguyệt, nên giữ nguyên 3 môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh thi vào lớp 10 để phụ huynh và học sinh an tâm. Vì từ trước tới nay, các em học tập trung vào các môn học này. Tuy nhiên, việc giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý lại gặp khó khăn do thiếu giáo viên, với số ít giáo viên có thể dạy cả 3 môn này và thường phải dạy ghép. Điều này dẫn đến sự gián đoạn trong quá trình học, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh.

base64-1733801816954770859063.jpeg

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn đem đến áp lực cho học sinh cuối cấp.

Hiện nay, ngoài giáo viên, phụ huynh và học sinh cũng đang rất mong chờ việc công bố môn thi thứ 3 trong dự thảo của Bộ GD&ĐT. Nhiều người gọi đây là "môn thi bí mật".

Chị Trần Mai Anh, phụ huynh của một học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 tại phường Vinh Tân, TP Vinh chia sẻ, gia đình rất quan tâm đến kỳ thi này vì con gái lần đầu tiên sẽ học và thi theo chương trình THPT mới. Từ việc lựa chọn môn thi cho đến cấu trúc đề thi đều khác so với những năm trước. "Phụ huynh và học sinh đều mong Bộ GD&ĐT sớm ban hành các quy định và quy chế về kỳ thi này. Tuy nhiên, khi đọc dự thảo Bộ đang lấy ý kiến, tôi cảm thấy việc quy định môn thi thứ 3 thay đổi hàng năm và chỉ công bố vào cuối tháng 3 là rất áp lực cho học sinh. Điều này càng khiến chúng tôi lo lắng hơn," chị Mai Anh nói

Em Nguyễn Gia Minh, học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Mao (TP Vinh), chia sẻ: "Việc công bố môn thi thứ 3 vào cuối tháng 3 là quá muộn để có đủ thời gian ôn tập. Vì trong suốt thời gian học, chúng em phải ôn luyện tất cả các môn, nên không thể tập trung vào môn thi mà mình cảm thấy tự tin nhất."

Không nên đánh đố, tạo áp lực cho học sinh

Để giảm bớt lo lắng cho phụ huynh và học sinh, ngành giáo dục cần công bố thông tin một cách rõ ràng và kịp thời. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự đồng hành chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công của kỳ thi.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi liên tục môn thi thứ 3 liệu có thực sự giúp "giáo dục toàn diện" hay chỉ làm phức tạp thêm quá trình học tập và đánh giá. Việc lựa chọn môn thi thứ 3 cần phải dựa trên mục tiêu phát triển nguồn nhân lực bền vững và đảm bảo không gây thêm áp lực cho học sinh.

base64-1733801816994381426766.jpeg

Tiết học ở một trường THCS ở TP Vinh.

Về dự thảo Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Thái Văn Thành cho biết, hiện nay đơn vị vẫn chưa quyết định môn thi thứ 3 và đang chờ quy chế hướng dẫn tuyển sinh THCS và THPT từ Bộ để làm cơ sở xây dựng phương án tuyển sinh cho năm học 2025 - 2026.

Sau nhiều năm tổ chức kỳ thi lớp 10 tại địa phương, ông Thái Văn Thành tỏ ra băn khoăn với các phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra. "Theo tôi, phương án tốt nhất là ngoài 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn thì môn thi thứ 3 phải do học sinh lựa chọn nhằm phù hợp năng lực của các em. Điều đó sẽ giúp học sinh thuận lợi khi lên THPT và các em sẽ chủ động lựa chọn tổ hợp học tập phù hợp", ông Thành nói.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, trong bối cảnh hiện nay, để làm được như vậy đòi hỏi công tác tổ chức thi, ra đề thi vất vả hơn và các nhà trường cũng gặp khó khăn khi tuyển chọn đầu vào. Ngoài ra, quy định tổ chức môn thi thứ 3 phải thay đổi qua các năm là chưa phù hợp, gây khó khăn cho công tác tổ chức của các địa phương".

  • TPHCM công bố cấu trúc đề thi lớp 10 năm 2025

  • Đề minh họa thi lớp 10 Hà Nội: Tăng câu hỏi ứng dụng thực tế

Thực tế, để thay đổi môn thi qua các năm, các Sở sẽ phải có phương thức để chọn năm nay thi môn này, năm sau thi môn khác theo hình thức bốc thăm. Hơn thế, với hình thức này cũng dẫn tới tình huống học sinh sẽ bỏ qua môn học mà kỳ thi trước đã thi. Vì thế, để học sinh tránh học lệch, học tủ hoặc để đạt mục tiêu "giáo dục toàn diện" là khó khả thi.

"Chúng ta không nên áp đặt, đánh đố học sinh bằng cách bốc thăm hay thấp thỏm chờ đợi môn thi chỉ nhằm mục tiêu trang bị đều kiến thức tất cả các môn. Thay vào đó, nên có cơ chế cộng điểm ưu tiên, khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 từ năm 2025, nhằm thúc đẩy việc học ngoại ngữ.

Ngoài ra, để thực hiện chủ trương lớn dần dần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, cũng cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy và nên đưa tiếng Anh trở thành môn thi thứ 3 để phù hợp với thực tế ở từng địa phương", ông Thành cho biết thêm.

Theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, việc bốc thăm môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 giúp ngăn ngừa tình trạng học lệch, học tủ và tạo sự thống nhất giữa các địa phương. Trước đây, các địa phương có quyền quyết định phương thức thi, số môn thi, vì vậy có nơi chỉ thi 3 môn, trong khi có nơi lại thi 4 môn. Tại Nghệ An, trong một số năm trước, tỉnh này cũng áp dụng hình thức bốc thăm môn thi thứ 3, và phần lớn các thí sinh đều chọn môn Tiếng Anh.

Tuy nhiên, từ đầu năm học 2020 – 2021 và 2021 – 2022, ngoài các môn Ngữ văn và Toán, tỉnh Nghệ An tổ chức thi thêm bài thi môn tổ hợp, bao gồm môn Ngoại ngữ và 2 môn còn lại được bốc thăm ngẫu nhiên từ các môn thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Dù vậy, phương án này chỉ được áp dụng trong một vài năm học do tạo áp lực quá lớn đối với học sinh và sau đó đã phải điều chỉnh.

nghe-an-khong-tuyen-thang-lop-10-17109233905271697791821-107-0-1707-2560-crop-1710923412930783220890.jpgNghệ An dừng tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ ngoại ngữ

GĐXH - Những năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ IELTS được xem là “giấy thông hành” tuyển thẳng vào lớp 10 ở Nghệ An. Tuy nhiên, trong phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, ngành Giáo dục tỉnh này đã điều chỉnh quy chế tuyển sinh sau nhắc nhở của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022