Rác thải thuốc bảo vệ thực vật tràn lan đồng ruộng
Những ngày cuối tháng 4, trên cánh đồng xã Thượng Tân Lộc (huyện Nam Đàn), bà Mai Thị Hà đang cặm cụi thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để bỏ vào bể chứa.
Theo bà Hà: “Mọi người cơ bản phun thuốc ở đâu thì vứt ngay tại đó. Rác thải trôi được đi đâu thì trôi, cũng chẳng mấy ai để ý, hầu hết theo dòng nước trôi ra mương. Trên đồng có đặt thùng chứa rác nhưng cách xa cả cây số nên ít người chịu mang rác tới đó để bỏ”.

Chai, bao bì thuốc trừ sâu vứt lại trên đồng ruộng.
Những năm qua, xã Thượng Tân Lộc đã được lắp đặt các thùng chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hiệp – cán bộ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã, người dân vẫn sử dụng chưa đúng cách.
“Trung bình, mỗi cánh đồng của một xóm được đặt khoảng hai thùng, nhưng do khoảng cách khá xa nên một số người dân sau khi phun thuốc thường thu gom bao bì vào túi nilon rồi mang về bỏ chung với rác sinh hoạt. Tuy nhiên, chủ yếu bà con vẫn vứt luôn bao bì, vỏ chai thuốc ngay trên bờ ruộng, dưới kênh mương. Xã cũng có tổ chức thu gom nhưng mỗi vụ chỉ làm một lần, sau đó rác được gom lại rồi xử lý chung với rác sinh hoạt” - bà Hiệp cho biết.

Rác thải thuốc bảo vệ thực vật vứt la liệt trên cánh đồng màu ở xã Nghi Thuận (Nghi Lộc).
Hiện nay, trên nhiều cánh đồng, không khó để bắt gặp hình ảnh vỏ chai, bao bì thuốc BVTV bị vứt vương vãi khắp nơi, từ bờ ruộng, kênh mương cho đến giữa ruộng. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt vào cao điểm mùa vụ, khi người dân tăng cường sử dụng thuốc để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.
Tại cánh đồng rau xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu), các thùng chứa rác thải BVTV đã được lắp đặt ngay cạnh giếng nước tưới để thuận tiện cho người dân sử dụng. Công tác tuyên truyền, nhắc nhở cũng được thực hiện thường xuyên qua loa phát thanh xã và trong các buổi họp dân.
Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế, không ít người dân vẫn vứt rác thải bừa bãi ngay trên mương nước, lối đi, thậm chí ngay trên chính thửa ruộng vừa canh tác.




Hàng năm, có hàng chục tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đã qua sử dụng vứt vương vãi khắp nơi.
Công tác thu gom rác thải ở xã hiện chỉ được tổ chức 1–2 lần mỗi năm, lồng ghép trong các đợt ra quân làm thủy lợi. Sau đó, rác thải được đem đi đốt chung với các loại rác sinh hoạt.
Chia sẻ về thực trạng này, bà Hoàng Thị Hà, Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm Đức Hậu (xã Diễn Thịnh), cho biết: “Rác thải vứt bừa bãi rất nhiều, đặc biệt trong các đợt ‘cao điểm’ sử dụng thuốc. Bình thường, mỗi tuần tôi phải tự đi thu gom một lần, cho vào túi nylon rồi bỏ vào điểm tập kết rác sinh hoạt để xe thu gom mang đi. Vào những thời điểm ít thuốc hơn, tôi mới gom lại sau vài ba tuần, thậm chí cả tháng”.
Thêm ý thức quan trọng như thêm bể chứa
Theo tìm hiểu, mỗi năm nông dân Nghệ An sử dụng khoảng 300 - 400 tấn thuốc BVTV. Lượng bao bì, vỏ chai thải ra môi trường cũng lên tới 25 - 30 tấn. Dù đã có các bể chứa tập trung để thu gom rác thải, nhưng thực tế, tình trạng vứt bỏ bừa bãi vẫn còn diễn ra phổ biến, gây ô nhiễm môi trường.
Đây là một thực trạng đáng báo động, cần sớm có giải pháp xử lý quyết liệt. Theo các nghiên cứu, chỉ khoảng 40% lượng thuốc BVTV sau khi phun mới tiếp xúc và phát huy hiệu quả với sâu bệnh. Hơn 50% còn lại bị bay hơi vào không khí, tồn đọng trong bao bì hoặc bị nước mưa rửa trôi, theo dòng chảy thấm vào kênh mương, ao hồ.

Nơi có bể chứa nhưng lại thiếu nắp, nhiều thùng bị hư hỏng, khiến chúng hầu như không phát huy được tác dụng.
Hệ lụy từ việc này là không nhỏ: thuốc và hóa chất tồn dư không chỉ ngấm vào đất và nguồn nước, làm thoái hóa đất canh tác, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, mà còn đe dọa trực tiếp sức khỏe con người. Khi tiếp xúc với các chất độc hại trong bao bì thuốc, dù trực tiếp hay gián tiếp qua thực phẩm, nước uống, con người có thể mắc các bệnh về da, hô hấp, thần kinh, thậm chí là ung thư.
Nam Định: 'Ám ảnh' vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan bờ ruộng, kênh mương
Thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục được sử dụng, tiểu thương vẫn công khai bày bán
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An, dù đã có quy trình xử lý rác thải thuốc BVTV, nhưng việc triển khai trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí và ý thức người dân còn hạn chế.
"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức trực quan, có tính lan tỏa để thay đổi nhận thức người dân. Tuy nhiên, nhiều địa phương đến nay vẫn chưa có bể chứa; người dân tiếp tục vứt bao bì, vỏ chai bừa bãi ngoài đồng hoặc lẫn vào rác sinh hoạt. Việc thu gom lại không thường xuyên, trong khi nhiều bể chứa thì không có nắp đậy, gây ô nhiễm nghiêm trọng", ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An cho biết.
Theo quy định, hành vi không thu gom, không bỏ đúng nơi quy định bao bì thuốc BVTV sau sử dụng có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tối đa lên tới 500.000 đồng. Thẩm quyền xử phạt thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã. Vì vậy, vai trò của chính quyền địa phương không chỉ dừng ở tuyên truyền mà còn phải tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm một cách quyết liệt hơn.

GĐXH - Việc lạm dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu để bảo vệ cây trồng cũng là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, cần tuyên truyền người dân thực hiện phong trào thu gom, xử lý bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để bảo vệ môi trường, sức khỏe con người.