Đầu tháng 9 tại Trường Sa, thời tiết vẫn còn mang hơi thở của mùa hè. Đây cũng là lúc giao mùa, mưa lớn bất chợt, biển cả có thể trở nên thất thường đi cùng những cơn bão. Tin tức dồn dập về cơn bão Yagi đang quần thảo Biển Đông khiến cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa “đứng ngồi không yên”.

Qua sóng điện thoại, Thượng tá Phạm Tiến Điệp, chính trị viên đảo nói dằn từng tiếng như lo ngại tiếng sóng, tiếng gió có thể làm bạt đi tiếng anh: “Sóng lớn khiến việc đi lại từ đất liền ra đảo gặp khó khăn; một số em học sinh chưa thể trở lại trường sau kỳ nghỉ hè.

Bao năm bôn ba ở nơi đầu sóng ngọn gió, cán bộ chiến sĩ chúng tôi đã dạn dày kinh nghiệm đối phó với bão tố nhưng điều chúng tôi chăm lo nhất, có thể nói là suy nghĩ thường trực, là việc đảm bảo việc học hành cho các con".

w-khai-giang-ts-228-1725504085499-17255040861881038705427.jpg

Các lực lượng trên đảo Trường Sa chuẩn bị lễ khai giảng năm học 2024-2025.

Không giấu nổi niềm vui và sự tự hào, thầy giáo Lê Xuân Hạnh, đang công tác tại đảo cũng chia sẻ: “Suốt từ cuối tháng 8 tới giờ, Trường Sa liên tục mưa lớn, sóng to, biển động nhưng không khí háo hức chào đón năm học mới vẫn lan tỏa khắp đảo.

Phóng viên an tâm, đồng bào ở đất liền an tâm, nhờ có bàn tay và sự yêu thương đùm bọc của các chú bộ đội, Trường Tiểu học Trường Sa hôm nay như khoác lên mình tấm áo mới, rực rỡ sắc cờ hoa. Dưới bầu trời vững vàng của Đất Mẹ, cùng với sự chuẩn bị chu đáo của thầy cô, chiến sĩ và người dân trên đảo, chắc chắn chúng tôi sẽ có một năm học mới đầy hứng khởi và thành công cho các con nơi đây”.

Thầy Hạnh cho biết, trong số 9 học sinh, tới đầu giờ sáng nay, vẫn còn 4 em chưa thể ra được đảo do điều kiện mưa to, sóng lớn.

Ươm mầm non trên đảo

Năm học mới lại về mang theo bao niềm vui và hy vọng, đặc biệt là với thầy giáo Lê Xuân Hạnh, người đã dành trọn trái tim mình cho những mầm non nơi đầu sóng ngọn gió.

Từ mảnh đất Cam Lâm thân thương, thầy Hạnh đã viết đơn tình nguyện vượt hàng trăm hải lý để đến với Trường Sa, nơi biển trời giao hòa, cũng là nơi những khát vọng được ươm mầm. 15 năm gắn bó với học trò vùng cao, 7 năm trước tuổi hưu, thầy vẫn quyết tâm ra đảo, mang theo hành trang là tình yêu nghề, yêu trẻ và khát khao cống hiến.

w-khai-giang-truong-sa-2-229-1725504086853-17255040869921054999809.jpg

Các lực lượng trên đảo chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.

Thượng tá Điệp không giấu nổi xúc động khi nói về thầy Hạnh: “Cả đảo có 9 học sinh, học từ mầm non tới hết lớp 5. Chín gương mặt thơ ngây, chúng tôi cảm nhận mỗi ngày, đó là cả gia tài quý giá của trường Tiểu học Trường Sa và của thầy Hạnh. Thầy yêu thương các con như con cháu ruột thịt; thầy chăm lo từng giấc ngủ, từng bữa ăn.

Và bạn biết đó, Trường Sa sóng gió triền miên nhưng dù có là vào dịp nghỉ hè, dù sóng gió có ngăn cách như thế nào, thầy vẫn luôn hướng về các em, mong chờ ngày đoàn tụ. Và tôi tin rằng, dù có trở về đất liền, các con cũng sẽ nhớ mãi những vần thơ ca ngợi Tổ quốc, thấm đẫm tình yêu với bốn mùa ở Trường Sa. Chúng tôi thật may mắn khi có thầy ở đây”.

w-khai-giang-truong-sa-3-230-1725504087505-1725504087653538359059.jpg

Những học trò "cưng" của thầy Lê Xuân Hạnh.

Thầy Hạnh luôn tâm niệm “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Ngoài kiến thức, tôi và thầy Cao Văn Truyền luôn chú tâm dạy các con về tình yêu quê hương, đất nước, về ý chí vượt khó, vươn lên và trái tim biết phụng sự cộng đồng, phụng sự Tổ quốc.

Tôi mong muốn các em không chỉ giỏi Toán, Tiếng Việt mà còn thành thạo Ngoại ngữ, Âm nhạc. Chúng tôi cùng với Tiến sĩ, bác sĩ Nông Hữu Thọ (bệnh xá Đảo Trường Sa) nỗ lực bổ túc thêm vốn từ tiếng Anh cho các em vào cuối tuần. Thực tế, ở đảo có nhiều cháu thông minh. Nổi trội như trò Trương Nguyễn Triệu Vy học sinh lớp 3 nhưng có thể học được chương trình lớp 4”, thầy Hạnh chia sẻ.

Hạnh phúc cuối đời

5 năm trên đảo, 2 năm nữa dạy ở đất liền, thầy Hạnh sẽ về hưu. “Quãng thời gian ở Trường Sa sẽ mãi là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời tôi, là những ngày tháng tôi được sống trọn vẹn với đam mê, được chứng kiến những mầm non của đất nước trưởng thành nơi mảnh đất linh thiêng của Tổ quốc”, thầy Hạnh giãi bày.

thayhanh-379-1725504088138-17255040883041733336897.jpg

Thầy Xuân Hạnh.

“Vậy mong ước lớn nhất lúc này của thầy là gì?”, tôi hỏi.

Ngậm ngùi một hồi lâu, tôi như nghe rõ cả tiếng sóng Trường Sa vang ở đầu dây bên kia. “Tôi có ba mong ước lớn nhất lúc này. Điều đầu tiên, tôi mong năm học mới, mỗi con có thêm một bộ đồng phục. Thứ hai, tôi ước giá như có cách nào đó nguồn điện ổn định hơn, phục vụ tốt hơn cho việc học của các con, để những chiếc đèn bão nơi đây sẽ chỉ được dùng khi hy hữu.

Thứ ba, tôi mong con trai của tôi sớm đậu công chức, để ước mơ ra Trường Sa dạy học của cháu sớm thành hiện thực. Tôi tin rằng, mảnh đất này sẽ góp phần hun đúc thêm cho con khát vọng về dựng xây đất nước. Là người đã dành 35 năm cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, trong đó có 16 năm ở nơi vùng cao, hải đảo, tôi càng thấu hiểu hơn tình cảm thiêng liêng đó”.

Khai giảng trên đảo xa, nơi sóng gió biển khơi là bản hòa ca của tình yêu thương, của ý chí và khát vọng. Những người thầy như thầy Lê Xuân Hạnh, thầy Cao Văn Truyền, những em nhỏ nơi hải đảo chính là những bông hoa đẹp nhất, tô thắm thêm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Học sinh Đảo Đá Tây bước vào năm học mới

Cách đất liền gần 500km, những ngày này ở đảo Đá Tây (huyện đảo Trường Sa) có hàng trăm ngư dân đang canh tác trên biển vào tránh trú bão Yagi. Không chỉ chăm sóc cho các ngư dân, các cán bộ, chiến sĩ ở đây còn tất bật chuẩn bị đồ dùng học tập, hành trang cho các bé khai giảng năm học mới.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022