Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu có hiệu lực thi hành từ hôm nay, 14/2. Ngay từ khi ban hành, ngày 30/12/2024, Thông tư đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi có rất nhiều điểm mới.
Từ khi thông tư được thực thi, cộng đồng giáo viên, phụ huynh và học sinh trên cả nước đã không ngừng tranh luận về các mặt lợi - hại của quy định mới. Có nhiều người bày tỏ sự tán thành, ủng hộ vì sẽ giảm tải được áp lực cho học sinh, ngăn chặn những tiêu cực phát sinh từ nhiều năm xung quanh chuyện học thêm - dạy thêm. Nhưng ngược lại, cũng không ít người tỏ ra lo lắng về những điều bất cập có thể xảy ra.
Đứng trước bối cảnh ấy, thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trường trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Hải Phòng) đã có những dòng chia sẻ trên trang cá nhân về vấn đề này.
Thầy Quý cho biết, việc dừng học thêm chắc chắn sẽ dẫn đến sự hoang mang, hụt hẫng và khó khăn trong những bước đầu tự học của các em học sinh. Bên cạnh việc động viên, nhắn nhủ học sinh, thầy Quý cũng gửi những lời chia sẻ chân thành đến cộng đồng giáo viên.

Thầy giáo Nguyễn Minh Quý hiện đang là hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi. (Ảnh: TL)
Bức thư ngỏ của thầy đã được lan tỏa trên khắp cộng đồng mạng, nhận về gần 3000 lượt yêu thích, hơn 500 lượt chia sẻ cùng hàng trăm bình luận. Đa số, cộng đồng mạng đều bày tỏ ấn tượng sâu sắc với lá thư mang một chủ đề hết sức nhạy cảm - việc cấm dạy thêm:
"Các trò thân mến!
Cuộc đời là một hành trình dài với nhiều thử thách và cơ hội. Trên hành trình ấy, việc học không chỉ đơn thuần là tiếp thu kiến thức mà còn là quá trình rèn luyện bản thân. Thầy cô chính là những người đồng hành tận tâm, truyền lửa tri thức và dìu dắt học sinh trên con đường trưởng thành.
Nhưng, những áp lực thi cử, đỗ đạt và kỳ vọng của gia đình đã khiến nhiều bạn phải nhờ thầy cô kèm cặp từ khi còn nhỏ, kết quả học tập cũng dần phụ thuộc vào việc tham gia những buổi học như vậy. Điều này khiến việc tự học không hình thành hoặc nếu có sẽ dần bị lãng quên.
Chỉ trong vài ngày tới, thói quen “học thêm” sẽ phải dừng lại. Chắc chắn có sự hụt hẫng, hoang mang, thậm chí là khó khăn lớn xuất hiện. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để các em tìm lại sức mạnh nội tại: tinh thần tự học. Lúc đầu, tự học có thể khó khăn, mệt mỏi và kém hiệu quả. Nhưng làm quen và thuộc dần thì tự học sẽ trở thành một nguồn sức mạnh to lớn, giúp các em vững vàng đối mặt với thử thách và thành công trong tương lai.
Tự học không chỉ là kỹ năng, mà còn là nền tảng để hình thành ba phẩm chất quan trọng: Thứ nhất, tự tin – Chìa khóa thành công; Thứ hai, tự giác – Ngọn đèn soi sáng con đường học tập; Thứ ba, tự chủ – Bước vững vàng trong thử thách"...- Thầy Quý viết.
Qua từng dòng chữ, thầy mong muốn khuyến khích sự tự tin, khả năng tự học và tư duy sáng tạo của học sinh bởi đây là những yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển lâu dài của các em.
Bên cạnh đó, thầy Quý cũng chỉ ra những tác động tiêu cực khi học sinh phải gánh chịu quá nhiều áp lực từ việc dạy thêm: sức khỏe tinh thần và thể chất bị ảnh hưởng, thời gian nghỉ ngơi, vui chơi bị cắt giảm, điều này dẫn đến khả năng phát triển toàn diện bị hạn chế.
Điều này cũng cho thấy, theo thầy, không chỉ có kiến thức sách vở mà sự phát triển của con người còn phụ thuộc vào một môi trường học tập lành mạnh, cân bằng giữa học tập và giải trí.
Đáng chú ý, trong bức tâm thư, thầy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giảng dạy trong giờ học chính quy. Thay vì phụ thuộc vào các lớp học thêm, các trường cần tập trung cải thiện phương pháp giảng dạy, tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả.
Dành lời chia sẻ với đồng nghiệp, thầy Quý viết: ..."Sẽ không dễ dàng khi không dạy thêm. Cuộc sống và công việc chắc chắn sẽ khó nhọc và khó khăn. Khó nhọc vì nhiều học trò của chúng ta chưa có thói quen tự học, cần nhiều thời gian để hình thành. Mà những khi ấy, việc dạy học sẽ trở nên nhọc mệt hơn bao giờ hết. Khó khăn vì thu nhập giáo viên có sự sụt giảm đáng kể. Trước đây, nhiều thầy cô đã tận dụng cả giờ nghỉ, giờ ăn để dạy kèm học sinh, vừa giúp trò tiến bộ, vừa đảm bảo cuộc sống cá nhân. Nay, sự thay đổi này đặt ra thách thức lớn với mỗi thầy cô.
Tôi hiểu rằng dạy học chưa bao giờ là dễ dàng, và dạy thêm càng không đơn giản. Mỗi thầy cô đã thực sự lao động và nhận về những gì xứng đáng – trong đó có sự nhẫn nại, kiên trì, động viên, chăm chút cho học trò mà bản thân từ “dạy thêm” chưa bao giờ nói đủ. Nhưng hôm nay, chúng ta lại tiếp tục là những người làm gương, thể hiện sự thích nghi và quyết tâm.
Dù không còn dạy thêm, chúng ta vẫn sẵn sàng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến khi có thể. Chúng ta cũng cần có thêm thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và cơ hội luyện nghề hơn. Tôi muốn gửi đến các đồng nghiệp của mình sự thấu hiểu và sẻ chia. Chúng ta hãy luôn là một tập thể đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Tôi không hoàn toàn đồng tình với một câu nói sau đây, nhưng tôi biết ở đó ít nhiều có lý và có tình với nghề giáo chúng ta hiện nay: Nhẫn nhịn để kiếm cơm, Nhọc nhằn vì cao quý"...
Bức tâm thư của thầy giáo Nguyễn Minh Quý giống như 'tiếng gọi chung' của toàn bộ cộng đồng giáo dục nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục toàn diện, nơi mà áp lực học tập được kiểm soát và sự phát triển con người được đặt lên hàng đầu. Đây chín là thông điệp quý báu nhắc nhở mỗi người cùng tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, nơi mà việc học không còn là gánh nặng mà là động lực để khám phá, sáng tạo và trưởng thành.
Có thể nói, giáo dục không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là quá trình nuôi dưỡng tâm hồn, rèn luyện nhân cách và xây dựng tương lai bền vững cho thế hệ trẻ. Đây là thông điệp mà mỗi người trong ngành giáo dục, cũng như mỗi bậc phụ huynh cần phải thấm nhuần và chung tay thực hiện.




Bức tâm thư của thầy giáo Nguyễn Minh Quý gửi thầy cô và học trò trường THPT Mạc Đĩnh Chi.

GĐXH - Những năm gần đây, đề án tuyển sinh văn bằng 2 công an nhân dân đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là đối với công dân đã tốt nghiệp đại học muốn chuyển hướng vào ngành Công an.

GĐXH - Đang đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, chị Chu Thị Th.(Nghệ An) bất ngờ khi biết chồng mình mới chụp ảnh cưới cùng một cô bé 15 tuổi.

GĐXH - Sở hữu chiều cao 1m72 cùng gương mặt xinh đẹp, Anh Thơ (quê Bắc Ninh) đã gây ấn tượng trên sân đấu vật tại các hội làng nhiều năm qua.

GĐXH - Mặc dù chủ quán bún riêu đã hoàn tiền, xin lỗi khách hàng về việc thu 1,2 triệu đồng 3 bát bún riêu nhưng vẫn nhận về nhiều lời bình luận bày tỏ sự không ủng hộ.