Thị trường âm nhạc và giải trí tại Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ của làn sóng hâm mộ thần tượng, kéo theo đó là sự gia tăng đáng kể về chi tiêu của giới trẻ với những khoản chi từ nhỏ đến lớn dành cho album, concert, quà tặng và cả những chiến dịch quảng bá hoành tráng.
Văn hóa thần tượng tại Việt Nam không phải là một hiện tượng mới nhưng sự trỗi dậy mạnh mẽ của nó trong thời gian gần đây đã tạo nên một bức tranh hoàn toàn khác biệt. Trước đây, sự ủng hộ dành cho các nghệ sĩ chủ yếu ở mức độ theo dõi và thưởng thức sản phẩm. Nhưng gần đây, hiệu ứng lan tỏa từ các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đã kích hoạt một làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt, thể hiện rõ qua các hoạt động quy mô lớn.
Cộng đồng người hâm mộ (Fanclub - FC) không chỉ dừng lại ở việc ủng hộ trực tuyến mà còn tích cực tổ chức các dự án đồng hành, từ việc "phủ sóng" concert bằng những dự án hoành tráng, đến việc "săn lùng" vé các show âm nhạc và chi mạnh tay cho quà tặng. Sự thay đổi này cho thấy một bước tiến lớn trong văn hóa thần tượng Việt Nam, nơi mà sự ủng hộ không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn qua hành động và sự đầu tư tài chính đáng kể.

Dự án roadshow do FC thực hiện để quảng bá hình ảnh cho thần tượng (Ảnh: RHYDER's Supporters HCM)
Ngày càng phổ biến hình ảnh giới trẻ không ngần ngại chi tiền cho những món đồ liên quan đến thần tượng. Từ việc mua album, vé concert, lightstick, quà tặng, đến việc quyên góp cho các dự án của thần tượng cho thấy mức độ chi tiêu của giới trẻ cho trải nghiệm này ngày càng tăng cao.
Chu Thị Thảo My (22 tuổi, Lạng Sơn) cho biết: "Trước đây, mình hâm mộ thần tượng nước ngoài và cũng có mua album ủng hộ. Bây giờ khi hâm mộ nghệ sĩ nội địa, mình cũng thể hiện tình cảm bằng cách ủng hộ các sản phẩm nghệ sĩ quảng cáo, mua vé concert, fanmeeting…Mình thấy đây là một trải nghiệm đáng nhớ của tuổi trẻ và sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm này".
Những hoạt động như gửi xe tải đồ ăn tiếp ứng (foodtruck), phát quà miễn phí, dựng booth, chạy màn hình LED, chạy xe buýt quảng bá vốn là nét văn hóa đặc trưng của thị trường âm nhạc nước ngoài, nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa fandom Việt Nam. Sự chuyên nghiệp và nhiệt huyết mà các FC thể hiện khi tổ chức những hoạt động này cho thấy, giới trẻ Việt Nam không hề e ngại việc bỏ ra tài chính và công sức cho những hoạt động này.
"Việc ủng hộ thần tượng của mình không chỉ dừng lại ở các hoạt động tương tác trực tuyến mà còn bằng nhiều cách khác nhau. Mình đã mua những món đồ trong fankit của nghệ sĩ và cả những sản phẩm mà họ quảng cáo để góp phần tăng doanh số. Gần đây nhất, mình và một người chị đã thực hiện dự án chạy quảng cáo LED ở Mỹ để quảng bá hình ảnh cho người mình hâm mộ nhân dịp Concert Anh Trai Say Hi Day5 và chúc mừng thần tượng đạt giải "Nghệ sĩ mới của năm" tại Lễ trao giải Cống hiến lần thứ 19", Nguyễn Thị Thúy Vy (21 tuổi, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Màn hình LED quảng bá nghệ sĩ Dương Domic tại Mỹ được Thúy Vy và các thành viên trong nhóm thực hiện. (Ảnh: Thúy Vy)
Với các bạn học sinh, do kinh tế còn hạn chế nên thường nhận được sự hỗ trợ từ phụ huynh, những người đang dần cởi mở hơn trong việc ủng hộ đam mê của con em mình. Đối với sinh viên và những người trẻ đã đi làm, họ có sự độc lập về tài chính hoặc có những trường hợp vay mượn, tận dụng các khoản tiết kiệm để ủng hộ thần tượng của mình.
Chia sẻ với chúng tôi, tiến sĩ Hoàng Thị Thu Hà (Khoa Công nghiệp văn hóa và di sản, trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết có hai nguồn động lực chính thúc đẩy hành vi này.
Thứ nhất là động lực tự thân, bản chất của việc này là tiêu thụ mà trong đó sản phẩm của thần tượng được xem như một loại hàng hóa trong ngành công nghiệp văn hóa, có cung có cầu. Khi người hâm mộ chi tiền, động lực rõ ràng nhất là để thỏa mãn cảm xúc. Ví dụ, nếu không mua được vé giá rẻ do trực tiếp ban tổ chức bán, họ sẵn sàng chi trả gấp nhiều lần cho vé chợ đen vì họ cảm thấy xứng đáng, vì nó đáp ứng nhu cầu cảm xúc của họ. Nhu cầu được trải nghiệm năng lượng và không khí đặc biệt của một buổi hòa nhạc với hàng nghìn người tham gia là chính đáng.

Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Hà cho rằng có sự thay đổi tích cực trong cách nhìn nhận về sự ngưỡng mộ và hỗ trợ nghệ sĩ. (Ảnh: NVCC)
Tiếp theo là do tác động không nhỏ đến từ mạng xã hội. Về cơ chế, mạng xã hội tạo ra một môi trường tâm lý đặc biệt, nơi mà cảm giác về "mệnh lệnh" và sự thôi thúc được hình thành. Khi một lời kêu gọi được đăng tải, rất nhiều người cùng lúc hưởng ứng, tạo ra hiệu ứng đám đông, có rất nhiều fan ủng hộ nên bản thân mỗi người hâm mộ cũng ủng hộ để thể hiện sự thích thú đối với các dự án và thể hiện tình cảm của mình dành cho nghệ sĩ.
"Khi FC mình tham gia kêu gọi ủng hộ vào dự án vào các dịp kỷ niệm, đặc biệt là các dự án thiện nguyện làm mình rất thích thú. Mình thấy mọi người ủng hộ rất nhiệt tình nên mình cũng muốn đóng góp một chút, không quan trọng số tiền bỏ ra là bao nhiêu mà quan trọng là tình cảm của mình với thần tượng", Thảo My chia sẻ.
TS Hoàng Thị Thu Hà cho biết thêm, hiện nay quan điểm của công chúng về sự ngưỡng mộ và hỗ trợ nghệ sĩ đã có sự thay đổi rõ rệt. Dù việc ủng hộ thần tượng đã xuất hiện từ trước, song quy mô và sự xuất hiện trên truyền thông gần đây đã tăng đáng kể. Đặc biệt, sau thành công của hai chương trình "anh trai" và "anh tài", sự đầu tư cho thần tượng và sự quan tâm của truyền thông đại chúng đối với vấn đề này gia tăng mạnh mẽ.
Từ những năm về trước, các hoạt động của FC đã được ghi nhận trong các ấn phẩm như Hoa Học Trò và Sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công chúng đã thể hiện sự quan tâm lớn hơn, có lẽ do các đơn vị báo chí thực hiện nhiều phóng sự, phản ánh tính nghiêm túc và quy mô của những hoạt động này.

Các dự án của FC được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp. (Ảnh: "Thuận" Buồm Xuôi Gió)
"Có sự thay đổi tích cực trong cách nhìn nhận mối quan hệ giữa người hâm mộ và thần tượng. Thay vì những định kiến, mọi người đã có thái độ cởi mở hơn. Khác với trước đây, khi việc mua album hay thẻ ảnh (card) của thần tượng thường được giữ kín thì ngày nay, sự ủng hộ này đã trở nên thoải mái hơn. Ví dụ, bố mẹ có thể xem việc mua vé concert như một phần thưởng cho con khi đạt kết quả tốt trong học tập. Điều này cũng góp phần kích thích đến thói quen tiêu dùng của các bạn trẻ", Tiến sĩ chia sẻ.
TS Hoàng Thị Thu Hà cũng chỉ ra rằng, các nghệ sĩ và chương trình âm nhạc tại Việt Nam ngày nay đã có sự thay đổi đáng kể, mang đến những trải nghiệm ngày càng chất lượng cho khán giả. Điều này dẫn đến việc người hâm mộ sẵn sàng chi trả nhiều hơn. Do đó, việc họ bỏ ra nửa tháng hay cả tháng lương là quyết định của mỗi cá nhân để thỏa mãn được nhu cầu về trải nghiệm, cảm xúc.
"Thần tượng đối với mình không chỉ mang lại trải nghiệm về giải trí mà họ còn truyền cho mình rất nhiều động lực trong cuộc sống. Nếu có cơ hội, mình mong muốn được tặng họ những món quà nhỏ, có thể không quá cầu kỳ nhưng chứa đựng nhiều tình cảm mà mình muốn gửi gắm", Tô Lương Thúy Hằng (22 tuổi, Hà Nội) tâm sự.
Theo Hằng chia sẻ, mức chi phí mà cô bỏ ra ủng hộ nghệ sĩ tùy thuộc vào khả năng chi trả lúc đó. Với Hằng, việc ủng hộ thần tượng là một niềm vui và không để ảnh hưởng đến những nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống.

Chỉ trong 1 tháng, tính riêng hai sàn Shopee và TikTok Shop, sản phẩm này đã ghi nhận doanh thu 8,8 tỉ đồng.

Những video lịch sử do AI tạo ra đang bùng nổ trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem.

GĐXH - Trên TikTok, hàng loạt video biến ảnh chân dung thành nhân vật Snoopy hoặc Chibi đang gây sốt. Không chỉ là một trào lưu giải trí, xu hướng này còn phản ánh mong muốn tìm về ký ức tuổi thơ của nhiều người. Bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), bất kỳ ai cũng có thể tạo ra một bức tranh hoạt hình đáng yêu mà không cần kỹ năng vẽ chuyên nghiệp.