Nguyễn Phước Bảo Khôi công tác ở Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, là đồng tác giả của nhiều sách giáo khoa, sách tham khảo môn ngữ văn và là cái tên thường được báo chí phỏng vấn sau mỗi kỳ thi ở bậc trung học phổ thông. Nhưng, không chỉ có vậy, anh còn là tác giả của bài thơ Chào Xuân trong Tiếng Việt 1, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo.

Nguyễn Phước Bảo Khôi là con trai của nhà thơ Kim Tuấn, người có khá nhiều bài thơ nổi tiếng, được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc.

“Nhà thơ không chuyên” Nguyễn Phước Bảo Khôi

Bài thơ ra đời từ áp lực

* Anh là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM và dường như chưa có ý định trở thành nhà thơ, nhưng thật ngạc nhiên khi thấy bài thơ "Chào Xuân" trong "Tiếng Việt 1". Bài thơ này đã ra đời và đi vào sách giáo khoa như thế nào vậy anh?

- Thực ra bài thơ ấy ra đời từ áp lực công việc, chứ không phải từ cảm hứng. Tôi được chủ biên phân công soạn bài về Tết quê emchosách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2, bộ sách Chân trời sáng tạo, do phần vần trong bài cần ôn luyện cho học sinh khá khó và không tìm được ngữ liệu thơ tương thích với nội dung và yếu tố trên, nên tôi đành phải đánh liều… sáng tác.

Vì vậy mà tôi có bài Chào Xuân, lại xuất hiện như một tác giả có thơ được in trong sách giáo khoa hẳn hoi (cười).

Cũng xin tiết lộ thêm, năm 2013, tôi -"nhà thơ không chuyên" Bảo Khôi - đã xuất bản một tập thơ mang tên Con đường, đồng tác giả với người cha quá cố của mình: Thi sĩ Kim Tuấn. Tập thơ ấy tôi thực hiện để tưởng niệm 10 năm ngày mất của cha.

chao-xuan-17302515036131910429191.jpeg

Bài thơ “Chào Xuân” trong “Tiếng Việt 1”, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo

* Anh thường đón nhận mùa Xuân và những ngày Tết trong cảm xúc như thế nào?

- Vì công việc khá áp lực và thường bận rộn, nên với tôi, những ngày nghỉ lễ, đặc biệt là dịp Tết, vô cùng quý giá. Trong những ngày chuẩn bị cho Tết và đón Tết, tôi quan tâm nhất 3 việc: Lau dọn trưng bày bàn thờ gia tiên, thăm viếng chúc Tết những người thân quý và đoàn tụ cùng gia đình 2 bên trong những bữa cơm đầm ấm. Do vậy, nghĩ về mùa Xuân, về ngày Tết, trong tôi không có gì khác ngoài 2 chữ "thiêng liêng".

con-duong-17302515036221959008839.jpeg

Tập thơ “Con đường” của hai cha con Kim Tuấn - Bảo Khôi

* Người đọc có thể thấy bài thơ "Chào Xuân"không phải là một mùa Xuân trong ký ức. Anh có cân nhắc điều này khi sáng tác không?

- Khi sáng tác bài này, tôi đã tự đặt ra cho mình 3 tiêu chí: Sự giản đơn trong từ ngữ, chú ý tô đậm yếu tố miêu tả, nhấn mạnh đến những đặc trưng của ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Giải quyết tình huống cụ thể của người viết là một yêu cầu nhất thời, hướng đến tính đa trị (về nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ…) của một tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi mới là điều khiến tôi trăn trở nhất.

"Khi làm một giáo viên dạy ngữ văn, tôi thấy nghề nghiệp này yêu cầu bản thân mình phải có sự nghiêm cẩn của một nhà giáo, công phu trau dồi của một nhà nghiên cứu và sự thấu cảm cần thiết với nhân sinh của một nhà văn" - Nguyễn Phước Bảo Khôi.

Đang làm một nghề "3 trong 1"

* Ai là người đầu tiên đã gieo cho anh tình yêu văn chương và nó tiếp tục được nuôi dưỡng như thế nào? Nếu không trở thành nhà giáo thì anh có nghĩ mình sẽ là nhà thơ không?

- Tôi là hậu duệ đời thứ 6 của Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm, cha tôi là nhà thơ Kim Tuấn, do vậy, tôi nghĩ ít nhiều mình cũng được thừa hưởng tình yêu văn học từ nhiều thế hệ đi trước. Trong thư viện gia đình, cha tôi lưu giữ rất nhiều tập thơ mà ông sưu tầm hoặc được biếu tặng.

Tôi nhớ một kỷ niệm hồi nhỏ, nhờ 2 bài văn tả cô giáo và ông ngoại được mẹ sửa cho cẩn thận mà tôi chuyển từ đội tuyển toán sang học đội tuyển văn của Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM). Cứ thế, tôi vào lớp chuyên văn của Trường THCS chuyên Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), rồi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM), rồi theo học ngành sư phạm ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Tình yêu đối với văn học của tôi có lẽ đã được gieo và tiếp tục nuôi dưỡng như thế.

Dẫu vậy, nếu không phải là một giáo viên, tôi sẽ không theo đuổi văn chương ở mảng sáng tác, vì tôi thấy nhà thơ nói chung còn nghèo hơn nhà giáo (cười). Khi làm một giáo viên dạy ngữ văn, tôi thấy nghề nghiệp này yêu cầu bản thân mình phải có sự nghiêm cẩn của một nhà giáo, công phu trau dồi của một nhà nghiên cứu và sự thấu cảm cần thiết với nhân sinh của một nhà văn. Đang làm một nghề 3 trong 1 như thế, dù cũng vất vả, nhưng tôi thấy khá ổn, nên chưa có nhu cầu chuyển nghề hoặc thêm nghề (cười).

bao-khoi-2-17302515035561106890723.jpeg

* Việc học tiếng Việt và ngữ văn ở các cấp học thường xuyên gặp phải những phản ứng trái chiều của dư luận. Nói một cách thẳng thắn thì điều này cho thấy ít nhiều bối rối của ngành giáo dục đối với bộ môn văn và tiếng Việt. Là người trong ngành giáo dục và trong hội đồng biên soạn sách giáo khoa, anh có ý kiến gì về nhận xét này?

- Có lẽ cảm nhận của tôi mang nặng tính chủ quan, nên tôi luôn cho rằng chương trình dạy và sách giáo khoa thay đổi chỉ có giáo viên môn ngữ văn là khổ nhất. Đã vậy, cũng chỉ có môn ngữ văn là nhận được sự quan tâm nhiều nhất, thậm chí là quá mức cần thiết của dư luận.

Tôi cũng xin nói một cách rất thẳng thắn là hiện tượng và bản chất có sự khác biệt rất lớn.Bản thân tôi chưa bao giờ dám nêu ý kiến đánh giá của mình về ngành nghề khác, về lĩnh vực khác chuyên môn của mình. Do vậy, tôi rất mong dư luận trước khi phán xét cần có sự chia sẻ, thông cảm và hiểu biết thấu đáo. Khi nói điều này, tôi không nhân danh một người trong ngành giáo dục, cũng không phát biểu với vai trò một người biên soạn sách giáo khoa.

bao-khoi-1-1730251503478234953423.jpeg

* Một trong những hiệu quả của việc học môn ngữ văn - tiếng Việt là học sinh có kỹ năng viết tốt, dễ dàng trình bày những suy nghĩ của mình về một bài thơ, văn hoặc các đề tài đang theo đuổi. Theo dõi chương trình học hiện nay thì thấy dành khá nhiều đất cho kỹ năng viết, có lẽ việc viết của học sinh đã được cải thiện khá tốt phải không, thưa anh?

- Quả là kỹ năng viết đã được coi trọng hơn trong chương trình ngữ văn mới và các bộ sách giáo khoa tương ứng. Với kiểu bài đa dạng, phương pháp dạy học được đổi mới khoa học và quy củ hơn, nội dung dạy học đã tạo cơ hội nâng cao kỹ năng viết cho học sinh.

Dẫu vậy, áp lực thi cử, đặc biệt là những kỳ thi cuối cấp, trình độ không đồng đều của các địa phương về cả người dạy lẫn người học, cùng một số lý do khác khiến tôi dù hy vọng nhưng chưa thể vội khẳng định kỹ năng viết của học sinh đã được cải thiện khá tốt.

* Vậy anh có trăn trở về việc làm thế nào để gieo cho trẻ tình yêu tiếng Việt ngay từ lúc bước chân đến trường không?

- Cá nhân tôi cho rằng muốn gieo cho trẻ tình yêu tiếng Việt ngay từ ngày đầu đến trường, điều đó phụ thuộc vào người dạy và nội dung dạy học.

Với người dạy, kiến thức vững vàng, tình yêu trẻ, tình yêu tiếng Việt chân thành, sâu sắc sẽ chi phối việc họ lựa chọn, sử dụng phương pháp dạy học nào để thực hiện tốt mục tiêu giúp trẻ thêm yêu tiếng Việt. Với nội dung dạy học, việc lựa chọn ngữ liệu cực kỳ quan trọng, vì có ngữ liệu phù hợp, có giá trị, mới tạo được cảm hứng, động lực cho cả người dạy lẫn người học.

* Triết lý giáo dục của anh khi dạy môn ngữ văn cho học sinh là gì?

- Tôi không có thói quen nói nhiều về triết lý dạy học, dẫu vậy, tôi chịu ảnh hưởng từ cha tôi (cũng là một giáo viên) và câu chuyện vô tình được nghe từ nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần để hình thành nên quan niệm: Khi dạy học, hãy cố gắng nói dễ hiểu những gì khó hiểu. Hãy cố gắng nói những gì cần thiết nhất cho học sinh để các em có thể sử dụng thực tế trong thi cử và trong cuộc sống.

Hãy giúp các em hiểu rằng cần đọc khám phá tác phẩm văn học để thấy nghĩa và ý nghĩa của chúng là một quá trình được kiến tạo, bồi đắp liên tục, chứ không phải đóng khung, bó hẹp trong những điều được nghe thầy cô giảng.

Quan niệm này đã chi phối cách tôi lựa chọn nội dung, phương pháp truyền đạt, tôi cũng linh hoạt trong sự lựa chọn này với từng đối tượng người học.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Nguyễn Phước Bảo Khôi sinh năm 1982 tại TP.HCM. Hiện anh là giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Anh dạy bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi toàn quốc môn ngữ văn cho TP.HCM và các tỉnh từ năm 2016 đến nay.

Đồng biên soạn sách Ngữ văn 8, tập 2, bộ Cánh diều.

Chủ biên, đồng chủ biên nhiều bộ sách tham khảo phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10…

Nhà thơ Đỗ Bạch Mai: "Thơ tôi buồn nỗi buồn của người đàn bà"

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022