Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang trưng bày một cây đèn Đông Sơn mà chân đèn là một tượng voi rỗng với thần thế rất "Đông Sơn", gồm cả quản tượng và người ôm cột chân đèn ngồi phía sau…

1. Cách đây gần một năm, cũng ở chuyên mục này, tôi đã có một bài viết về "Voi Đông Sơn". Khối tượng chân đèn này nằm trong một hệ phong cách chân đèn tượng thú với ba loài ăn cỏ làm chủ đạo: voi, huơu và bò. Loại chân đèn hình thú này phát hiện tập trung ở vùng miền núi Thanh Nghệ, loại hình Đông Sơn Làng Vạc. Vì vậy, rất nhiều khả năng chúng đại diện cho loại hình chân đèn mang đậm chất quý tộc Âu Lạc.

Những thú đỡ chân đèn này đều được đúc rỗng, tạo không gian bên trong là phần có thể chứa dầu đèn dùng xuyên đêm. Do đúc rỗng, thành mỏng nên các chân đèn hình thú này rất hiếm khi còn nguyên vẹn. Chính vì vậy, cây đèn nhiều đĩa do voi đỡ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia được coi như một hiện vật Đông Sơn hiếm có khi nói về chủ đề "tạo sáng" Đông Sơn.

Toàn cảnh cây đèn 5 đĩa chân đế tượng voi (Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội)

Nếu tôi nhớ không nhầm thì cây đèn chân đế hình tượng voi này được xuất hiện trong trưng bày 85 năm kỷ niệm Văn hóa Đông Sơn (1924 - 2009) và tôi đã kịp chụp ảnh đưa vào trang 552 trong cuốn sách "Hà Nội thời tiền Đông Sơn" do NXB Hà Nội xuất bản năm 2010.

Đây là một kiểu chân đèn phức hợp, gồm một đĩa đèn trên đỉnh và 4 đĩa đèn có tay đỡ có thể xoay ra bốn góc. Từ chân voi sát đất đến đỉnh đĩa đèn trên cùng cao khoảng 80cm, rộng ngang khoảng 70cm. Mỗi đĩa đèn là một chiếc đèn độc lập, có lỗ ở chính giữa đáy để có thể đặt cố định vào cần tay đèn, đồng thời có một phần cán làm tay cầm khi chủ nhân cần mang đi nơi khác. Nhờ sự may mắn còn khá nguyên vẹn, chúng ta dễ dàng nhận ra cấu trúc mỹ thuật cũng như ý tưởng tâm linh của chủ nhân cây đèn.

Hoàn toàn không có rồng và công hay bất kỳ linh thú trong bộ tứ linh quen thuộc đến từ phương Bắc. Cây đèn chạm đất bằng bốn chân voi đứng dạng ra bốn phía rất vững chãi. Voi đực có ngà, thõng cong vòi về phía trong bụng voi. Tai voi xòe nhỏ cùng chiếc đuôi voi cũng gọn nhỏ áp sát vào mông. Chiều cao đo từ mặt đất đến lưng voi là 18cm.

Điều khiển voi là một quản tượng ngồi phía đầu voi. Giữa lưng voi là một ống đỡ lớn cao 6cm, bằng khoảng chân voi và độ rộng khoảng 2,5m, lớn hơn hẳn so với chân voi. Khối ống hình trụ này phải thiết kế để đủ sức đỡ cả khối kiến trúc rất dễ đổ bên trên, tạo hình như một cây nêu cao gấp 4 lần chiều cao con voi chân đế và hai tầng giàn đèn có độ cành rộng gấp ba lần chiều thân voi.

Sau này, dựa vào kích thước nguyên mẫu, chúng tôi có tiến hành phục dựng đúc copy lại một cây đèn tương tự và mới thầm cảm phục tính toán siêu đẳng của thợ cả Đông Sơn khi đặt rất chính xác vị trí trọng tâm của chân cột trên lưng voi, nơi có một tượng người vòng hai tay ôm đỡ chân cột như cách gia cố phần trụ đỡ này.

Từ trụ đỡ cột này sẽ có 4 đoạn cột ngắn hơn lồng vào nhau bằng các ống cối và đầu nhọn. Thớt cột đầu tiên cao khoảng tầm 30cm, phần dưới đúc nhọn đủ đút chặt vào ống chờ sẵn của phần trụ đỡ, phía trên là hai giàn ống đỡ các tay cành đèn. Giàn dưới cách lưng voi 12cm, dàn trên cách 30cm. Hai dàn ống đỡ này đúc vuông góc với nhau để đảm bảo các tay nhánh đỡ đĩa đèn quay đều ra bốn phía. Mỗi dàn có hai ống đỡ tay đèn.

den2ghep1-17254928628701596226586.jpg

Hình trái đặc tả phần tượng voi chân đèn với quản tượng trên đầu và người ngồi ôm giữ chân cột đèn trời. Hình phải là đặc tả đĩa giữ chân đèn trời trên thượng đỉnh với hai võ tướng cầm kiếm và đôi cừu nằm dưới chân (hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

2. Như vậy, nếu chỉ dừng ở đây thì chủ nhân đã có thể có một cây đèn 4 đĩa. Nhưng điều đáng nói và có lẽ cũng là trung tâm tâm linh của cây đèn nằm ở thớt tiếp theo cao 12cm.

Thớt tiếp theo bắt đầu cắm phần chân rỗng của nó vào đỉnh đã đúc nhọn chờ sẵn của trụ hai dàn đèn bên dưới ở độ cao 38cm tính từ dưới đất lên để dâng một thớt trang trí hình đĩa tròn ở độ cao 50cm tính từ mặt đất.

Ở độ cao này, trong một diện tích hình tròn có đường kính 10,5cm, thợ cả đúc đèn đã tạo hình hai võ sĩ đeo kiếm đứng đối diện nhau, một tay giữ đốc kiếm, tay kia đỡ chân cột. Phần đối diện còn lại là hai con cừu nằm quay đầu về cùng một hướng.

Cụm tượng võ sĩ đeo kiếm và đôi cừu này được đặc tả chỉ để đảm bảo sự an toàn, chắc chắn cho ánh sáng trên đĩa đèn trên cùng, ở độ cao cộng thêm 18cm nữa.

Đĩa đèn này cố định và không có tai để không thể di chuyển, mang đi nơi khác. Ánh sáng của đĩa đèn này là ánh sáng linh thiêng bất di bất dịch, với sự tôn nghiêm được thể hiện nhờ hai võ quan mang kiếm và đôi cừu khiến ta nhớ đến hình tượng những đôi cừu canh mộ nhà quyền quý mà vẫn còn lại tàn dư đậm nét trên nóc mộ Nam Giao học tổ Sĩ Vương Nhiếp ở Tam Á (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Tôi muốn dành buổi "rì rầm" hôm nay để nói trước về cây đèn chùm Đông Sơn với chân đế là một gia thú rất gần gũi và đóng vai trò to lớn trong đời sống tâm linh và trong chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta từ hàng ngàn năm trước.

Cây đèn hôm nay cho ta thấy tâm linh Đông Sơn 3 chiều (3D), 6 hướng đã định hình: Thiên - Địa, Đông - Tây, Nam - Bắc. Thủ lĩnh quân sự và dê cừu có trách nhiệm trông giữ "đèn trời" ở phía trên cùng, trụ vững dưới đất là voi và những người phù trợ. Ánh sáng được chia đều vươn ra bốn hướng. Ngoài sự ổn định vĩnh cửu của đèn trời phía trên cùng thì các đĩa đèn ở bên dưới có thể quay chuyển góc hướng và thậm chí có thể được nâng cầm di chuyển.

den-3-17254928629411115719476.jpg

Phần đĩa đặc tả hai võ tướng mang kiếm cùng đôi cừu quay đầu về cùng một hướng dưới chân đĩa đèn trời (sưu tập CQK, California, Mỹ)

3. Kiểu đèn này không đơn chiếc khi tôi bất chợt phát hiện ra phần thớt trọng yếu nhất và hai cánh tay đèn cùng vài đĩa đèn trong kho của nhà sưu tập Đông Sơn Kiều Quang Chẩn (California, Mỹ). Phần voi đỡ và một nhánh cành đèn của sưu tập CQK không còn nữa, nhưng phần đĩa trên cùng với hai võ quan cầm kiếm và đôi cừu, sau khi được chính tay tôi vệ sinh, tẩy rửa lại hiện ra rất rõ nét và nguyên vẹn, có phần còn rõ hơn cây đèn đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia mà tôi đã mô tả bên trên.

Hiện tại mới chỉ thấy hai chiếc đèn như vậy, có thể còn đâu đó trong các sưu tập tư nhân, nhưng tôi chắc rằng đây là một loại đèn hiếm thấy mang tính nghi lễ tâm linh xã hội cao.

Phần sau, tôi sẽ nói đến cây đèn Lạch Trường, bảo vật quốc gia và Chân đèn hình hổ lớn vào loại nhất từng thấy trong lòng đất nước ta trên dưới 2.000 năm trước, để tạm kết thúc phần "tạo sáng Đông Sơn" trước khi chuyển sang một phần không kém phần hấp dẫn: "Tạo hương" Đông Sơn! Mời quý bạn đọc đón xem.

"Cây đèn hôm nay cho ta thấy tâm linh Đông Sơn 3 chiều (3D), 6 hướng đã định hình: Thiên - Địa, Đông - Tây, Nam - Bắc. Thủ lĩnh quân sự và dê cừu có trách nhiệm trông giữ "đèn trời" ở phía trên cùng, trụ vững dưới đất là voi và những người phù trợ" - TS Nguyễn Việt.

(Còn nữa)

Tạo sáng Đông Sơn (kỳ 4): Đèn Đông Sơn - bình dân, quý tộc và thần linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022