Những cuốn sổ tay của Leonardo da Vinci, được viết mã hóa và chèn những bức phác thảo gây bí ẩn, luôn chứa đựng những bí mật hấp dẫn. Giờ đây, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ một trong những bí ẩn đáng kinh ngạc nhất trong các bức vẽ của vị danh họa này.
Một loạt hầm ngầm bí ẩn, được da Vinci phác thảo vào khoảng năm 1495, đã được phát hiện dưới lâu đài Sforza ở Milan.
Một mạng lưới đường hầm bên dưới một lâu đài được Leonardo da Vinci phác họa vào năm 1495 hiện đã được phát hiện sau hơn 500 năm khiến các nhà sử học bối rối
Hiện chưa rõ mục đích xây dựng những lối đi bí mật này nhưng các chuyên gia nhận định rằng có thể còn nhiều hầm ngầm chưa được tìm thấy.
Mạng hầm bí ẩn này được phát hiện nhờ vào nỗ lực của đội ngũ nghiên cứu từ Đại học Bách khoa Milan, kết hợp cùng các nhà quản lý lâu đài và công ty kỹ thuật Codevintec Italiana.
Họ đã áp dụng một phương pháp mới để quét và ghi lại toàn bộ kết cấu của lâu đài, bao gồm những khu vực bị che giấu suốt hơn 500 năm.
Bằng các công nghệ như quét laser, GPS và radar xuyên đất, các nhà khoa học đã xác nhận những hầm ngầm này gần như hoàn toàn trùng khớp với bức vẽ gốc của Leonardo da Vinci.
TS Francesca Biolo, trường nhóm nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Milan, cho biết:
"Lâu đài Sforza ngày nay nhỏ hơn rất nhiều so với nguyên bản, điều đó có nghĩa là nhiều tàn tích khác vẫn có thể đang nằm sâu bên dưới lòng đất".
Lâu đài Sforza bắt đầu được xây dựng vào năm 1358 nhưng đã bị phá hủy và trùng tu nhiều lần.
Sau khi bản gốc bị phá huỷ vào thế kỷ 15, Công tước Francesco Sforza của Milan đã cho xây dựng lại trên đống đổ nát.
Sổ phác thảo của Leonardo da Vinci cho thấy hai lớp đường hầm (bên trái) và cầu thang xoắn ốc kỳ lạ (bên phải). Các nhà khoa học hiện đã sử dụng những bản phác thảo này để giúp tái tạo bản đồ 3D của lâu đài
Khi Francesco qua đời năm 1466, con trai ông là Ludovico Sforza tiếp quản dự án và mời các nghệ sĩ hàng đầu, bao gồm Leonardo da Vinci, đến trang trí nội thất.
Một trong những hầm ngầm mới được phát hiện kết nối lâu đài với cung Thánh đường Santa Maria delle Grazie, nơi chôn cất vợ của Ludovico - Beatrice d'Este.
Các nhà nghiên cứu suy đoán hầm này có thể được xây dựng để gia đình Sforza dành thời gian tưởng niệm người thân trong sự riêng tư và an toàn.
Sử dụng các cuộc khảo sát radar xuyên đất, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một mạng lưới các đường hầm và phòng bị mất bên dưới khuôn viên của lâu đài thế kỷ 13
Hiện nay, lâu đài Sforza là một điểm du lịch nổi tiếng, chứa ba bảo tàng lớn. Tuy những hầm ngầm này vẫn chưa được mở cửa cho công chúng, các nhà khoa học hy vọng phát hiện này sẽ góp phần giúp làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh về lịch sử của công trình này.
Leonardo da Vinci – Thiên tài toàn năng thời Phục hưng
Leonardo di ser Piero da Vinci, thường được biết đến với cái tên Leonardo da Vinci hoặc đơn giản là Leonardo, là một trong những vĩ nhân vĩ đại nhất của thiên niên kỷ qua.
Leonardo da Vinci được mời đến Lâu đài Sforza vào năm 1495 để giúp trang trí nội thất. Trong thời gian này, ông đã thực hiện một số bản phác thảo về hệ thống phòng thủ quân sự
Với trí tuệ uyên bác, ông chính là động lực thúc đẩy thời kỳ Phục hưng, không ngừng tìm tòi và sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như phát minh, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, khoa học, âm nhạc, toán học, kỹ thuật, văn chương, giải phẫu học, địa chất, thiên văn, thực vật học, viết lách, lịch sử và bản đồ học.
Ông được ghi nhận là người đặt nền móng cho những phát minh mang tính đột phá như dù lượn, trực thăng và xe tăng.
Leonardo chào đời năm 1452 tại vùng đất nay thuộc Italia và qua đời ở Pháp khi 67 tuổi.
Sinh ra ngoài giá thú, ông vẫn vươn lên để trở thành một thiên tài kiệt xuất, cống hiến tài năng của mình tại Milan, Rome, Bologna và Venice.
Những kiệt tác để đời của ông bao gồm Mona Lisa, Bữa tiệc ly và Người Vitruvius.
Lâu đài Sforza ở Milan
Một tác phẩm khác của ông, Salvator Mundi, đã lập kỷ lục thế giới khi được bán với giá 450,3 triệu USD trong một phiên đấu giá của Christie's tại New York vào năm 2017.