Bùi Thị Như Lan là nhà văn người dân tộc Tày. Chị vốn là giáo viên dạy toán, nhưng đến với văn chương như một duyên nợ khó rời, nên tự nhận lấy trách nhiệm viết văn như cách nói hộ nỗi lòng của đồng bào mình. Đoạn trích Tôi học chữ được rút từ truyện Núi đợi được đưa vào sách Tiếng Việt 5, tập 1, bộ Cánh diều, với bút danh Bùi Như Lan.

Đọc Bùi Thị Như Lan thấy một không khí rất riêng của miền núi phía Bắc, ở đó thấm đẫm thiên nhiên trùng điệp và nhiều nét văn hóa của bản làng, có những con người dầu ngỗn ngang tâm sự nhưng luôn sống bằng tấm lòng hiền hậu.

Nối khoảng cách miền núi và miền xuôi

Chị rất vui khi đoạn trích Tôi học chữ được đưa vào sách giáo khoa, bởi bản thân chị luôn trăn trở làm cách nào để học sinh miền núi say mê sự học. Ban biên soạn lấy đoạn trích này đúng với nguyện vọng của chị, muốn lan tỏa thông điệp đến trẻ con bản làng mình: "Cho cháu đến lớp học cái chữ vào đầu cho nó khôn ra".

Nhà văn Bùi Thị Như Lan

Từ cuộc đời của mình, may mắn được sinh ra trong một gia đình trí thức, nên việc học luôn được ưu tiên, chị biết rằng khi một đứa trẻ được trang bị kiến thức tốt thì sẽ có tương lai tươi sáng hơn đón chờ phía trước.

Sự học, đó không chỉ là điều bắt buộc, mà còn nên là sự khao khát được hiểu biết để nhìn thấy thế giới rộng lớn hơn. Ví như cậu bé của đoạn trích trong sách mang niềm khát khao biết chữ để viết thư cho bố và đọc được những gì bố kể, để hình dung được môi trường sống khác nơi mình ở. Cho trẻ em đi học tưởng như là chuyện đương nhiên trong cuộc sống hiện tại, nhưng chị kể rằng, có những người lớn ở vùng cao vẫn hỏi: "Cái chữ có làm no bụng không?" mỗi khi được vận động cho con cháu đến trường.

Về đoạn trích trong sách, chị chia sẻ thêm rằng, cậu bé đó chẳng phải được viết từ một nguyên mẫu ngoài đời, cũng chẳng có bóng dáng tuổi thơ của chị, mà đó là hình ảnh thường thấy ở quê chị một thời. Những gia đình có chồng, cha đi bộ đội và phụ nữ, trẻ em luôn vò võ ngóng trông.

toi-hoc-chu-1723595295358659580516.jpg

Một trang “Tôi học chữ” trong “Tiếng Việt 5”, tập 1, bộ Cánh diều

Ngoài thông điệp ý nghĩa, Tôi học chữ còn thú vị khi được viết từ văn phong khác lạ đối với các em tiểu học miền xuôi, như những câu sau: "Khi mẹ sinh tôi đã sáu mùa lúa thì bố tôi đi bộ đội", "Nhưng cái chữ cất cao trong vở mà không biết bố ở đâu để gửi đi", "A Phin à, đón gói chữ ở xa về nhé!"...

Nếu từ những khơi gợi của trích đoạn ấy giúp học sinh tìm đọc đầy đủ truyện ngắn Núi đợi thì sẽ gặp thêm nhiều thú vị khác. Thử trích một câu tả cảnh trong đoạn mở đầu: "Dãy núi như bức tường thành án ngữ phía Đông sừng sững, đỉnh nhấp nhô răng cưa ẩn mình trong sương mù sớm chiều như con rồng đang nằm phủ phục, ngoảnh đầu về phía thị trấn Khau Luổng". Hay một câu trong đoạn kết tả văn hóa dệt thổ cẩm: "Những tấm vải mẹ tôi vẫn dệt hình con hươu, con nai, mẹ dệt bản Quằng có thác Pu Đí phun nước chạy ầm ầm xuống chân núi, có con Suối Nặm Só dài ra vô tận, cây rừng xanh ngút ngàn đang vươn mình trỗi dậy". Chỉ thế thôi cũng đã thấy khác lạ như thế nào.

nui-doi-17235952954361380603279.jpeg

Một trang của truyện ngắn “Núi đợi”, nơi rút ra đoạn trích “Tôi học chữ”

San sẻ và thấu hiểu phụ nữ miền núi

Bùi Thị Như Lan luôn quan tâm đến thân phận của những người phụ nữ, là một nhà văn sĩ quan, chị thích viết về những người vợ lính... nên bạn đọc sẽ gặp "muôn kiểu vợ lính" trong các tác phẩm của chị. Họ mang nỗi chờ mong, khắc khoải trong thời gian chồng đi làm nhiệm vụ.

Đó là nỗi nhớ nhung, lo lắng, thương cho đứa con ở nhà đang vắng cha và đôi khi là phải đối mặt với cái chết của chồng. Rất thường thấy cái chết trong truyện ngắn của Bùi Thị Như Lan, nhưng bao giờ cũng kết thúc bằng hình ảnh tươi sáng phía trước, sự lạc quan sống. Bởi vì, dù cuộc sống có khắc nghiệt, đau thương đến đâuthì người ở lại vẫn phải tiếp tục sống và thẳm sâu trong mỗi người phụ nữ đều có một sức sống mạnh mẽ.

Hỏi nhà văn nếu ngay tập tức nói về một nét tính cách nổi bật của người phụ nữ miền núi phía Bắc thì theo chị là gì? Chị trả lời: "Có 2 điểm rất dễ nhận thấy, đó là sự chịu đựng đến khôn cùng và không bao giờ nói dối. Lúc nào họ cũng chân chất, thật thà, nhẫn nại".

hoa-mia-17235952955151940431334.jpeg

Tập truyện ngắn “Hoa mía” rất ấn tượng

Chị kể thêm: "Ở miền núi rất thường gặp hình ảnh 2 vợ chồng cắp nách lợn ra chợ bán, xong buổi chợ, hầu như lúc nào người vợ cũng bỏ người chồng say khướt lên ngựa dắt về. Dù phải lo toan mọi việc lớn nhỏ trong nhà,nhưng những người phụ nữ miền núi chu toàn như một thói quen, không hề than vãn…".

Thế nên, chịluôn thấy rằng mình cần phải viết về họ như một cách san sẻ và thấu hiểu nỗi khổ củangười phụ nữ. Bùi Thị Như Lan khai thác nhiều mặt của đời sống người phụ nữ miền núi: về nỗi đau mất chồng, về những cuộc hôn nhân bị gia đình phản đối, về những đứa con vô thừa nhận...

Ở những trang viết ấy thấm đẫm nỗi buồn, nhưng không có giọng văn cay nghiệt, thù hận, mà là những thủ thỉ, tâm tình đằm thắm. Có lẽ vì Bùi Thị Như Lan là một người may mắn với một cuộc sống khá trọn vẹn, nên không có cái ngột ngạt, chất chứa trong văn phong của mình.

"Bố tôi mất sớm, tôi có ngày hôm nay là nhờ mẹ. Tuy nhiên, tôi lại chưa viết một tác phẩm nào về gia đình mình, có lẽ vì với tôi nó phải hoàn hảo" - Bùi Thị Như Lan.

"Mẹ tôi đã tự hào về con gái"

Miên man trong dòng kể về những trang viết của mình, chị nhớ lại kỷ niệm vui trong những ngày đầu đến với văn chương. Đó là khi cô bé vừa lên 10 có tản văn Vườn na của mẹ được ký tên Bùi Thị Như Lan, được in rất trang trọng trên báo Thiếu niên Tiền phong, nên nhảy chân sáo về khoe với mẹ, thì bị mắng cho một mạch: "Cấm tiệt, không có văn thơ gì hết".

Bị mẹ cấm đoán rất gay gắt, nên chị học sư phạm và trở thành giáo viên dạy toán, nhưng nhiều cơ duyên đưa đẩy một cô giáo trẻ ở Trường Thiếu sinh quân, thuộc Quân khu 1, về làm báo Quân khu.

Truyện ngắn đầu tay của chị có tựa Bố ơi, nhận giải Ba tại Cuộc thi viết về những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát động và sau đó các giải thưởng khác nối tiếp nhau về với nữ nhà văn.

tieng-chim-17235952955332113027818.jpeg

Tập truyện ngắn “Tiếng chim kỷ giàng”

Khi chị đã lấy chồng sinh con, một lần về nhà sau chuyến công tác, mẹ chị cười giòn khoe rằng người ta mới đọc truyện ngắn của Bùi Thị Như Lan trên đài. Chị trêu bà: "Thế mẹ không cấm, không mắng nữa à?", liền nghe mẹ mắng yêu: "Cha bố cô, hồi ấy tôi sợ cô mê văn chương sẽ sống lơ đãng và đa tình, bây giờ thì yên tâm rồi".

Tác giả của Tôi học chữ bảo: "Mẹ tôi đã tự hào về tôi. Còn tôi thì may mắn được làm con của bà. Mẹ dạy tôi rất nhiều. Bố tôi mất sớm, tôi có ngày hôm nay là nhờ mẹ. Tuy nhiên, tôi lại chưa viết một tác phẩm nào về gia đình mình, có lẽ vì với tôi nó phải hoàn hảo".

Trong khi những đứa trẻ miền núi phải vất vả với việc học, có khi còn bị cha mẹ cấm đoán thì chị có mẹ là dược sĩ và bố là người lính nên luôn khuyến khích việc học của con. Những năm 1980, sách ở thành phố còn hiếm, nói gì đến vùng núi xa xôi, ấy vậy mà cô bé Như Lan được mải mê hết cuốn này đến cuốn khác trong thư viện của một xí nghiệp dược phẩm - nơi mẹ làm việc. Vậy là Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy, Tội ác và trừng phạt... chị đều tìm đọc, khi hết tiểu thuyết thì lấy cả sách kỹ thuật để đọc. Cô bé ngày ấy mê đọc sách đến nỗi thường trốn mẹ trùm chăn đọc sách dưới cây đèn dầu, có lần đèn đổ làm cháy đồ đạc, hoặc những lần trốn mẹ đi gánh nước thuê để lấy tiền mua sách về đọc.... Tất cả đã trở thành những kỷ niệm đẹp thời thơ bé.

Nhà báo Bùi Thị Như Lan vừa nghỉ hưu, nhưng nghiệp viết văn thì khó nghỉ. Chị vẫn biên tập cho một tạp chí và hoàn thành những tập truyện ngắn, tiểu thuyết còn đang dang dở. Đây là giai đoạn mà chị dành nhiều thời gian cho sáng tác, đặc biệt là mảng tiểu thuyết.

Chị nói bằng giọng hài lòng: "Người ta thường nói phụ nữ viết văn khó có cuộc sống viên mãn, nhưng tôi thấy mình mắn cả trong văn chương và cuộc sống gia đình. Trong gia đình, tôi luôn nhận được sự ủng hộ của chồng, con. Trong sáng tác, tôi có duyên với các giải thưởng".

Vài nét về Bùi Thị Như Lan

Sinh năm 1967 tại Thái Nguyên. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Đã xuất bản 15 đầu sách, tiểu biểu có cáctập truyện ngắn Hoa mía, Tiếng chim kỷ giàng, Tiếng kèn PíLè, Vòng vía, và tiểu thuyết Chuyện tình Phja Bjooc...

Các giải thưởng: Giải Ba (không có giải Nhất) cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2001 - 2002, giải Ba cuộc thi truyện ngắn của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân Việt Nam năm 1999; giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn hóa các dân tộc năm 2004; giải thưởng cuộc thi truyện ngắn, ký Cây bút vàng lần thứ 4 của Nhà xuất bản Công an nhân dân năm2021...

Nhà thơ Huỳnh Mai Liên: 'Tôi say đắm những gì mộc mạc'

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022