Trước khi tạm khép lại loạt bài "Người lạ trong văn hóa Đông Sơn" chuyển sang series mới "Chiến tranh và hòa bình trong Văn hóa Đông Sơn", tôi muốn dành buổi "rì rầm" hôm nay để nói thêm về những người lạ trên đất Đông Sơn đến từ phía tây bắc.

1. Để dễ nhận diện, tôi xin bắt đầu ngay với một trường hợp cụ thể. Đó là chiếc hộp dẹt hiện đang trưng bày trong nhà hàng Trống Đông Sơn ở phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội).

Đó là một chiếc hộp bằng đồng hình chữ nhật dẹt, có chiều dài khoảng 18cm, rộng 8cm, chỗ dày nhất - phồng ở giữa - khoảng 4cm, mỏng dẹt về hai đầu, nơi có các móc treo ở bốn góc hộp. Trên thân hiện vật có hình khắc trang trí nhưng đã mòn bóng cho thấy hộp được chế bằng loại hợp đồng có hàm lượng thiếc cao.

(Từ trái sang): Hình 1 - hộp đồng dẹt khai quật ở Đại Điện Sơn (Bảo Sơn, Vân Nam, Trung Quốc); Hình 2 - hộp đồng phát hiện ở Lục Nam (Yên Bái, Việt Nam); Hình 3 và 4 - hai hộp đồng phát hiện ở Núi Mây Tàu (Đồng Nai, Việt Nam)

Trong khung cảnh chung của các nền văn hóa cùng thời với Đông Sơn ở Đông Nam Á, tôi đặc biệt chú ý đến nhóm đồ đồng Ai Lao phát hiện tập trung ở vùng xung quanh thành phố Bảo Sơn (tây bắc Vân Nam, Trung Quốc). Người chết đương thời được chôn trong các hầm mộ nhỏ, đào khoét dốc lên bên dưới một vách đất đồi. Bộ đồ đồng tùy táng có một vài nét gần giống với đồ đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Quả Cảm, Lãng Ngâm (Thuận Thành, Bắc Ninh), đó là kiểu đúc các hình chim thú mỏng dẹt trên chuôi, hay lưng các vũ khí như rìu, dao găm… Hình gà trống hay chim công đúc mỏng như vậy khá phổ biến. Chuông đồng dẹt bầu dục, kích thước lớn, có quai cầm. Rìu lưỡi xéo và rìu lưỡi cân dạng thuổng rất phổ biến.

Điểm khác biệt nhất tạo ra phong cách riêng của văn hóa Ai Lao Bảo Sơn là ở bộ đồ hộp dẹt đồng hình chữ nhật dài 20 - 30cm, rộng 10 - 12cm, dày 4 - 6cm. Xung quanh đúc nổi các gân trang trí hình học. Cạnh đó là những bàn kê bằng đồng, mỏng mảnh, cùng phong cách trang trí hình học như trên các thân hộp. Các hộp này gồm hai phần: phần thân bên dưới dài hơn và phần nắp bên trên ngắn hơn, có gờ để đậy khít.

Hiện tại chưa xác định được các hộp đồng dẹt đó dùng để chứa gì, nhưng nhận xét khá giống nhau giữa những nhà nghiên cứu là: Thấy nó gần gũi với những đồ đựng nước hay rượu của các dân tộc du mục.

5-1736985446619492815559.jpg

Một chuông đồng kiểu Ai Lao phát hiện trong mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn được chào bán trong phiên chợ Tết phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm 2015

Có thể dễ nhận ra ngay chiếc hộp dẹt bày ở nhà hàng Trống Đông Sơn không thuộc văn hóa Đông Sơn, nhưng đã được phát hiện trong một nhóm hiện vật cùng thời với Đông Sơn ở vùng Lục Nam (Yên Bái). Chủ nhân sưu tập hoàn toàn có lý khi trưng bày hiện vật này trong khung cảnh chung của văn hóa Đông Sơn như sự chấp thuận có giao tiếp của những người Ai Lao sớm vào cộng đồng văn hóa Đông Sơn.

Năm 2014, tiếp theo chủ đề seminar quốc tế "Dấu vết văn hóa Dạ Lang ở Việt Nam", tôi đề xuất tổ chức tiếp "Dấu vết văn hóa Ai Lao ở Việt Nam". Đáng tiếc là vì một số lý do, seminar đã tạm hoãn. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn thường xuyên trao đổi.

2. Câu chuyện tôi muốn nói nhiều hơn trong buổi "rì rầm" này chính là phát hiện vào khoảng năm 1990 rất đáng chú ý về nhóm hiện vật đồng lạ trong một chum gốm lớn ở vùng núi Mây Tàu giáp ranh Đồng Nai, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm 20 lưỡi qua đẹp, 12 chũm chọe và hai hộp đồng dẹt.

2tghep-1736985372349454003320.jpg

Mặt trước và mặt sau của một trong số 12 chiếc chũm choẹ phát hiện cùng hộp chữ nhật dẹt và qua đồng Long Giao trong chum gốm ở Đồng Nai

Trước đó khoảng chục năm, người dân nông trường Long Giao đã có phát hiện chấn động giới khảo cổ về một kho chứa hàng trăm chiếc qua đồng, trong đó có những chiếc to lớn, trang trí rất đẹp. Cách đó không xa cũng xuất lộ ngẫu nhiên hai con thú bằng đồng cùng khung cảnh qua Long Giao, hình dáng rất giống loài tê tê hiện tại. Trước đó, khoảng 1976 - 1977, các nhà khảo cổ đã phát hiện và khai quật ở Dốc Chùa (Đồng Nai) và Bầu Hòe (Ninh Thuận) một số mộ đất và mộ chum có chứa những qua đồng lớn cùng kỹ thuật Long Giao. Niên đại C14 ở Dốc Chùa tới thế kỷ 3 trước Công nguyên.

Chiếc chum gốm mà tôi đang muốn đề cập đến cũng nằm trong khung cảnh mang tính "vùng văn hóa" chung như vậy. Chiếc chum này và phần lớn chũm chọe đồng hiện đang nằm tại Bảo tàng tiền sử Phạm Huy Thông ở Kim Bôi, Hòa Bình.

Tôi đặc biệt quan tâm đến hai chiếc hộp dẹt hình chữ nhật. Hai hộp này hình dáng gần giống chiếc hộp đang trưng bày ở Nhà hàng Trống Đông Sơn, kích thước nhỉnh hơn một chút. Trên thân hoa văn còn rất sắc nét, gồm những chấm lõm và các nét phảy viền thành khung hoa văn hợp lý mang cùng phong cách trang trí trên một chiếc chũm chọe trong chum cũng như một số qua đồng cùng thời.

3-1736985462355372028719.jpg

Một dạng linh thú được đúc bằng đồng có vẩy tê tê, hẳn là vật thờ của những người dùng qua dạng Long Giao, hộp đồng dẹt và dùng chũm chọe trong các nghi lễ tâm linh. Ảnh Nguyễn Giang Hải. (Hiện vật lưu tại Bảo tàng Đồng Nai)

Nhờ phát hiện các lưỡi qua tương tự trên một dải từ Vân Nam (Trung Quốc), đến Tây Bắc, miền tây Thanh Nghệ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (Việt Nam), mỏ đồng Sê Pôn (Lào), cao nguyên Cò Rạt (Thái Lan)…, chúng ta có thể hiểu được một mạng lưới liên hệ văn hóa rộng lớn đã diễn ra trong khoảng những thế kỷ trước sau Công nguyên.

Sự tập trung cao độ nhóm hiện vật đồng hành với qua Long Giao đã đọng lại ở vùng cực nam Trung Bộ gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận. Cùng sự xuất hiện của mộ cự thạch thủ lĩnh lớn ở Dầu Giây, Hàng Gòn, những mộ đậy mặt bằng mặt nạ vàng ở Gò Nổi và nhất là khu mộ táng mang chất cảng thị Cần Giờ đã hé mở những bí ẩn về lịch sử văn hóa ở vùng này mà tôi hy vọng sẽ kể thêm trong một dịp khác.

4ghep-1736987856505378756845.jpg

Một trong số qua kiểu Long Giao với những đồ án trang trí rất tinh tế ở chuôi (Sưu tập CQK, California, Mỹ)

3. Sự xuất hiện những hộp đồng dẹt trong khung cảnh văn hóa Đông Sơn ở Yên Bái cùng với những qua đồng kiểu Điền ở Gò De (Phú Thọ), khóa thắt lưng và đai mũ kiểu Điền ở sông Lô… báo hiệu sự cộng cư lạ đến từ phía tây bắc thượng nguồn các sông Hồng, Đà.

Năm 2012, tham dự Hội nghị quốc tế về văn hóa Hán ở Trung Quốc, tôi đã rất để ý đến một báo cáo về những người đội mũ chỏm nhọn phát hiện trong các mộ xác khô trên sa mạc Tân Cương gắn với những người biểu diễn tạp kỹ được khắc vẽ nhiều trên các đồ đồng Chiến Quốc, Tần - Hán (khoảng thế kỷ 5 - 2 trước Công Nguyên).

Tác giả báo cáo cho rằng, đó là những người rợ Hồ, Cáp Nhĩ Tân… được mô tả trong thư tịch như những đội biểu diễn tạp kỹ đương thời. Trên nhiều đồ đồng Đông Sơn, tôi cũng nhận ra những người đội mũ chỏm nhọn cao này. Thường thấy nhất là ở các tượng nhạc công trên quang đèn dầu. Và điển hình nhất chính là tượng hai người cõng nhau thổi khèn hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội).

Nhiều học trò của giáo sư Trần Quốc Vượng hẳn vẫn còn nhớ gợi ý được nhấn mạnh của ông khi bàn về sự đa dạng trong văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam thời cổ đại, rằng: "Đừng bao giờ quên các yếu tố du mục Tạng Miến". Năm 2008, Trong Hội nghị Việt Nam học quốc tế họp tại Hà Nội, giáo sư người Nga Diopic trình bày một bài viết rất hấp dẫn: "Những cuộc tiếp xúc của chủ nhân văn minh Trung Á với người Đông Sơn". Hóa ra, cảm nhận của các nhà khoa học lớn như Heine-Geldern về ảnh hưởng của người Tokhara từ Trung Á vào văn hóa Đông Sơn từ những năm 1930 không phải là những tưởng tượng vô căn cứ…     

"Người lạ" trong văn hóa Đông Sơn (kỳ 2): Những tượng người da đen, tóc xoăn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022