Điều gì xảy ra khi chính nghệ sĩ - những người sở hữu nhiều nhất sự yêu mến và sức ảnh hưởng, lại trở thành mắt xích tiếp tay cho sản phẩm độc hại đến với người tiêu dùng?

Không còn đơn thuần là người biểu diễn, những nghệ sĩ có tên tuổi ngày nay đã tự trở thành những kênh truyền thông lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến hành vi tiêu dùng của hàng triệu người. Sự hiện diện của họ trong các chiến dịch quảng cáo không chỉ tăng tính hấp dẫn của nội dung mà còn được xem như bảo chứng cho chất lượng và uy tín của sản phẩm bởi tầm ảnh hưởng của thần tượng và công chúng. Tuy nhiên, khi nghệ sĩ bị bóc trần rằng đã mang đến những lời giới thiệu thiếu kiểm chứng, niềm tin công chúng không chỉ bị tổn thương mà còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Chỉ mới đầu năm 2025, một loạt vụ việc đã liên tục gây rúng động dư luận khi các sản phẩm được nghệ sĩ quảng bá bị phát hiện là giả mạo, không đạt tiêu chuẩn, thậm chí gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Vụ kẹo rau củ Kera có Hoa hậu Thuỳ Tiên cùng một loạt người nổi tiếng tham gia quảng cáo bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật là ví dụ điển hình. Sau đó, ngày 3/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng liên quan Công ty Cổ phần Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt... Bộ Công an cũng vừa triệt phá một đường dây lớn sản xuất sữa bột giả với quy mô gần 600 mã hàng. Vụ việc sữa giả này cũng được cho là liên quan đến nhiều nghệ sĩ có tên tuổi nghi từng xuất hiện trong các video quảng bá.

Kẹo rau củ Kera do Hoa hậu Thuỳ Tiên cùng một loạt người nổi tiếng tham gia quảng cáo bị xử phạt. Ảnh: Internet

Là người nổi tiếng, một trong những đặc quyền của người nghệ sĩ đó là được công chúng yêu thương, tin tưởng và ủng hộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội khi trở thành người có ảnh hưởng. Tuy nhiên, quyền lợi càng lớn thì trách nhiệm càng nhiều. Khi từng lời nói và hành động có thể ảnh hưởng đến hành vi, thói quen tiêu dùng của hàng triệu người, sự cẩn trọng trong suy nghĩ và hành động là điều tối thiểu mà một nghệ sĩ cần có. Một người nghệ sĩ không gửi "cái tâm" của mình tới cộng đồng thì không xứng đáng nhận lấy sự yêu thương và tin tưởng từ công chúng.

Dù một vài người trong số những nghệ sĩ được chỉ mặt đặt tên đã lên tiếng xin lỗi hoặc cho rằng mình "chỉ đọc theo kịch bản nhãn hàng đưa", "không biết rõ bản chất sản phẩm", nhưng công chúng không dễ tha thứ như vậy. Trong bối cảnh nghệ sĩ khi xuất hiện cùng một sản phẩm, chủ động tác động lên nhận thức của cộng đồng về sản phẩm đó, việc đổ lỗi cho sự thiếu hiểu biết là bao biện khó chấp nhận. Anh phải thể hiện được rằng mình đã nỗ lực đến thế nào khi làm việc với các nhãn hàng để bảo vệ công chúng chứ. Tại sao khi có vấn đề xảy ra lại đi đổ lỗi thay vì nhận trách nhiệm?

sua-1744962465082915878031.jpg

Gần 600 nhãn hiệu sữa giả được tuồn ra thị trường trong 4 năm qua khiến người tiêu dùng lo lắng. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị

Việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng cũng như chế tài xử phạt đối với việc quảng cáo sai sự thật đang còn quá nhẹ đã góp phần khiến tình trạng nghệ sĩ quảng cáo bất chấp đúng sai ngày càng phổ biến. Tuy vậy, không phải mọi vấn đề đều cần đến chế tài. Bản thân người nghệ sĩ nếu thực sự trân trọng công chúng, quan tâm tới khán giả của mình, thì cũng cần chủ động đặt câu hỏi trước mỗi lời giới thiệu sản phẩm: thông tin sản phẩm có đầy đủ chưa, sản phẩm có được kiểm định không, và quan trọng nhất là mình có sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu người hâm mộ tin theo và gặp hậu quả?

Ở một thái cực khác, câu chuyện của Lý Bảo Điền, nghệ sĩ Trung Quốc từng thủ vai Tể tướng Lưu Gù trong loạt phim nổi tiếng cùng tên vẫn được nhiều người nhắc đến như một chuẩn mực về đạo đức của người nghệ sĩ. Dù rất nổi tiếng với vai diễn của mình, tuy nhiên trong suốt nhiều năm sau đó, ông không nhận bất kỳ hợp đồng quảng cáo nào, kể cả những lời mời có thù lao hàng chục triệu nhân dân tệ (hàng chục tỷ đồng tiền Việt). Lý do ông đưa ra rất rõ ràng: "Tôi chưa bao giờ uống những loại thuốc đó, tôi không biết chúng có lợi, có hại thế nào. Tôi không muốn lừa dối khán giả. Họ có thể vì tin tôi nên mới mua thuốc, tôi phải xứng đáng với lòng yêu mến của họ, không thể có lỗi với họ".

Câu nói ấy, đến tận ngày hôm nay, vẫn là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho không ít người nổi tiếng đang coi việc quảng cáo là điều đương nhiên mà thiếu cân nhắc về hậu quả.

Khán giả hiện nay không chỉ đơn thuần nghe thông tin một chiều và tin tưởng người nghệ sĩ một cách mù quáng. Họ đã có nhiều luồng thông tin hơn để có thể phản biện, đối chiếu, soi chiếu từng hành vi. Trong một xã hội nơi sự minh bạch được đề cao và niềm tin là tài sản mong manh, cái tâm của người nghệ sĩ trong từng quyết định dù là nhỏ nhất đều có thể trở thành thứ xác định họ xứng đáng với niềm tin từ công chúng trong bao lâu nữa.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022