Thành Lộc là một trong 28 gương mặt nhận huy chương vàng trong sự kiện bế mạc, tối 29/11. Bên cạnh giải cá nhân, diễn viên và sân khấu Thiên Đăng - nơi anh làm giám đốc nghệ thuật - nhận giải vàng cho Giáng Hương ở hạng mục dành cho tác phẩm.
Thành Lộc (giữa) nhận giải bên Lê Khánh (phải) và Hương Giang - các diễn viên sân khấu Thiên Đăng. Ảnh: Lâm Nguyễn
Xúc động khi nhận giải, Thành Lộc cho biết tham gia chương trình không vì thi thố, huy chương. Ban đầu, khi nhận được lời mời từ lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, anh định từ chối vì đơn vị còn khá non trẻ. Sau cùng, nghệ sĩ và dàn diễn viên của Thiên Đăng như Hữu Châu, Lê Khánh quyết định góp mặt vì muốn cọ xát kinh nghiệm, kết nối hơn với các sân khấu. "Tôi và anh chị khác cũng muốn lan tỏa năng lượng đến các diễn viên hậu bối. Vài năm nữa thôi, vị trí chúng tôi đang đứng sẽ là chỗ của các bạn trẻ", Thành Lộc nói.
Ngoài Thành Lộc, nhiều gương mặt kỳ cựu khác đoạt huy chương vàng, như Hữu Châu (vai Ba Hoài, vở Giáng Hương), Ái Như (vai bà Hai, vở Cơn mê cuối cùng) Thành Hội (vai cậu Út Hơn, vở Cơn mê cuối cùng), Tuyết Thu (vai bà Từ, vở Đêm vượn hú), Hoàng Sơn (ông Hai Mạnh, vở Bông cánh cò), Minh Nhí (vai chú Hai, vở Cánh đồng rực lửa). Một số gương mặt trẻ khác cùng đoạt giải, như Lâm Vỹ Dạ, Minh Dự, Gia Bảo.
Từ trái qua: nghệ sĩ Quang Thảo, Hữu Nghĩa, Trịnh Kim Chi, Tuyết Thu. Ảnh: Lâm Nguyễn
Bên cạnh Giáng Hương, bốn vở nhận giải xuất sắc, gồm Cánh đồng rực lửa (sân khấu Quốc Thảo), Đồng chí (Hội Sân khấu TP HCM), Cơn mê cuối cùng (sân khấu Hoàng Thái Thanh), Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt: Người mang 9 án tử (nhà hát kịch Idecaf). Ban tổ chức cũng trao sáu huy chương bạc cho vở diễn, 43 huy chương bạc cho cá nhân.
Trích đoạn kịch về Tả quân Lê Văn Duyệt của sân khấu Idecaf. Video: Mai Nhật
Nghệ sĩ Ca Lê Hồng - thành viên hội đồng chuyên môn - đánh giá các đơn vị thể hiện rõ năng lực qua kỳ liên hoan. Theo bà, một số thương hiệu sân khấu từng chạy theo thị trường, khai thác yếu tố giải trí để dễ bán vé, nhưng khi đến hội diễn vẫn có các kịch bản giàu chiều sâu cảm xúc. "Họ không chỉ mang tới tác phẩm tốt nhất của đơn vị mà còn có ý thức nâng cao chất lượng vở diễn. Đó cũng là mục tiêu của sự kiện khi các sân khấu tự phấn đấu, nâng tầm bản thân", bà nói.
Theo bà Ca Lê Hồng, điểm khác biệt của Liên hoan sân khấu TP HCM so với các hội giải khác là hội đồng nghệ thuật sẽ đến từng đơn vị xem, thay vì biểu diễn tập trung một chỗ, từ đó đánh giá được công tác tổ chức của mỗi đơn vị. Bà nhận xét phần lớn tác phẩm đợt này có đời sống riêng, thu hút công chúng, không như tình trạng nhiều vở thi xong rồi "cất kho" ở một số liên hoan khác.
Nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu - cho biết một số vở còn kém thuyết phục về kịch bản, chứng tỏ đơn vị ít đầu tư. Nhiều tác phẩm có bối cảnh hạn chế do kinh phí thấp, sân khấu gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Sau liên hoan, ban tổ chức cho diễn lại các vở đoạt giải cao, giúp khán giả có cơ hội thưởng thức những tác phẩm chất lượng tốt.
Sự kiện diễn ra từ ngày 12 đến 29/11, là một trong những hoạt động trọng tâm của thành phố, hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Liên hoan thu hút 20 đơn vị với khoảng 300 diễn viên, hầu hết là sàn diễn xã hội hóa. Vở dự thi có thời lượng 90-150 phút, được dàn dựng từ năm 2021 đến nay.
Mai Nhật